Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

CÔ ĐƠN

Cảm giác cô đơn, trống rỗng
 
Một nghiên cứu theo dõi hơn 2,000 người trên 50 tuổi trong vòng 6 năm và kết quả nhận được cho thấy nỗi cô đơn làm nguy cơ tử vong tăng lên gấp 2 lần và có nguy cơ chết sớm cao hơn 14% so với người không cô đơn.
 
Một nghiên cứu khác lại cho thấy 43.2% trong số 1,600 người trên 70 tuổi cho rằng họ cảm thấy cô đơn và thường thiếu bạn tâm giao.
 
Một nửa trong số những người tham gia khảo sát nói nỗi cô đơn của họ càng hiển hiện rõ hơn vào cuối tuần và ba phần tư trong số đó phải chịu đựng nỗi cô độc khi đêm về.
 
Bà Mai Phương, 69 tuổi, hiện sống một mình ở Anaheim cũng là người mang trong lòng nỗi trống trải, cô đơn kể từ khi chồng qua đời cách đây hơn 2 năm. Nhìn cách bà đi làm, tham gia những sinh hoạt hội nhóm, bạn bè, khó ai có thể nghĩ được trong bà lại có một góc cô đơn hun hút đến vậy.
 
“Thời gian ổng mới mất, trong tôi hoàn toàn trống rỗng.” Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói buồn và nhẹ hơn bình thường.
 
Không còn những đêm mất ngủ vì lo lắng cho bệnh tật của chồng. Không còn những thấp thỏm mỗi khi đưa ông vào bệnh viện. Không còn phải suy nghĩ đến chuyện lo hôm nay nấu món gì, ngày mai đổi món nào. Nhưng lấp đầy cho những cái “không còn” đó lại là một khoảng trống đến rợn người.
 
“Tôi không dám ở nhà một mình, tôi cứ bám víu vào thằng con út khi đó còn ở chung nhà. Nó đi đâu tôi theo đó, nó đi ăn sushi ở hướng Nam, tôi đi theo hướng Nam. Nó lái xe ngược hướng Bắc đi uống boba, tôi cũng ngồi xe theo hướng Bắc. Có lúc ngồi trong xe cũng chỉ ngủ gà ngủ gật nhưng mà vẫn cứ leo lên xe con mỗi khi nhìn thấy nó đi đâu, cho dù nó có muốn hay không muốn mang mình theo.” Người đàn bà có đôi môi luôn cười nhưng ánh mắt lại rười rượi, nhớ lại.
 
Bà biết con bà không thích như thế. Bà biết bà không nên bám theo con như thế. “Nhưng mà... biết làm sao.” Bà Phương cười buồn.
 
Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này chậm rãi nói tiếp, “Tôi thấy rõ ràng mình mất một chỗ tựa, như thiếu một cây gậy để chống mà đi kể từ lúc ổng mất. Cô đơn lắm!”
 
Nỗi cô đơn, trống vắng không chỉ ở chỗ thiếu đi một bóng hình, một người hằng ngày ra vào mình trông thấy, nhìn thấy, chuyện trò, mà ngay cả, như bà Phương tâm sự, nhìn những hàng cây khô héo, nhìn bụi vương trong nhà, lại chợt nhớ ra có người đã từng làm thay mình những việc như thế. Đó là chưa kể những lúc ngồi lần hồi giải quyết từng cái hóa đơn điện, nước, gas, rác... lại nhớ bao lâu rồi mình không phải làm những việc này.
 
“Nhiều lúc đang ở sở làm mà nỗi buồn cũng ập đến, tôi phải đi vào trong restroom đứng khóc một mình,” bà kể.
 
Với bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng qua đời đã 16 năm, khi bà mới 52 tuổi, thì nỗi cô đơn, trống trải càng về những năm sau này càng mãnh liệt hơn so với thời gian đầu khi người bạn đời của bà ra đi, bởi “khi đó tôi không có thời gian và tinh thần để nghĩ đến nó. Tôi phải bận rộn trong việc đi làm hai 'job' để kiếm tiền nuôi con, trả tiền nhà.”
 
alt
(Hình minh họa: Uyên Nguyên/Người Việt)
 
 
Mặc dù không nhận ra nỗi trống vắng, cô đơn vào thời gian ấy, nhưng bà Kim Lan lại gần như bị rơi vào tình trạng “trầm cảm.” Bà nhớ lại, “Tôi đi làm gần như câm lặng, chỉ có hai câu 'Hi' khi đến và 'Bye' khi về. Trong lòng lúc nào cũng như buồn bực, ray rứt.”
 
“Tôi cảm thấy như tôi giận chồng tôi rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đều thích sống ở miền quê, cả hai hẹn nhau khi nào con ra trường thì sẽ tìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để ở. Vậy mà chưa chi ổng đã bỏ tôi ra đi. Tôi cứ cố nghĩ đến những tính xấu của ông để mà giận thêm. Và tôi trút sự tức giận đó lên các con tôi, như một người điên sẵn sàng la hét cho dù chỉ là một điều nhỏ nhặt.” Bà Lan tiếp tục kể bằng giọng tâm tình khi đêm xuống mỗi lúc một sậm màu hơn.
 
Rồi thì thời gian đó cũng qua khi bà được bạn bè rủ đi tập Taichi, nghe tiếng người ta trò chuyện, nhìn người ta cười giỡn với nhau, bà Lan tìm lại được nụ cười và tiếng nói của chính mình.
 
Về hưu ở tuổi 63, bà Lan lại tiếp tục giúp con nuôi cháu. Những niềm vui giản dị này không cho bà có thời gian buồn, sự bận rộn với các cháu khiến bà không thấy lẻ loi.
 
Tuy nhiên, khi các cháu lớn dần, bà ngoại không còn là người để chúng gần gũi, quyến luyến, và như một lẽ thường tình “càng về già càng thấy hụt hẫng,” bà Lan cảm nhận.
 
“Nhiều lúc thấy mình bơ vơ, trống vắng, hay có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi. Những lúc đau ốm, yếu trong người là lúc cảm thấy cô độc nhất, sợ hãi nhất. Bạn bè đến thăm thì vui, nhưng họ bước chân ra về là mình thấy chơi vơi.” Người phụ nữ có giọng nói của người Hà Nội xưa nói như trải lòng.
 
Cảm giác lẻ loi, trống trải đến nao lòng đó không chỉ là cảm nhận của riêng phụ nữ mà đàn ông vẫn không làm sao thoát được những lúc nỗi cô đơn ùa đến, bủa vây.
 
“Một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với” là điều mà ông Vương Văn Chương cảm nhận được từ khi vợ ông qua đời, cách đây “3 năm 9 tháng.”
 
Ông Chương năm nay 72 tuổi, hiện ở Garden Grove, sống cùng con cháu kể từ khi vợ mất, bởi “sống trong ngôi nhà cũ, nhìn đâu cũng thấy bóng hình vợ tôi, buồn lắm, chịu không được.”
 
Ông Chương kể, “Vợ tôi đi làm suốt 29 năm, khi vừa về hưu được hai tháng, đang lên kế hoạch đi du lịch đây đó thì phát hiện bị ung thư bao tử giai đoạn cuối. Năm tháng sau thì vợ tôi mất.”
 
Sự ra đi của người bạn đời đã đồng hành cùng ông suốt 42 năm, người cùng ông trải qua chuyến vượt biển thập tử nhất sinh vào năm 1977 với 27 ngày trôi trên biển cho đến khi được tàu cứu vớt, rồi sang Mỹ vui buồn, sướng khổ có nhau, để lại trong lòng người đàn ông này một khoảng trống mênh mông.
 
Ông Chương dọn về ở với gia đình con trai, như một sự trốn chạy những kỷ niệm, dù vậy, ông vẫn cảm thấy “rất cô đơn, nhất là khi đêm về, lúc con cháu đi vắng, tất cả đều im ắng.”
 
“Đó là nỗi cô đơn của sự thiếu một vòng tay, một giọng nói, một cái hôn, mà ở người đàn ông thì họ lại thích có những cái vuốt ve mơn trớn, giờ thiếu hết tất cả. Thiếu nhiều lắm, một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với.” Ông Chương mô tả.
 
Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, nói rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.”
 
Nghiên cứu của trường Đại học UC San Francisco cũng đưa đến những ngạc nhiên bất ngờ khi biết rằng không chỉ ở một mình người ta mới thấy cô đơn. Trong số 43% người già cho rằng mình cô đơn thì chỉ có 18% sống một mình.
 
Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì.
 
Chính vì điều này mà người già lẻ bóng vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi tuổi về chiều.


Nỗi khát khao tìm tri kỷ gủa người già cô đơn
 
Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, cho rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.” Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì.
Chính vì điều này mà người lớn tuổi lẻ loi vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi đã về chiều.
Thế nhưng, liệu ước mơ đó, nỗi khao khát đó có dễ dàng đến trong tầm tay những người lẻ bóng này? Họ có thật sự mở lòng đón nhận những tâm hồn đồng điệu hay vẫn còn đâu đó những rào cản, những ngại ngần, đắn đo, và nhiều suy tính của người đã đi gần hết ba phần tư chặng đường đời? Và quan trọng hơn, người tâm giao, tri kỷ để nương tựa lúc tuổi già được quan niệm theo nghĩa nào?
 
alt
(Hình minh họa: Getty Images)
 
Tuổi càng cao lại càng thận trọng, đắn đo trong việc tìm người nương tựa
 
Như đã nói, ước mong có được một người bạn khác phái làm nơi nương tựa lúc tuổi già xế bóng là một nhu cầu có thực, rất người, rất đời của hầu hết những người lớn tuổi đang sống một mình, chứ không chỉ ở riêng vài người.
Tuy nhiên, để đi tới chỗ tìm được người như mơ ước quả thật không hề dễ dàng.
Ông Vương Văn Chương, người gần như rơi vào khoảng trống chơi vơi khi người vợ gắn bó cùng ông suốt 42 năm qua đời một cách vội vã cách đây gần 4 năm, thừa nhận “dù nhiều đêm nằm một mình cũng cảm thấy rất cô đơn” nhưng ông không tự hoạch định cho mình chuyện phải đi cưới vợ lần nữa hay tự tiết chế mình không nên đi bước nữa, mà “mọi sự cứ để cho tự nhiên.”
Theo ông Chương "việc có một người bạn tâm giao hay bạn tình ở tuổi này vừa cần thiết nhưng đồng thời cũng có thể mang đến những hệ lụy."
 
Bởi: “Cần thiết là đỡ cô đơn, cho mình cảm giác không trống trải. Nhưng thực tế tôi thấy có nhiều người khi vợ qua đời, do không chịu được sự trống vắng, họ vội vàng đi cưới một người vợ khác nhưng rồi không hạnh phúc, lại chia tay.” Tôi có nhiều bạn gái nhưng tôi luôn duy trì một khoảng cách.
“Ở tuổi hơn 70 này mà dính vào ái tình cũng mệt lắm nên cũng cố né, nhưng không biết nghiệp của mình đến đâu, có thật sự thoát được không. Dính vô cũng vui nhưng cũng sẽ nhiều phiền phức. Thế nên tôi cảm thấy cần thận trọng hơn” Ông Chương nói một cách cởi mở.
Bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng mất đã 16 năm, không ngần ngại khi nói lên ước mơ của mình là mong tìm được một người bạn khác phái để nương tựa nhau cho đỡ nỗi hiu quạnh.
“Giờ đây, tôi chỉ mong có một người bạn khác phái để chăm sóc nhau, để có người tâm tình, nói chuyện, đi ăn uống, đi xem phim. Nhiều người cho rằng nếu chỉ vậy thì bạn trai hay gái cũng được. Nhưng không phải. Người bạn khác phái có nhiều điều khác lắm. Tôi mơ như vậy nhưng chưa tìm được.” Người phụ nữ cô đơn đang sống tại Santa Ana nói về nỗi niềm của mình bằng giọng nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm.
Dầu tha thiết như thế nhưng thật sự người bà Lan hướng đến cũng phải có những điều kiện nhất định.
 
Người đàn ông sẽ được chọn làm nơi nương tựa cho bà Lan không chỉ “hợp tính tình, biết thông cảm, biết chăm sóc nhau” mà còn phải là người “không nghèo mạt rệp” hay không thể thuộc dạng “người chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu thể xác, vừa mới quen biết đã đưa ra lời mời đi chơi xa với nhau, ngủ cùng nhau.”
“Tôi thấy nhiều người đàn ông ly dị vợ, tìm đến phụ nữ khác để được chăm sóc, để đòi hỏi sắc dục. Đó là còn chưa kể có những người đàn ông có tật quen với ai cũng mang đi khoe như một chiến tích. Sợ lắm!” Bà Lan nói về sự dè dặt của mình.
Ông Chương Dù cho biết có đôi người cũng bày tỏ thái độ quý mến ông, nhưng ông chưa tính chuyện tiến tới với ai bởi “chưa gặp người cùng tần số tâm linh.”
“Tần số tâm linh” mà ông Chương muốn nói là sự hợp nhau không chỉ về tính tình mà còn là cùng sở thích cùng quan niệm, đồng điệu về nhiều điều trong cuộc sống.
Người đàn ông có cách nói chuyện khiến nhiều phụ nữ muốn ngồi xuống nghe nhiều hơn, chia sẻ, “hồi ở tuổi 20-30, gặp cô nào đẹp là mình có thể yêu ngay, không nghĩ suy gì nhiều. Nhưng ở tuổi này, cái nhìn của mình có sự đắn đo và thận trọng hơn, sự lựa chọn có suy nghĩ nhiều hơn là tiếng sét ái tình.”
Thêm vào đó, ông Chương cũng cho rằng chỉ quen với người cùng hoàn cảnh đơn lẻ như ông, chứ không quen người đang có gia đình hoặc ngay cả vợ của bạn, dù đã ly hôn hay chồng qua đời ông cũng không muốn tiến tới vì “tôi tôn trọng bạn bè mình, tôi không muốn phá vỡ mối quan hệ đã có.”
Với bà Mai Phương thì chuyện thấy có một người bạn khác phái để trò chuyện, để cùng đi ăn uống cũng là một nhu cầu rất thực, “nó khiến mình vui hơn.” Thế nhưng, người phụ nữ gần 70 đang sống ở Anaheim này cũng rất ngần ngại, dè dặt trong việc bộc lộ cảm xúc với người mà bà có cảm tình hay nghĩ rằng người đó cũng có cảm tình với mình.
“Nhìn cử chỉ, nhìn cách họ chăm sóc mình khi đi dự tiệc tùng, nhóm bạn thì biết rằng có điều gì đặc biệt, mình cũng cảm thấy xúc động, xao xuyến. Nhưng mà làm sao có thể mang điều đó ra tâm sự với ai được. Ngộ nhỡ không phải, hay ngộ nhỡ họ cũng ngượng mà chối thì có phải mình quê quá không? Từng tuổi này rồi, đâu thể như thời trẻ được.” Bà Phương bày tỏ.
Chính từ điều này, bà Phương chọn cho mình một cách nghĩ: chỉ xem đó là một người bạn – bạn thân hơn bình thường – nhưng chỉ là bạn.
 
alt
(Hình minh họa: Getty Images)
 
 
Chỉ kết bạn, không lấy làm chồng/vợ
 
Bà Mai Phương, người trở thành góa phụ từ hơn 2 năm qua, càng lúc càng nhận ra “nỗi buồn của sự cô đơn mỗi lúc một thấm sâu hơn.” Tuy nhiên, bà gần như xác định cho mình một tư tưởng: Chỉ cần có bạn tâm giao chứ không lấy chồng thêm lần nữa.
Lý do?
“Mang một người chồng về nhà như mua thêm sự mệt mỏi.” Bà Phương trả lời.
Theo người phụ nữ gần bước vào tuổi 70 này thì ngoài yếu tố “tuổi già nhiều bệnh tật, mang nhau về lại phải chăm sóc cho nhau” lại còn có thêm lý do: chưa sẵn sàng chấp nhận một ai có thể thay thế vào vị trí của người chồng mà bà đã gắn bó suốt bao năm qua.
Bà tâm sự, “Có những đêm thật cô đơn, thật trống vắng, tôi cũng nghĩ giá như mình có một người nương tựa. Thế nhưng khi nghĩ đến hình ảnh người đó sẽ ngồi vào chiếc ghế nơi chỗ chồng tôi từng ngồi, tự dưng tôi lắc đầu ‘không được, không được’, hay nghĩ đến sẽ có một người nào đó nằm cạnh bên mình, tự dưng lại cũng thấy xa lạ, lại lắc đầu 'không thể được'.”
Bà Phương nói tiếp, chậm rãi, “Tình yêu thời trẻ như tờ giấy trắng. Còn tuổi này ai cũng có tì vết hết rồi, không ai muốn người kia biết hết về quá khứ của mình.”
Cũng theo bà Phương, một lý do “tế nhị” khiến bà thấy thật khó để có thể đi thêm bước nữa ở lứa tuổi này. Đó là “Nếu là chồng, là tình nhân thì chắc hẳn sẽ phải có chuyện ‘chăn gối’ Nhưng cứ thử hình dung, mình không còn trẻ, người mình đã không còn săn chắc, quần áo bên ngoài có thể che phủ tất cả, nhìn ai cũng đẹp. Thế nhưng khi cởi bỏ lớp quần áo ra thì sẽ là gì? Nhìn vào sự nhăn nheo đó liệu có còn hấp dẫn nhau không?”
“Tuổi này sức khỏe không còn nhiều cho ‘chuyện đó’, nếu muốn được thỏa mãn thì phải dùng thuốc, mà điều đó thì không có lợi cho sức khỏe lâu dài.” Bà Phương lý giải thích thêm về quan niệm chỉ muốn có bạn tâm giao chứ không muốn trở thành chồng hay tình nhân.
“Dù sống một mình nhiều khi cũng kẹt lắm, nhất là lúc đau ốm. Nhưng tôi cũng không muốn cuộc sống của mình bị trói buộc nữa. Có người bạn thân hơn mức bình thường để mình có thể tâm sự nhiều hơn, để mình có thể vui khi gọi điện thoại nói chuyện hay thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn, đi mua sắm. Nhưng đừng bao giờ trông mong người đó là của riêng mình.”
“Có người quan tâm thì càng khiến mình vui hơn nhưng cũng bận rộn hơn. Nhưng nếu nghĩ người đó là của riêng mình thì sẽ rất khổ.” Bà Phương nhấn mạnh.
Bà Kim Lan dù luôn mong mỏi sẽ tìm được một người đàn ông để bầu bạn, nương tựa cho vui lúc tuổi già, nhưng vẫn cho rằng “khó mà sống chung như vợ chồng.”
Bà Lan nêu suy nghĩ, “Già rồi thì tính khí khó thay đổi lắm. Người trẻ khi xáp lại với nhau thì còn có nhiều thời gian để tìm hiểu, để thay đổi, còn người già thì sao? Về sống chung không hợp rồi lại cãi vả chia tay à? Có thể có người có nhiều nhu cầu về thể xác, tôi thì lại không muốn như thế.”
Cũng theo bà Lan, “nếu người đàn ông muốn một người vợ thì họ thường đi tìm những phụ nữ trẻ trung hơn chứ không ai đi cưới những người già.”
Thế nhưng, trái với suy nghĩ của bà Kim Lan, ông Vương Văn Chương, 72 tuổi, lại cho rằng, “Nếu phải tìm một người khác phái để đi thêm bước nữa, hay để làm một người tri kỷ thì ngoài việc đó phải là một phụ nữ có tư cách, có học thức, thì theo tôi, người đó cũng phải từ 65 tuổi trở lên vì như vậy mới có được sự đồng điệu tương xứng.”
Tuy nhiên, ông Chương cũng nhìn nhận, “Dù muốn dù không thì thật sự ở tuổi 70 sức khỏe đã kém rồi. Nếu lấy một người còn quá trẻ sẽ không đáp ứng, thỏa mãn được người yêu trẻ thì không hay. Mình phải hiểu thân phận mình ở lứa tuổi này trong vấn đề tình cảm, nên nghiêng về tinh thần nhiều hơn, chứ cứ mộng về chăn gối với nhau thì sẽ mất đẹp đi.”
“Tôi vẫn thiên về một tình cảm mang nhiều yếu tố tinh thần hơn, chứ không đặt nặng chuyện xác thịt để cưới một cô vợ trẻ vì tôi nghĩ tuổi tôi khó có thể mang lại sự hạnh phúc cho người ta.” Ông Chương nói một cách thẳng thắn.
 
* Bước ra khỏi nỗi buồn

Tuổi già lẻ bóng, quạnh hiu sẽ không loại trừ ai. Nhưng như bà Mai Phương rút tỉa, “Nếu cứ sống mãi với quá khứ sẽ tự giết chết mình. Đừng bao giờ để cho nỗi buồn kéo mình trì xuống mà hãy tìm cách bước ra khỏi nó. Hãy làm cho cuộc sống mình trở nên bận rộn hơn, hãy có những nhóm bạn để chia sẻ với nhau.”
Hoặc như bà Kim Lan, vẫn thường cảm nhận nỗi hắt hiu của mình, nhưng bên cạnh đó bà cũng có nhóm bạn cùng đi tập thể dục, cùng đi ăn uống với nhau. Hoặc khi buồn thì mang quần áo cũ ra sửa hoặc mua những hạt ngọc trai giả về kết xâu làm trang sức, cũng là một cách giết thời gian, chôn nỗi buồn.
Hay như ông Chương nghiền ngẫm, “Thật ra tuổi này mà cứ sống độc thân như vậy rồi đi chùa là tốt nhất, nhưng mà thật không dễ, bởi vẫn có những người ưu ái mình, cũng khiến mình mệt, hay mình cũng có thể xúc động vì ai đó thì cũng mệt lắm.”
Cả ông Chương, bà Lan hay bà Phương đều nghiên về hướng “có một người bạn đặc biệt, chăm sóc nhau rất kỹ, thấu hiểu nhau, nếu vì hoàn cảnh gia đình, kẹt con kẹt cháu, thì ai sống ở nhà nấy.”
Nỗi niềm nghe rất giản dị nhưng để những người đơn lẻ này tìm được chút niềm vui khi tuổi về chiều thì không chỉ chính họ tự mở lòng mình mà những người xung quanh cũng cần có cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn.
 
Ngọc Lan/Người Việt
 
 
Thời gian nào có đợi ai...

Thời gian nào có đợi ai !
Cuối đời bước ngắn bước dài tới nơi !

- 60 đang tuổi ăn chơi;
  Sáng, trưa, chiều, tối; hết ngồi lại đi.
- 60 là tuổi dậy thì.
  Rất mê bác sĩ, thuốc gì cũng nghe.
- 60 thích gặp bạn bè;
   Liền anh liền chị, dưa lê buôn dài
- 60 là tuổi thành tài.
   Được con bổ nhiệm trông vài nhân viên.
- 60 là tuổi thần tiên.
  Một mình lo liệu chẳng phiền cháu con.
- 60 là tuổi trăng tròn.
  Thoái hóa xương khớp mạch còn vữa xơ.
- 60 là tuổi mộng mơ.
  Đêm đêm thao thức nằm chờ bình minh.

- 70 sang tuổi si tình;
  Mắt nhìn đắm đuối một hình hóa hai .
- 70 như giọt sương mai;
  Chăm chỉ luyện tập kéo dài tuổi xuân.
- 70 chưa muốn dừng chân;
  Vẫn ham tranh luận chuyện gần chuyện xa.
- 70 tuổi vẫn chưa già;
   Nếp nhăn trên trán, ấy là sợi yêu

Tô hồng khóe mắt hơi nhiều;
Mắt đỏ chứng tỏ tình yêu mặn mà.
Mai đây về với ông bà;
Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân.
Chẳng ai sống mãi cõi trần;
 góp vui một chút mừng xuân gọi là.
Mấy vần thơ thẩn nôm na;
Mừng bà móm mém thành hoa hậu rồi.

Gặp nhau thì hãy cứ vui.
Mấy câu để chúc mọi người an khang

HỘI NGHỊ APEC

Sang trọng truyền thống yến tiệc tại APEC 2014 ở TQ 



Trải nghiệm chưa từng có về ẩm thực là những gì mà Trung Quốc mô tả về yến tiệc dành để thết đãi các nhà lãnh đạo thế giới tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014.


Từ nhiều tháng trước khi APEC diễn ra, Trung Quốc đã chiêu mộ các đầu bếp giỏi, đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, các nghệ nhân thiết kế gốm của làng gốm sứ Đức Cảnh Trần nổi tiếng... cùng chuẩn bị tỉ mỉ, chi tiết cho yến tiệc tại một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế giới diễn ra tại Bắc Kinh năm nay.
Bên cạnh các món ăn đặc trưng của nhiều quốc gia trên khắp 5 châu, như bún nước laska (Singapore), thịt bò garu (Nga)..., điểm nhấn về ẩm thực, theo Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc CNCC, là những món ăn mang đậm đặc trưng văn hoá của Trung Quốc, như vịt quay Bắc Kinh, bánh bao nhân thịt hấp, thịt gà nhồi gạo nếp và chả giò...


Để hoàn thành nhiệm vụ hậu cần của mình, đội ngũ nhân viên đã bắt tay vào chuẩn bị từ đầu năm nay. Theo thông cáo báo chí của CNCC, có khoảng 200 đầu bếp tham gia xây dựng thực đơn và nghiên cứu các món ăn. Khi bữa tiệc tối diễn ra, có khoảng 600 đầu bếp cùng tham gia phục vụ.


Các món ăn được lựa chọn đưa vào thực đơn còn phải phù hợp với lịch trình làm việc dày đặc của các quan chức cấp cao tham dự APEC.


Ngoài món ăn, thì cách thức bày trí bàn ăn trong quốc yến cũng được chuẩn bị một cách tỉ mỉ từ đầu tháng 4/2014, và tới tháng 9 mới chốt được phương án cuối cùng.
Trong ảnh là bàn tiệc của các nguyên thủ quốc gia, tại yến tiệc được tổ chức tối 10/11 ở cung thể thao Thuỷ Lập Phuơng, Bắc Kinh, Trung Quốc.


Bàn tiệc trong quốc yến được chia làm 2 loại: Bàn chính dành để thết đãi các nguyên thủ quốc gia, dùng dao, dĩa mạ vàng, mỗi bộ gồm 68 chiếc. Còn bàn phụ dùng dao dĩa mạ bạc - mỗi bộ gồm 63 chiếc, dành cho các nhà lãnh đạo từ cấp Bộ trưởng trở xuống.


Các sản phẩm gốm sứ phục vụ cho yến tiệc APEC 2014 sử dụng vật liệu sứ theo công nghệ Anh và được đặt làm riêng theo công nghệ hoạ pháp lang truyền thống của Trung Quốc. Các hoạt tiết trên bát đĩa được chế tác một cách tinh xảo, mô phỏng theo các hoạ tiết trang trí trong cung đình Trung Quốc xưa.


Ví dụ như, chiếc khay đựng salad hình vuông, nắp tròn này là tượng trưng cho ý nghĩa "trời tròn đất vuông" trong văn hoá truyền thống của Trung Quốc.


Một chiếc đĩa dùng trong bàn yến tiệc tại Trung Quốc được sản xuất riêng để phục vụ APEC 2014


Tỉ mỉ và phức tạp hơn cả phải kể tới chiếc bát đựng súp trên bàn tiệc của các nguyên thủ quốc gia. Chiếc bát hoàn thiện này là sản phẩm được lắp ghép từ 4 chi tiết độc lập, và trải qua tổng cộng 50 bước sản xuất.


Bên cạnh đó, lấy cảnh hứng từ các công trình văn hoá của Trung Quốc và hoạ tiết, hoa văn cung đình xưa, các nhà thiết kế còn sáng tạo ra những đồ vật trang trí độc đáo, tôn thêm sự trang trọng cho bữa quốc yến


Có thể thấy, Trung Quốc đã đặt yếu tố dân tộc, truyền thống lên hàng đầu, trong cách lựa chọn món ăn, cách bày trí bàn tiệc tới thiết kế dao, thìa, dĩa, hay các đồ vật trang trí... tại quốc yến dịp APEC 2014

1 GIÂY TRƯỚC KHI CHẾT

1 Giây Trước Khi Chết Con Người Rút Cuộc là Sẽ Nhìn Thấy gì? 10 Thể Nghiệm Thần Kỳ Nhất

Thôi Chân Tri       March 1, 2014      Đời Sống     
人臨死前1秒究竟會看到甚麼?十大神奇體驗(網路圖片)
(Ảnh Internet)
Tiến sĩ Raymond Moody, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã nghiên cứu 150 trường hợp trải qua trạng thái “chết lâm sàng” sau đó hồi sinh trở lại. Sau khi tập hợp những nghiên cứu trong vài thập kỷ ông đã xuất bản cuốn “Hồi ức về cái chết” nhằm giúp con người vạch ra chân tướng của cái chết. Có một sự tương đồng không thể xem nhẹ trong lời kể của những người đã “trải nghiệm cận kề cái chết” này, đại khái có thể quy về mười điểm sau:

1. Biết rõ về tin mình sẽ chết – Họ tự mình nghe thấy bác sĩ hoặc người khác có mặt tại nơi đó tuyên bố rõ ràng về cái chết của mình. Anh ấy sẽ cảm thấy cơ thể trở nên yếu ớt đến cùng cực.

2. Trải nghiệm niềm vui – ” Trải nghiệm cận kề cái chết ” ban đầu sẽ có cảm giác yên bình và thanh thản, khiến con người thấy vui sướng. Đầu tiên sẽ cảm thấy đau, nhưng nỗi đau này chỉ lóe lên rồi qua đi, sau đó sẽ thấy mình lơ lửng trong một không gian tăm tối, một cảm giác dễ chịu mà chưa từng được trải nghiệm bao bọc lấy anh.

3, Âm thanh kỳ lạ – Khi “sắp chết”, hoặc lúc “chết đi” khi có một âm thanh kỳ lạ bay tới. Một phụ nữ trẻ cho biết cô nghe đã thấy một giai điệu giống như một khúc nhạc và đó là một khúc nhạc tuyệt vời.

4, Tiến nhập vào lỗ đen – Có người phản ánh rằng họ cảm giác bất ngờ bị kéo vào một không gian tối. Họ bắt đầu có cảm giác, giống như một khối hình trụ không có không khí, cảm giác như một vùng quá độ, vừa là đời này, vừa là một nơi xa lạ nào khác.

5, Linh hồn thoát xác – Chợt thấy mình đang đứng ở một nơi nào đó ngoài cơ thể mình, quan sát cái vỏ thân người của mình. Một người đàn ông chết đuối nhớ lại anh đã tự mình rời khỏi cơ thể, đơn độc trong một không gian, thấy mình tựa giống một chiếc lông.

6. Ngôn ngữ bị hạn chế  - Họ dùng hết sức mình để nói cho người khác biết hoàn cảnh khó khăn của mình nhưng không ai nghe thấy lời họ nói. Một người phụ nữ nói rằng: Tôi đã cố gắng nói chuyện với họ, nhưng không ai có thể nghe thấy.

7, Thời gian như biến mất – Trong trạng thái thoát xác, cảm giác về thời gian như biến mất. Có người hồi tưởng lại rằng trong khoảng thời gian đó anh đã từng ra vào cơ thể mình rất nhiều lần.

8. Các giác quan vô cùng nhạy cảm – Thị giác và thính giác nhạy cảm hơn trước. Một người đàn ông nói rằng ông chưa bao giờ nhìn rõ đến như vậy. Trình độ thị lực đã được nâng cao đáng kinh ngạc.

9. “Người” khác đến đón – Lúc đó xung quanh xuất hiện một người “Người” khác. “Người” này hoặc là tới giúp họ quá độ tới đất nước của người chết một cách bình yên, hoặc là tới nói với họ rằng hồi chuông báo tử vẫn chưa vang lên, cần quay về trước đợi thêm một thời gian nữa.

10. Nhìn lại kiếp nhân sinh – Lúc này người trong cuộc sẽ nhìn lại toàn cảnh bức tranh cuộc sống đời mình. Khi bản thân họ mô tả lại thời gian ngắn ngủi giống như “cảnh nọ nối tiếp cảnh kia, chuyển động theo trật tự thời gian các sự việc xảy ra, thậm chí các bức ảnh nối tiếp nhau, một vài cảm giác và cảm xúc đều như được thể nghiệm lại một lần nữa.

Raymond Moody là một học giả và  khoa học gia nổi tiếng thế giới, ông lần lượt giành được hai học vị tiến sĩ về triết học và y học. Ông nghiên cứu sâu về lý luận học, logic học  và ngôn ngữ học, sau đó ông lại chuyển hướng đam mê sang nghiên cứu  y học, và  quyết tâm trở thành một học giả về bệnh tâm thần. Trong khoảng thời gian này ông chú ý đến hiện tượng về trải nghiệm cận kề cái chết, sau đó ông bắt đầu thu thập dữ liệu cho công trình  nghiên cứu, cuốn “Hồi ức về cái chết ” chính là kết quả mấy chục năm miệt mài nghiên cứu của ông.

Từ khi cuốn sách “Hồi ức về cái chết” ra mắt từ năm 1975, nó đã đạt mức doanh thu kỷ lục toàn cầu với hơn 100 triệu bản, chỉ riêng tại Đài Loan đã tiêu thụ 13 triệu bản và được biết đến như một siêu phẩm bán chạy nhất. Cuốn sách đã thay đổi khái niệm về sự sống và cái chết của những người bình thường, đưa nghiên cứu “Trải nghiệm cận kề cái chết” vào một bước ngoặc mới, chính thức xâm nhập vào tầm nhìn giới y học phương Tây chủ lưu.

Nhằm khích lệ thành quả nghiên cứu khoa học nhiều năm qua và nỗ lực không mệt mỏi cho việc phổ cập công việc, năm 1988 ông đã được trao ” Giải thưởng chủ nghĩa nhân đạo Thế giới ” tại Đan Mạch

TƯỢNG PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Tượng Phật Nhập Niết Bàn Dài Nhất Đông Nam Á
Huyền Thoại Trên Núi Tà
alt
Tượng Phật Nhập Niết Bàn
Núi Tà Cú (núi Cú) là một danh lam thắng cảnh (thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) gắn liền với quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa Tổ (chùa trên) và Linh Sơn Long Đoàn (chùa dưới). Chùa Tổ được vua Tự Đức ban sắc phong bốn chữ "Linh Sơn Trường Thọ", tọa lạc trên lưng chứng núi, độ cao 42O mét so với mực nước biển. Quần thể chùa được hình thành theo thế núi nên chùa trên và chùa dưới đều quay mặt về hướng Đông Nam, với kiến trúc đặc trưng theo Phật giáo Bắc tông thời Nguyễn, được Sư tổ Hữu Đức khai sơn vào khoảng 1870-1880 và được các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Cấu trúc chùa Tổ có ba gian. Giữa là chánh điện thờ Phật, bên trái là nhà giám tự, bên phải là nơi thờ Tổ Hữu Đức.
Trải qua thời gian 135 năm, dấu tích cổ kính vẫn hằn in, rêu phong phủ đầy trên những nét cong huyền hoặc của mái chùa, trên nét chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt. Các câu chú Chuẩn Đề ở vòng linh phù được chạm khắc trên vách đá sau chùa in dấu với thời gian về một đại lão Hòa Thượng đã có nội lực tu luyện, thấu triệt tinh thần Mật tông đích thực làm phương tiện tu chứng đạt hai chữ chơn không của bậc đại trí, gíác ngộ.
Từ Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ ở lưng chừng núi sẽ nhìn thấy trên cao cảnh Tịnh độ nhân gian gồm tam thế Phật nổi bật giữa không trung bạt ngàn xanh của cây cổ thụ. Tượng Phật Di Đà cao 7 mét, tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí cao 6,5 mét như hòa vào bức tranh trầm mặc của rừng già. HT trụ trì Thích Vĩnh Thọ đã có công phác thảo công trình này từ năm 1960, do kỹ sư Trương Đình Ý, pháp danh Quảng Lưu xây dựng. Công trình là một trong bảy cấp của cảnh Tịnh Độ đạo tràng theo Quán kinh và kinh Di Đà. Nhưng, công trình mỹ thuật mang tính đồ sộ nhất là pho tượng lộ thiên Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên đỉnh núi dài 49 mét, cao 11 mét với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Pho tượng bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng được khởi công xây dựng từ năm 1962, sau 4 năm công trình mới hoàn thành với tổng thể chu vi 832 mét, tượng trưng đầy đủ hình tứ thánh lục phàm và thất chúng Phật tử. Đức Phật nằm nghiêng dài 49 mét tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt. Bên duói tượng là những tam cấp được nối kết bằng những đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ thâm u, tĩnh tịch. Từ Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ đến viếng tượng Phật nhập Niết Bàn phải men theo lối đá lớn nhỏ ngoằn ngoèo, hai bên là hàng cây cổ thụ.
Huyền thoại hang Tổ
Tổ sư Hữu Đức nguyên quán làng Bạc Má, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sinh năm 1812 trong một gia đình quý tộc. Thuở nhỏ Tổ rất thông minh, hiền lành, sớm am tường thi lễ. Năm 17 tuổi cha mẹ qua đời, 5 năm sau ngài giao lại gia sản cho anh em, bắt đầu cuộc hành trình tìm đạo. Trên mảnh thuyền nan lướt sóng, suốt ba ngày liền Tổ Hữu Đức tìm đến chùa Phước Hưng bái yết sư phục là ngài Trí Chất và được đặt pháp danh là Thông Ân. Suốt 13 năm liền, Tổ Hữu Đức luôn dùi mài kinh điển, giữ nghiêm giới luật. Sau đó, Tỗ rời chùa Phước Hưng, đến làng Kim Thành, xứ Bàu Trâm dựng nên ngôi thảo am chuyên tu thiền và bốc thuốc tế độ dân làng. Đức độ của một thiền sư trẻ đã lan dần khắp nơi nên dân làng góp nhau dựng nên chùa Kim Quang mời Tổ về hành đạo. Ở đây được 30 năm thì duyên lành đến, ngài được Hòa Thượng Bửu Tạng truyền Đại giới. Lúc này, nhận thấy đường tu cần phải ẩn mình để tịnh niệm, nghiền ngẫm những giáo lý thâm sâu, Tổ Hữu Đức lại tìm đường đến Bàu Siêu gần bãi Kê Gà tịnh tu nhưng dân chúng lại kéo nhau đến xin quy y ngày càng đông. Lúc này, tuổi đã cao nhưng tâm niệm tịnh tu vẫn chưa thành, Tổ Hữu Đức lại âm thầm băng ngàn...
Nghĩ rằng Tà Cú là nơi thâm sơn cùng cốc, nên Tổ Hữu Đức len mình qua đại ngàn đầy nguy hiểm . Đến được bãi đá bàn hạ rồi tiếp tục chinh phục bãi đá bàn thượng, đến đây Tổ tạm dừng chân tu khổ luyện nhưng chỉ dừng có ba tháng, ngài lại tiếp tục đu dây rừng vượt lên tận núi cao tìm được hang đá sâu thẳm, hiểm trở làm nơi "Như Lai tịch thất" ẩn tu và nguyện không một ngày xuống núi.
Núi rừng đại ngàn thâm sâu với thù dử, khí hậu khắc nghiệt, song đã không ngăn cản được quyết tâm của một bậc tu hành đầy nội lực. Nhờ nội lực cao siêu mà Tổ (thuộc dòng Lâm Tế chánh tông thứ 40) đạt được sức mạnh chuyển hóa vạn vật xung quanh trong suốt 16 năm khai sơn với biết bao huyền thoại mầu nhiệm quanhh bậc đại trí, đại hùng. Tương truyền, khi Tổ dừng chân trên hang núi hẹp, sâu thẳm ẩn tu, ăn rau lủi bên vách núi, uống nước suối trong hang, tọa thiền và chuyên tụng kinh Tam Bảo. Phía chân tượng Phật nằm ngày nay là hang Tổ, cửa vào rất hẹp chỉ đủ cho một người, luồn vào trong có những tảng đá bàn là nơi Tổ thiền định. Càng vào sâu, hang càng ngóc ngách, âm u. Lòng đá dốc ngược như vô tận. Lối đi càng ngày càng trút xuống dần, nhiều vực thẳm. Người xưa kể rằng, người đi thám hiểm phải đốt nhang làm dấu để quay về, hoặc thả vào hang một quả bưởi vài hôm sau đã thấy nó ngoài biển Kê Gà.
Đức độ, nội lực tu tập của Tổ đã quy phục được muôn loài thú dử, quanh hang Tổ lúc nào cũng có thú rừng: chim muông, mãnh hổ,... về thọ pháp, nghe kinh. Đó là cặp chim hoàng anh lúc nào cũng đậu bên hang, hễ khách đến thì hót vang báo hiệu rồi bay đi dẫn đường cho khách. Tương truyền bạch hổ luôn luôn phủ phục bên hang, hộ tống Tổ và được Tổ cho quy y. Ngày Tổ viên tịch (ngày 5-8-1888), bạch hổ buồn rầu, nhịn ăn nằm bên tháp Tổ cho đến chết. Ngày nay, khi đến viếng Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ, ngay bên cạnh tháp Tổ, người ta cũng nhận thấy một nấm mồ nhỏ, nơi chôn cất nhục thân bạch hổ.
Năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái Hậu là bà Từ Dũ bị bệnh nặng, các danh y đều bất lực. Vua được tin Tổ là người danh đức nên hạ chiếu mời Tổ về chữa bệnh. Nhưng vì đã nguyện không xuống núi nên Tổ đã đưa cho các sứ thần các chú Chuẩn Đề, thảo dược cùng cách dùng. Thật mầu nhiệm, bệnh của Thái Hậu giảm hẳn, vua nhớ ơn và cảm phục nên ban sắc phong bốn chữ "Linh Sơn Trường Thọ". Có người còn kể, sự linh ừng của Tổ còn mãi về sau nầy, đó là khi xây dựng tượng Phật nhập Niết Bàn 49 mét trên đỉnh Linh Sơn Tà Cú. Lúc bấy giờ để đưa được cát xây từ dưới núi lên rất khó khăn, giữa địa hình núi đá hiểm trở, phủ kín cây rừng. Để có cát xây dựng, trước ngày thi công (tùy thuộc thời gian của thợ hồ), HT Thích Vĩnh Thọ, trụ trì chùa cho trữ nước dùng vào cái mái chứa rồi bít kín các mạch nước chảy hàng ngày. HT thắp nhang chú nguyện, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình mà không cần mang từ chân núi lên....

HOÀNG TỬ BẢO ÂN



 Bao an 1
Hoàng tử” Bảo Ân. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

Nhiều người Việt Nam sống ở quận Cam nhiều năm nay nhưng ít người biết có một người con trai của Cựu Hoàng Bảo Ðại đang sinh sống tại nơi này.

Ðó là ông Nguyễn Phước Bảo Ân, con trai của bà Lê Phi Ánh, người vợ không hôn thú của cựu hoàng trong thời gian ở Ðà Lạt. Bà Phi Ánh có hai người con với cựu hoàng là bà Nguyễn Phúc Phương Minh sinh năm 1950 đã qua đời tại Mỹ cách đây vài năm và ông Bảo Ân, sinh năm 1951, đang sống tại thủ phủ tỵ nạn, Westminster.

Chúng tôi không gọi ông Bảo Ân bằng hoàng tử như trong văn bản triều đình mà gọi bằng “Mệ” theo lối xưng hô trong hoàng tộc: Con gái, con trai của vua được gọi bằng Mệ, hàng cháu là “Mụ” chứ không phải ai là Tôn Thất, Bửu, Vĩnh… đều được gọi bằng Mệ như nhiều người đã lầm tưởng (1).

Ðiều đặc biệt không phải vì ông là một hoàng tử lưu lạc, mà vì chính ông là người con nối dõi nhà Nguyễn. Cựu hoàng có tất cả 5 người con trai: Con Hoàng Hậu Nam Phương là Bảo Long không có vợ chính thức, Bảo Thăng không có con; con của Thứ Phi Mộng Ðiệp là Bảo Hoàng chết khi mới 1 tuổi, Bảo Sơn mất khi ông 30 tuổi không có con.

Bảo Ân có hai con, gái là Nguyễn Phước Thụy Sĩ, sinh năm 1976 và trai là Nguyễn Phước Quý Khang sinh năm 1977. Như vậy, Nguyễn Phước Quý Khang là cháu đích tôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại và chắt của ngài là một cặp trai song sinh có tên là Nguyễn Phước Ðịnh Lai, Nguyễn Phước Ðịnh Luân ra đời năm 2012.
“Mệ” Bảo Ân sinh năm 1951 tại Ðà Lạt. Năm 1953, khi cựu hoàng sang Pháp, bà Phi Ánh đem hai con về sinh sống trong một biệt thự trên đường Phùng Khắc Khoan tại Sài Gòn. Ông theo học trường Saint Paul rồi Taberd.

Ngày 4 tháng 10 năm 1955, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm lập ủy ban trưng cầu dân ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, và trở thành quốc trưởng. Theo lời kể của ông Bảo Ân, sau ngày đó, nhiều biệt thự ở Sài Gòn, Ðà Lạt và Pháp của bà Phi Ánh đều bị tịch thu, bà và người nhà được lệnh ra khỏi nhà trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhiều người đã đến đục tường ngôi nhà vì nghi có của cải cải cất giấu. Tài sản này là của tư hữu của bà Phi Ánh, vì chúng ta cũng biết bà Phi Ánh là em vợ của Thủ Hiến Trung Phần Phan Văn Giáo, sinh ra trong một gia đình giàu có, trong khi Cựu Hoàng Bảo Ðại rất nghèo, trong thời gian sống rất khó khăn ở Pháp, phải nhờ sự yểm trợ của thân mẫu là bà Từ Cung. Ðức Từ Cung đã phải bán nhiều cổ vật của Vua Khải Ðịnh để lấy tiền gửi sang cho cựu hoàng.

Sau ngày cựu hoàng bị truất phế, bà con, ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai muốn chứa chấp mẹ con bà, ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó.

Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa.

Khi nghe bà Phi Ánh đi lấy chồng, theo đề nghị của nhiều người thân thuộc trong Hoàng Tộc, bà Từ Cung đem Bảo Ân về Huế ăn học.

Chúng ta cũng biết thêm rằng, ngày 25 tháng 8 năm 1945, khi thoái vị làm dân, Cựu Hoàng Bảo Ðại đã giao tất cả cung điện như là tài sản của quốc gia, trừ Cung An Ðịnh tại làng An Cựu, nơi bà Từ Cung sinh sống, là tài sản riêng, do lương bổng của Vua Khải Ðịnh xây dựng nên. Sau đó, chính “công dân” Vĩnh Thụy, bà Nam Phương và các con đã về ở đó một thời gian, trước gia đình tan rã, mỗi người một phương.

Cũng theo lời ông Bảo Ân, sau khi truất phế Bảo Ðại, Cung An Ðịnh bị chính quyền tịch thu, bà Từ Cung trong lúc đó đang đau yếu phải dọn ra một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên của cung. Tuy vậy trong cuốn hồi ký của Vua Bảo Ðại, ông không hề có một lời trách móc oán hận về chuyện bị đối xử tệ bạc này.

Tại Huế, ông Bảo Ân theo học tại trường Thiên Hựu (Providence) do các linh mục quản nhiệm. Ông tâm sự rằng, tuy sống trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, ông lại phải theo học từ nhỏ đến lớn tại các trường nhà dòng, nên ông còn thông thuộc kinh Thiên Chúa Giáo hơn một người theo đạo Chúa khác.


phi anh
Bà Phi Ánh thời xuân sắc. (Hình: Tài liệu của ông Bảo Ân)

Sau thời gian ở Huế, Bảo Ân trở lên Ðà Lạt rồi về Sài Gòn. Tới tuổi quân dịch, năm 1970, chỉ mới có bằng trung học, ông vào quân trường Quang Trung, rồi phục vụ tại Trung Tâm 3-Tuyển Mộ Nhập Ngũ Sài Gòn. Không hiểu vì lý do gì, năm 1972, ông Bảo Ân bị thuyên chuyển ra SÐ3 tại Quảng Trị, nhưng khi ra đến nơi, sư đoàn đã tan hàng nên ông được trở về đơn vị gốc.

Cố gắng đến trường, và cuối cùng, trước khi Sài Gòn thất thủ, ông Bảo Ân là sinh viên năm thứ hai phân khoa Thương Mại tại Ðại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1984, ở tuổi 62. Cô Phương Minh, chị ruột của ông Bảo Ân, lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, ly dị, trước tháng 4 năm 1975 về Sài Gòn thăm thân mẫu và bị kẹt lại đây, sau đó được bảo lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp và qua đời vào năm 2012. Phần ông Bảo Ân, lúc đó đã có gia đình nên phải sống dưới chế độ cộng sản thêm nhiều năm nữa, cho đến 1992 mới được gia đình bên vợ bảo lãnh sang Mỹ.

163296-BAO DAI 1B.400
Hai nhân vật cuối cùng của giòng Vua Bảo Ðại: Nguyễn Phước Ðịnh Lai và Ðịnh Luân 
(cháu nội của Bảo Ân). (Hình: Tài liệu của ông Bảo Ân)
Cựu Hoàng Bảo Ðại có gồm cả vợ và tình nhân là 8 người với 13 người con (tài liệu đã được ông Bảo Ân hiệu đính):
Vợ:
1. Nam Phương Hoàng Hậu. Có hôn thú, 5 con.
2. Bùi Mộng Ðiệp. Không hôn thú, 3 con.
3. Lý Lệ Hà. Không hôn thú, không con.
4. Hoàng Tiểu Lan. Không hôn thú, 1 con gái.
5. Lê Thị Phi Ánh. Không hôn thú, 2 con.
6. Vicky (Pháp). Không hôn thú, 1 con gái.
7. Clément. Không hôn thú.
8. Monique Marie Eugene Baudot. Có hôn thú, không con.
Con:
* Với Nam Phương Hoàng Hậu:
1. Thái Tử Nguyễn Phúc Bảo Long (4-1-1936/28-7-2007)
2. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Mai (1-8-1937).
3. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Liên (3-11-1938).
4. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Dung (5-2-1942).
5. Hoàng Tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng (9-12-1943).
(Bốn người con còn lại của Bà Nam Phương hiện sống ở Pháp.)
*Với Thứ Phi Mộng Ðiệp, hai người con đầu hiện ở Pháp:
1. Nguyễn Phúc Phương Thảo (1946).
2. Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954-1955).
3. Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1957-1987), tử nạn tại Nhật.
*Với Hoàng Tiểu Lan:
1. Nguyễn Phúc Phương Anh, hiện sống ở Hawaii.
* Với Lê Thị Phi Ánh:
1. Nguyễn Phúc Phương Minh (1950-2012).
2. Nguyễn Phúc Bảo Ân (1951).
* Với bà Vicky
1. Nguyễn Phúc Phương Từ (Pháp).
“Họa vô đơn chí!”

 Bảo Ân đã trao cho chúng tôi những trang nhật ký viết về cuộc sống của ông sau ngày 30 Tháng Tư 1975:

Ngày 30 Tháng Tư, nóng lòng vì không có tin tức gì của Ðức Bà Từ Cung ở Huế, tôi ở lại Sài Gòn để ngóng tin nên đã bỏ lỡ chuyến bay ra Hạm Ðội 7. Sau vài tuần đi ‘học tập cải tạo’ trở về, Ủy Ban Quân Quản đến nhà tôi ở 213 Công Lý Q.1 yêu cầu chị Phương Minh và tôi phải dọn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ vì họ nói nhà này của tướng cảnh sát ‘ngụy’ Nguyễn Ngọc Loan.


163634-DP-130325-ChoTroi-1-400
Bức hình giống phụ hoàng nhất của “Mệ Bửu Ân”. (Hình: Tư liệu của gia đình)

Tôi không biết Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan có ở đây không? Thật ra biệt thự này ngày xưa là của Ðức Bà Từ Cung (mẹ Vua Bảo Ðại), ngài mua để khi vào Sài Gòn có nơi trú ngụ. Năm 1957 sau khi truất phế Vua Bảo Ðại, chánh quyền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã tịch thu và sau này được Quốc Hội Ðệ Nhị Cộng Hòa với sự vận động tích cực của Trung Tướng TNS. Tôn Thất Ðính, chính quyền đã giao trả lại cho Ðức Bà Từ Cung và ngài ra lệnh lấy căn nhà trước lập bàn thờ Ðức Gia Long và văn phòng liên lạc bà con Nguyễn Phước Tộc, còn căn phía sau thì cho chị em chúng tôi ở.

Giấy tờ nhà đất chưa hoàn tất thì biến cố 1975 xảy ra nên không có cái gì để chứng minh là nhà này của gia đình chúng tôi. Vậy là hai chị em mau mau thu xếp đồ đạc, những gì có thể mang được gì thì mang, còn những gì nặng nề không thể mang được thì bỏ lại như tủ lạnh, bàn ghế tủ giường và nhiều thứ khác. Chị em chúng tôi về nhà Me chúng tôi ở nhờ.

Vào một buổi sáng thức dậy xuống nhà lấy vài vật dụng để xài, tôi không thấy cái vali quần áo mà tôi đã đem ra được khỏi nhà 213 Công Lý để về đây, đó là cái vali độc nhất của tôi còn lại, nay không cánh mà bay. Cuối cùng tôi tìm thấy một cái thư của chị giúp việc cho Me tôi để lại, đại ý trong thư chị ta viết, trong hoàn cảnh này, chị cần một số vốn để buôn bán nuôi con nên đã lấy cái vali trốn đi, và mong tôi tha thứ cho chị. Thế là tay trắng hoàn trắng tay, đành phải đi mua thêm quần áo để mặc.

Sống ở nhà Me tôi cho đến năm 1978 thì Me tôi bị quy vào diện tư sản, bị cưỡng chế ra khỏi nhà và buộc phải đi kinh tế mới trên cao nguyên. Vì không thể sống ở nơi rừng thiêng nước độc nên cả nhà đều bỏ trốn về Sài Gòn, mỗi người đi mỗi nơi, trốn chui trốn nhủi, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, sống như những kẻ bất hợp pháp. Me và chị Phương Minh thì sống lén lút trong nhà dì Phi Hoa (vợ ông cựu Thủ Hiến Phan Văn Giáo), còn tôi thì ở nhờ nhà mẹ vợ, mỗi tháng đều phải chi tiền cho công an khu vực nhưng vẫn lo sợ bị bắt, nên ban ngày thì ngủ còn ban đêm thì mở mắt trao tráo để canh chừng công an gõ cửa xét hộ khẩu thì lo leo sang nhà bên cạnh trốn cho mau.

Me tôi rất lo lắng sợ tôi bị bắt, bà nói “Me và chị Phương Minh là đàn bà con gái, chắc không ai bắt đâu, còn con là con trai, mà là con Vua Bảo Ðại nữa, ở đây nguy hiểm lắm.” (Lúc đó chánh quyền đang tuyên truyền nói xấu nhà Nguyễn.) Me tôi ép tôi phải ra đi, bà gom góp, vay mượn cho chúng tôi vàng để tìm đường vượt biên.

Tôi đi vượt biên tổng cộng ba lần, cả ba lần đều bị lừa, hai lần vợ chồng con cái cùng đi, sau cùng hết tiền, Me tôi chỉ còn đủ cho một mình tôi đi thôi, nhưng cũng bị lừa luôn, tuy nhiên cũng còn may mắn vì chỉ bị mất vàng chứ không bị bắt vào tù.

Hết tiền, bà và chị Phương Minh đem nhẫn kim cương đi bán thì bị cướp lấy mất, chúng còn xô chị Minh té trầy cả mình mẩy. Tôi không dám làm phiền Me tôi nữa, vợ chồng tôi bàn với nhau coi ra chợ trời xem thử có thể buôn bán gì được không? Thế là tôi bán luôn hai chiếc nhẫn vàng, đó là quà kỷ niệm của Me tôi tặng khi tôi tốt nghiệp trung học và một chiếc khi tôi vào đại học. 

Gian nan chốn chợ Trời 

Vợ chồng tôi bắt đầu ra chợ trời kiếm sống bằng cách mua đi bán lại, các bạn hàng ngoài chợ trời thấy hai khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác, họ biết hai con nai này mới ra giàn, nên họ có những món hàng mua cả năm rồi mà không bán được, dân Chợ Trời gọi là “hàng ngậm,” họ giả dạng cho người khác đem đến bán cho chúng tôi, ham rẻ chúng tôi mua vô và sau đó có những món hàng chúng tôi “ngậm” cho đến ngày đi Mỹ vẫn còn trong nhà.


co troi
Gia đình “Mệ” Bảo Ân trong thời gian lăn lóc Chợ Trời. (Hình: Tư liệu của gia đình)

Thấy coi bộ bán Chợ Trời không khá, một dịp đi thăm người bà con ở Q.11, được biết người bà con này có phần hùn trong một xưởng sản xuất nước tương, vợ tôi mới bàn với tôi đổi cách làm bằng nghề đi bỏ mối ở chợ Bến Thành. Thế là vợ chồng tôi lại chuyển qua nghề bỏ mối nước tương, chúng tôi mua nước tương rồi thuê xe ba bánh chở từ Phú Thọ Hòa đến chợ Bến Thành.

Tôi đứng ở ngoài giữ hàng, còn vợ tôi thì đẩy hàng vào chợ giao cho khách hàng, cô ấy không cho tôi vô chợ vì sợ gặp người quen. Bỏ mối nước tương một thời gian, chính quyền không cho xe ba bánh lưu thông những con đường chính trong trung tâm thành phố, vả lại tôi thấy vợ tôi khiêng nặng và cực nhọc quá mà chẳng kiếm được bao nhiêu nên vợ chồng tôi bàn nhau đổi nghề một lần nữa.

Số là khi đi lấy nước tương bỏ mối, chúng tôi thấy trong khu vực này có vài xưởng làm dép cao su, bỏ mối dép cao su nhẹ nhàng hơn, thế là vợ chồng tôi đến nói chuyện và xin mua về để bán. Lúc đầu họ bảo chúng tôi phải đợi đến khi nào họ giao cho khách hàng cũ của họ xong, nếu còn dư họ sẽ bán cho chúng tôi. Cả tháng trời, mỗi ngày chúng tôi phải chờ đợi 3-4 tiếng đồng hồ mà chỉ lấy được vài lố (12 đôi) dép, rồi chúng tôi đem những lố dép đó giao lại cho các tiệm bán dép ở chợ Ðại Quang Minh, Chợ lớn.

Sau một thời gian quen rồi, chủ hãng giao cho chúng tôi nhiều hơn và bạn hàng ở chợ, họ cũng đặt hàng nhiều hơn. Có hôm chúng tôi bán được hơn năm mươi lố dép. Những người lấy mối dép như chúng tôi thấy chúng tôi được chủ hãng giao cho một số lớn, họ ganh tỵ, kiếm chuyện gây sự và dọa đánh chúng tôi, bọn họ thì đông, còn chúng tôi chỉ có hai vợ chồng. Bán dép thì nhẹ nhàng hơn nước tương, cũng kiếm tiền khá hơn nhưng bây giờ chúng tôi cảm thấy không còn an toàn nữa, mỗi lần đi lấy hàng phải nhìn trước ngó sau xem có ai phục kích mình không?

Tôi thì lo cho vợ tôi, nhưng ngược lại nàng nói nàng không sợ mà chỉ sợ cho tôi. Cô ấy nói nếu tôi có mệnh hệ nào thì Me tôi sẽ oán trách cô ấy, vì ngay cả chuyện đi bán Chợ Trời, bỏ mối nước tương hay dép chúng tôi đều giấu mẹ tôi. Nghĩ mình đang sống bất hợp pháp, không có một tờ giấy lận lưng, nay đi gây chuyện với người ta, công an mà bắt được thì đi tù là cái chắc, nên vẫn trông có dịp kiếm cách khác làm ăn.

Trong một dịp tình cờ đi ngang qua đường Nguyễn Thái Bình, Q.1, tôi gặp lại anh bạn thương phế binh tên Quân, con Ðại Úy Hải, trưởng ban an ninh trong Quân Trấn, mà chúng tôi quen nhau trước 1975. Nhà anh ở trong Quân Trấn, Sài Gòn-Chợ Lớn, nơi trước kia tôi làm việc. Hiện nay, anh đang mua bán đĩa nhạc trên lề đường Nguyễn Thái Bình. Kỳ này tôi nói vợ tôi ở nhà chăm sóc con cái, để tôi ra gặp và hùn vốn với Quân.
Sáng chúng tôi đứng ở Nguyễn Thái Bình để thu mua đĩa, chúng tôi chỉ mua nhạc hòa tấu thôi, buổi chiều thì chúng tôi đi xe bus đến các quán cafe nhạc ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh để bán. Thời gian này, nhà nước chỉ cho phép các quán cafe mở nhạc không lời mà thôi, nên các đĩa nhạc hòa tấu càng ngày càng khan hiếm khó mua. Chúng tôi lại xoay qua buôn bán đủ thứ, cái gì có lời là chúng tôi mua vào.


163634-DP-130325-ChoTroi-3-400
“Công Chúa” Phương Minh và “Hoàng Tử” Bảo Ân bên cạnh mẹ trong thời gian thơ ấu ở Ðà Lạt. (Hình: Gia đình cung cấp)

Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên được là, có một lần con trai tôi là Quý Khang đòi theo cha ra chợ Trời chơi, lúc đó Quý Khang mới ba tuổi, đến trưa Quý Khang buồn ngủ, tôi đang bận coi hàng nên không thể chở Khang về, nên trải tạm tờ báo ra lề đường cạnh chỗ tôi ngồi bán hàng để cháu nằm ngủ. Nhưng xui xẻo làm sao, đúng lúc đó công an và quản lý thị trường đem xe đến hốt những người chiếm lòng lề đường để buôn bán, thương binh Quân thì tàn tật không chạy nhanh được nên tôi phải phụ Quân gom hàng chạy cho nhanh, nếu họ bắt được thì hàng mất, còn tôi chắc cuộc sống của tôi cũng bi đát luôn, quýnh quáng quá lo chạy, nên bỏ quên thằng con đang nằm ngủ ngon lành trên lề đường. Lúc đó đường Nguyễn Thái Bình vắng tanh không còn một bóng người, chỉ còn Quý Khang đang nằm ngủ trên tờ báo, đúng như thành ngữ “đem con bỏ chợ!”
Quân theo gia đình đi Mỹ theo diện H.O. trước chúng tôi. Sau này qua Mỹ gặp lại anh ở Garden Grove, Quân nhỏ tuổi hơn tôi, chưa lập gia đình vẫn ở với cha mẹ, anh bị tàn tật nên cũng khó lấy vợ, còn gia đình tôi ở Westminster, lâu lâu Quân đến nhà tôi ăn cơm, ngồi ôn lại những ngày tháng vui buồn chợ Trời. Tiếc là ngày nay Quân đã ra người thiên cổ.

Gian nan những chuyến đi

Khoảng cuối năm 1975, bà Phi Ánh vào Tòa Ðại Sứ Pháp tại Sài Gòn, yêu cầu xin cho toàn gia đình (gồm cả chồng, con riêng và con của cựu hoàng) được đi Pháp. Ít lâu sau, qua ông đại sứ Pháp, Cựu Hoàng Bảo Ðại chỉ chấp thuận cho bà Phi Ánh và hai con sang đoàn tụ và tòa đại sứ đã nhanh chóng cấp Laissez-Passer cho bà Phi Ánh, Phương Minh và Bảo Ân. Tuy nhiên, Phương Minh đã có thời gian sống ở Pháp, nói rằng đời sống ở Pháp rất khó khăn, và tuy vì tình thương con, cựu hoàng thật ra không đủ khả năng bảo trợ nuôi dưỡng ba người. Mặt khác gia đình của bà Phi Ánh không thể chia cắt như thế, và Bảo Ân cũng không thể bỏ vợ con ở lại, nên chuyện ra đi không thành.


bao An va Mong Diep
Ông Bảo Ân và Thứ Phi Mộng Ðiệp trước tranh vẽ Cựu Hoàng Bảo Ðại (Paris 2004)

Năm 1978, người chồng sau của bà Phi Ánh vượt biên sang Mỹ thành công, gửi giấy bảo lãnh về, nhưng lúc ấy Bảo Ân đã có gia đình, không đủ điều kiện ra đi. Trong khi chờ đợi đi Mỹ, bà Phi Ánh mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1984.

Năm 1985, bà Phương Minh và các con riêng của bà Phi Ánh đi định cư ở Mỹ.

Mãi đến năm 1992, gia đình ông Bảo Ân được gia đình bên vợ bảo lãnh, sang Mỹ và định cư tại quận Cam từ đó đến nay. Những năm đầu tiên, cũng như bao nhiêu người mới sang khác, bà Bảo Ân phải ngồi shop may suốt ngày, ông làm trong một hãng in áo T-shirt và về sau sang làm cho một hãng Nhật chuyên sản xuất CD tại Garden Grove.

Con trai ông Bảo Ân, cháu đích tôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại, Nguyễn Phước Quý Khang tốt nghiệp UCI về ngành thương mãi và hiện làm cho một công ty ngoại quốc ở Sài Gòn.
 
Xây mộ cho phụ hoàng

Gia đình Bảo Ân đến Mỹ năm 1992 nhưng vì thất lạc hồ sơ nên đến năm 2005 gia đình mới có quyền công dân. Cầm passport trong tay, quốc gia đầu tiên mà ông muốn đến là Pháp, để thăm mộ cha, điều mà ông mơ ước từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Ông Bảo Ân đã liên lạc với một người bạn ở Paris là Ðặng Văn Phụng, nhờ vợ chồng người này đi xem thử tình trạng ngôi mộ của Vua Bảo Ðại hiện nay tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e ra sao. Theo lời kể của ông Bảo Ân, người bạn này suốt một ngày đi tìm, đọc hết các tấm bia mộ mà không không thấy, nghi ngờ rằng cựu hoàng không được chôn cất tại đây. Ông Bảo Ân gợi ý cho người bạn là nên đi tìm người gác nghĩa trang để hỏi, mặc dầu với bản sơ đồ trong tay, cuộc tìm kiếm cũng không kết quả. Một lần khác, trong khi đang đứng gần ngôi mộ của cựu hoàng, người bạn này tình cờ gặp và hỏi một người cảnh sát già về ngôi mộ của “Sa Majesté Bảo Ðại,” thì ông này chỉ ngay vào ngôi mộ gần đó. Ðó là một ngôi mộ không có bia, không khắc tên, chỉ trơ trọi hai tấm “đan” xi măng sần sùi, với mấy chậu hoa đã quá cũ kỹ qua thời gian. Người bạn của anh nhìn xuống ngôi mộ mà bật khóc. Nơi yên nghỉ của một ông vua mà như thế này sao?

Ông Bảo Ân hồi tưởng: “Nghe anh kể mà tôi khóc nức nở, thật là tội nghiệp cho cha tôi, cha nằm đó lạnh lẽo như một kẻ vô danh đã 8 năm rồi, không ai biết để thắp một nén nhang cho cha ấm lòng.”


bao an va mo bao dai
Ông Bảo Ân ngậm ngùi trước ngôi mộ đơn sơ của cha

Nghĩa trang Passy ở Paris là một nghĩa trang nổi tiếng được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nơi chôn cất nhiều nhân vật lừng danh của thế giới như tài tử phim hài Fernandel (1903-1971,) nhà văn Virgil Gheorghiu (1916-1992,) họa sĩ Edouard Manet (1832-1883,) người sáng lập công ty xe hơi Marcel Renault (1872-1903,) Tổng Thống Pháp Alexandria Millerand (1859-1943)… Cũng theo lời kể của ông Bảo Ân, Vua Bảo Ðại không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây, đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ngài.

Về việc xây mộ cho Cựu Hoàng Bảo Ðại, khi ông từ trần ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot, người Pháp ở bên cạnh, và trên pháp lý, chỉ có bà Monique, người vợ có hôn thú còn sống mới có quyền xây mộ cho ngài.

Theo sự hiểu biết của ông Bảo Ân, bà Thứ Phi Mộng Ðiệp và các con tuy có tiền nhưng lại không muốn giao cho bà Monique xây mộ. Lúc sinh thời, Thái Tử Bảo Long không làm được, gia đình bên các công chúa không làm được, phía Nguyễn Phước Tộc cũng không làm được vì không có sự đồng ý của bà Monique, thậm chí hội này có quyên góp và giao lại cho bà Monique một số tiền để xây mộ nhưng không có kết quả… Nhiều người giàu có muốn xây mộ cho Vua Bảo Ðại để lấy tiếng cũng bị bà Monique cản trở.

Ông Bảo Ân rất xúc động và đau lòng khi nghe người bạn từ Paris mô tả những gì về ngôi mộ này, nên muốn nhờ người bạn đi kiếm người làm một tấm plaque khắc tên Vua Bảo Ðại đặt trên ngôi mộ và sau này có thể xúc tiến việc xây mộ cho ngài. Người bạn tìm đến ông Nguyễn Duy Hiệp, một người Việt, có dịch vụ chuyên lo về thủ tục mai táng của thành phố Paris. Ông này khi nghe nói đến có một người con cựu hoàng hiện ở Mỹ có quan tâm đến ngôi mộ, ông rất cảm kích và ngỏ ý ông sẽ liên lạc với bà Monique để có thể tiến hành việc xây mộ. Ông Nguyễn Duy Hiệp giải thích là bà Monique có nhờ ông quyên tiền để xây mộ cho cựu hoàng, nhưng trong ba năm, ông chỉ nới quyên được 1,200 Euros, vậy nếu “Mệ” Bảo Ân có khả năng làm được, “thì mời sang Paris, chúng ta sẽ bàn tiếp”.

Một chủ công ty mộ bia ở Paris là ông Cridel thấy hoàn cảnh của Cựu Hoàng Bảo Ðại đáng thương nên đã gặp bà Monique, và điều đình với bà, nếu bà bằng lòng thì ông sẽ thực hiện bản vẽ và ông sẽ giúp 50% phí tổn xây cất. Ông Nguyễn Duy Hiệp cũng góp lời thuyết phục, cuối cùng bà Monique đồng ý và giao cho ông Hiệp gây quỹ trong bà con cộng đồng Việt Nam.

bao an va cont rai
Ông Bảo Ân và con trai, Quý Khang, cháu đích tôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại bên ngôi mộ mới vừa hoàn thành.

Gây quỹ

Tốn phí cho công trình xây mộ ước tính ban đầu là khoảng 25,000 Euros. Công ty Cridel chịu 50%, ông Nguyễn Duy Hiệp quyên được 3,000 và cá nhân ông đóng thêm 1,000, chùa Tịnh Ðộ đóng góp 1,000, các vị đạo hữu Cao Ðài cho được 400. Số tiền còn lại do các vị trong cộng đồng Việt Nam đóng góp. Xúc động nhất là có 1 cháu gái gởi tới 5 Euros kèm theo bức thư đại ý là cháu còn đi học không có nhiều tiền nhưng thấy thương ông vua của mình quá nên xin được đóng góp để xây mộ cho ngài. Như vậy còn thiếu khoảng 9,000 Euros cho nên việc xây mộ đã chờ đợi hơn 3 năm nay rồi mà không thực hiện được.

Sau sự tường trình của ông Nguyễn Duy Hiệp, ông Bảo Ân hứa sẽ cung cấp số tiền còn lại. Ông Bảo Ân cũng cho chúng tôi biết, qua Mỹ phải làm ăn vất vả, không có tiền, tuy vậy ông đã “cà” tất cả thẻ “credit” ông có mới có đủ tiền xây mộ cũng như trang trải tốn phí cho những chuyến đi sang Pháp.

Năm 2005, ông Bảo Ân qua đến Pháp, việc đầu tiên là đến gặp ông Cridel để xem bản vẽ, để xem có cần sửa chữa gì không? Ghi khắc tên tuổi của cựu hoàng trên bia đá như thế nào? Ðể khắc chữ bằng vàng trên bia mộ, phải tốn thêm 2,200 Euros. Sau khi bà Monique chấp thuận, ông Cridel sẽ cho xúc tiến xây mộ ngay lập tức, và khi nào hoàn tất, ông sẽ báo cho ông Bảo Ân trở qua Pháp để tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu cho cựu hoàng.

Khi được thông báo công việc êm xuôi, cuối năm 2006, ông Bảo Ân trở lại Paris. Ông “chạm trán” bà Monique tại phần mộ của cựu hoàng. Bà Monique nổi tiếng là khó khăn, câu nói đầu tiên của bà Monique khi nhận ra Bảo Ân là “mắng” ông sao sang Paris mà không đến thăm viếng bà theo phép lịch sự, trong khi đó lại đến thăm bà Mộng Ðiệp. Ông Bảo Ân đành lấy lý do ông không rành tiếng Pháp và không biết đường sá.

Bà Monique cũng than phiền là các con Vua Bảo Ðại “làm phiền bà quá nhiều!”

Việc ông Bảo Ân xây được mộ cho cựu hoàng cũng là do duyên định, hình như vua cha dành cho ông vinh dự này vì gần 10 năm nay, không ai có thể thuyết phục được bà Monique để cho họ xây mộ của Vua Bảo Ðại, trong khi chính bà lại không có tiền hay không muốn xây mộ.

164028-DP-130401-BaoDai-8-400
Bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ” được khắc trên đầu bia mộ.

Ngoài các dòng chữ do ông Bảo Ân soạn khắc trên bia mộ, bà Monique đã quyết định là khắc thêm hình ảnh kim khánh bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ”(*) khắc trên tấm bia, mà có lẽ những người làm bia mộ, không ai biết ý nghĩa của nó.

Trước ngày khánh thành, ông Bảo Ân cho bà Monique hay là ông sẽ đem lá cờ vàng ba sọc đỏ vào treo trước ngôi mộ, vì đây là lá cờ ngày 2 Tháng Sáu năm 1948, chính phủ của Quốc Trưởng Bảo Ðại (với Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân) đã chính thức dùng làm quốc kỳ của quốc gia Việt Nam. Cuộc thương thảo bất thành vì bà Monique không bằng lòng và de dọa sẽ gọi cảnh sát can thiệp nếu ông Bảo Ân đem lá cờ VNCH vào lễ khánh thành.

Con trai của cựu hoàng phản đối bằng cách không đến tham dự lễ khánh thành ngôi mộ của cha, và bài diễn văn soạn sẵn, với tư cách là đại diện của gia đình Vua Bảo Ðại, để cám ơn các quan khách và hội đoàn người Việt tại Paris, sẽ không bao giờ còn cơ hội để đọc nữa.

Ngày khánh thành mộ cựu hoàng có đủ các chức sắc thành phố, các hội đoàn người Việt ở Paris, nhưng lại vắng bóng các “Mệ” con của Vua Bảo Ðại, ngoài lý do trên của Bảo Ân, không ai muốn gặp mặt bà Monique. Ông Bảo Ân cho biết lý do, nếu ai đến, tức là đã công nhận bà Monique trong vai trò người vợ chính thức của nhà vua, đó lại là điều tất cả mọi người không ai muốn.

Ghi chú:

(*) Theo nhà biên khảo Võ Hương An, 4 chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ” khắc trong kim khánh trên bia của lăng Vua Bảo Ðại tại nghĩa trang ở Paris, nhìn thì đẹp nhưng không có nghĩa. Hai chữ sắc tứ (hay có khi là ân tứ) được dùng khi vua ban thưởng một vật gì đó cho bầy tôi; ở đây, Vua Bảo Ðại đã là vua rồi thì không viết “Bảo Ðại Sắc Tứ” được. Nếu muốn trang trí thì nên ghi “Bảo Ðại Hoàng Ðế”.

Trong bài báo này chúng tôi dùng tiếng “mộ” để chỉ nơi an nghỉ của Cựu Hoàng Bảo Ðại. Nhưng theo sách vở triều Nguyễn, mộ của Hoàng Ðế, Hoàng Hậu, Thái Hậu được gọi là “lăng,” còn ngoài ra, dân thường và quan lại, dù đến nhất phẩm triều đình cũng chỉ được gọi là “mộ.”

Những đoạn đời gian truân

Ông Bảo Ân nhớ lại: Nếu không có chuyện tịch thu tài sản và nhà cửa của bà Phi Ánh, mẹ ông, thì không có cảnh gia đình tan tác, mẹ con mỗi người mỗi ngả và lâm cảnh túng bấn.

“Cuộc đời đôi khi giống như một vở kịch.” Ông Bảo Ân tâm sự: “Ngày hôm đó thật là một ngày buồn thảm đáng ghi nhớ, trời đã tối rồi mà ba mẹ con chúng tôi vẫn chưa tìm ra chỗ để dung thân, đi tới đâu ai cũng khéo léo từ chối, không ai còn muốn dính dáng tới chúng tôi nữa. Ông ngoại nói với dì Phi Hoa để cho chúng tôi tạm trú, mặc dầu gia đình bà cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì có liên hệ đến Quốc Trưởng Bảo Ðại như chúng tôi.

Một thời gian khi thấy tình hình bên ngoài tạm yên, Me tôi quyết định cho chúng tôi đi học lại. Me tôi nhờ ông ngoại đến trường ghi danh cho chúng tôi, nhưng ông ngoại tới đâu, sau khi xem ‘lý lịch’ họ đều khéo léo từ chối, mà không nói lý do. Chị em chúng tôi đành phải ở nhà chơi một năm không đến trường. Sau đó chúng tôi phải tìm giải pháp là làm lại giấy khai sinh, lấy họ mẹ, từ dòng dõi nhà Nguyễn đổi thành con cháu họ Lê. Chúng tôi đã trở thành con người mới, không còn dính líu gì đến chế độ cũ nữa, có thể gọi là ‘chối bỏ nguồn gốc để tồn tại!’”

Trong thời gian này, bà Phi Ánh cũng không dám liên lạc với Ðức Từ Cung vì sợ bị lộ tung tích, vì dầu sao Bảo Ân cũng là giọt máu của cựu Hoàng Bảo Ðại duy nhất đang sống tại Việt Nam.

Ông Bảo Ân tiết lộ, tên thật của ông do bà Từ Cung đặt cho ông khi mới sinh ra đời là Bảo Khương. Khi làm lại giấy khai sinh, ông đã đổi tên Bảo Ân và lấy họ mẹ. Sau này khi bà Từ Cung và cựu Hoàng Bảo Ðại biết chuyện này, cũng đã rất thông cảm.

Năm 1964, bà Từ Cung đem Bảo Ân ra Huế ở với bà để đi học, cho đến năm 1968, khi biến cố Mậu Thân xảy ra, sau khi Việt Cộng rút ra khỏi Huế, bà Phi Ánh lo sợ cho con, nên đã nhờ một người trong Nguyễn Phước Tộc là ông Bửu Nghi, xin với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ một chiếc trực thăng để đưa Bảo Ân từ sân Phú Văn Lâu lên phi trường Phú Bài, và từ đây ông đi theo máy bay C.130 chở tử sĩ và thương binh về Sài Gòn. Mười hai năm sau, 1980, “Mệ” Bảo Ân và chị là Phương Minh đã trở lại Huế để thọ tang bà nội là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu, tức là Ðức Bà Từ Cung.

Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Ðại

Nhiều người biết chuyện Quốc Trưởng Bảo Ðại bị ông Ngô Ðình Diệm truất phế trong cuộc “trưng cầu dân ý” vào ngày 23 Tháng Mười năm 1955, nhưng ít ai biết đến việc tài sản của toàn gia đình những người liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Ðại (kể cả vợ không hôn thú) và của các ông Vĩnh Cẩn, Nguyễn Ðệ đều bị tịch thu. Thân mẫu của Quốc Trưởng Bảo Ðại, Ðức Từ Cung phải dọn ra khỏi Cung An Ðịnh.

Câu hỏi của chúng tôi đối với ông Bảo Ân là, phải chăng việc tịch thu tài sản này là do cấp dưới, tùy tiện, “lấy điểm” mà không phải do chủ trương, chính sách của cấp trên?


164412-DP-BD11-400
Công báo VNCH ngày 22 Tháng Ba 1958.

Ông Bảo Ân đã cho chúng tôi xem một tài liệu cũ mà ông đã lưu giữ từ 56 năm qua, tờ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày Thứ Bảy 22 Tháng Ba 1958, ấn hành bởi tòa tổng thư ký Phủ Tổng Thống, “bảng phụ đính vào quyết định số 400.BTC/DC ngày 14 Tháng Ba 1958 của ông bộ trưởng tài chánh chỉ định những tài sản của Bảo Ðại và bộ-hạ đặt dưới đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958 chỉ định tài sản tịch thu” của:
- Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại.
- Marie Jean Nguyễn Hữu Hào, tức Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, vợ chính thức của Bảo Ðại.
– Bùi Thị Mông Ðiệp hay Bùi Mộng Ðiệp, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Lê Thị Phi Ánh hay Lê Phi Ánh, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Hoàng Thị Lang (hay Lan) tức Wong Y Lang, tức Jenny, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Vĩnh Cẩn (anh em chú bác và là người thân cận với cựu hoàng, thường được gọi là Hoàng Tùng Ðệ) và vợ chính thức là Nguyễn Hữu Thị Bích Tiên.
- Nguyễn Ðệ (đổng lý văn phòng quốc trưởng ở Paris) và vợ là Bùi Thị Mão.

Tài sản bị chỉ định tịch thu gồm có bất động sản như nhà cửa, lâu đài, biệt điện, đồn điền, các sở đất, các kho chứa hàng, tất cả khí mãnh, dụng cụ trang bị cho các cơ sở trên, số tồn khoản tại các nhà băng, các cổ phần trong các công ty, các số nợ cho người khác vay, các loại xe hơi…

Chúng ta cũng biết là sau khi Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế, An Ðịnh Cung, diện tích 16,584 m2, tọa lạc tại bờ sông An Cựu Huế, tư sản của Vua Khải Ðịnh, không phải của triều đình nhà Nguyễn, đã bị chỉ định là tài sản tịch thu của “Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại”. Thoạt đầu Ðức Từ Cung phải dọn qua tạm trú tại nhà thờ Kiên Thái Vương, trong khuôn viên Cung An Ðịnh Cung, và sau đó ra ở tại ngôi nhà ở địa chỉ 79D Phan Ðình Phùng, gần chợ An Cựu cho đến khi bà qua đời.

Sống lưu vong, chết nghèo khó

Theo lời kể của thứ phi Mộng Ðiệp với ông Bảo Ân, cuối năm 1955, sau khi bị truất phế, bề ngoài không ai biết cựu hoàng nghĩ gì, nhưng theo bà, ông đã có một thời gian bị trầm uất, mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Ông nói là ông rất lo cho Ðức Từ Cung. Sau này nghe tin Ðức Từ Cung bị đuổi ra khỏi Cung An Ðịnh, cựu Hoàng Bảo Ðại lại càng lo hơn, tối không ngủ được. Cựu hoàng hút thuốc lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời” (nguyên văn), không biết đi đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về với bà Mộng Ðiệp.

Cũng theo lời tường thuật của ông Bảo Ân: “Sau cú ‘sốc’ đó cựu hoàng không muốn tin ai nữa, không muốn tiếp xúc với ai, ông bảo bà Mộng Ðiệp đưa tiền rồi đeo cái túi xách lên vai đi 3-4 ngày, đôi khi đi cả tuần đến khi đau ốm hoặc hết tiền mới trở về. Khi hết bệnh ông lại đi tiếp, hỏi ông đi đâu thì ông nói đi loanh quanh đây thôi. Có khi bà Mộng Ðiệp phải bảo Hoàng Tử Bảo Sơn và anh Jean Bui (con riêng của bà) theo dõi cựu hoàng, thì ông giận bà suốt hai tuần. Có lần cựu hoàng lên cơn sốt rét nằm trên băng ghế, dưới hầm metro, cảnh sát đem ông về đồn và gọi điện thoại cho Hoàng Tử Bảo Long đến bảo lãnh ông về, rồi khi hết bệnh ông lại đi nữa.”

Thứ Phi Mộng Ðiệp nói với Bảo Ân: “Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng Hậu Nam Phương qua đời năm 1963, ở Chabrignac, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!”

Nghèo khổ và cô đơn

Năm 1967, Công Chúa Phương Minh sang Pháp theo sự sắp xếp hôn nhân của gia đình nhưng không thành, thấy hoàn cảnh của vua cha cô đơn và tội nghiệp, nên cô tình nguyện ở lại để săn sóc cha.

Lúc này cựu hoàng đã dùng thuốc ngủ rất nặng, có lần uống thuốc xong, nằm vắt tay lên trán, vừa suy nghĩ vừa hút thuốc. Khi thuốc ngấm, ông ngủ hồi nào không biết, điếu thuốc trên tay rơi xuống áo cháy phỏng cả ngực, nên lần sau mỗi lần ông dùng thuốc ngủ, cô Phương Minh đứng đó canh chừng đến khi ông ngủ rồi mới dám đi làm công việc. Tuy ở Paris, Phương Minh cũng chỉ gặp Hoàng Tử Bảo Long một lần và chưa hề giáp mặt Bảo Thăng và các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Quốc Trưởng Bảo Ðại có nhiều vợ và nhiều dòng con, khi Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, ông cũng không hay biết, điều đó đã tạo thêm sứt mẻ trong gia đình.


bao dai
Từ trái sang phải: Bà Ưng Thi, cựu Hoàng Bảo Ðại, bà Monique Baudot, ông Ưng Thi (Paris 1995). (Hình: Tài liệu của gia đình ông Bảo Ân)


Ðời sống ở Paris cũng khó khăn, vất vả, cô con gái của cựu hoàng, phải đi làm tiếp viên trong một nhà hàng Trung Hoa để có phương tiện để sống gần cha và chính cô, cũng phải nhận sự trợ giúp từ mẹ ở Sài Gòn. Trong thời gian này, hầu hết sự chi dùng của ngài là do tiền của Ðức Bà Từ Cung gởi qua. Mặc dầu các con cũng thường hay lui tới thăm ngài, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến vấn đề tiền bạc, và cũng không ai nghĩ đến chuyện giúp đỡ ngài. Theo lời cô Phương Minh kể lại, khi có tiền thì hai cha con rủ nhau đi nhà hàng, khi hết tiền thì nhiều ngày chỉ có một bữa ăn.

Nhiều khi cạn tiền, túng thế, cựu hoàng phải bảo Phương Minh chạy đi “vay mượn” những người quen biết.

Cho mãi đến năm 1971, Phương Minh hay tin mẹ đau nặng, cô trở về Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi cộng sản chiếm miền Nam.

Cũng năm này, Bảo Ðại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946.) Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert.

Ở Paris, cựu Hoàng Bảo Ðại không có nổi một căn nhà, nơi mà cựu hoàng ở với bà Monique trong những ngày cuối đời là do một người Pháp yêu mến để cho cựu hoàng ở không lấy tiền. Có lần, theo lời kể của bà Mộng Ðiệp, bà Monique đã xúi nhà vua kiện ra tòa án để lấy các tài sản của bà thứ phi, nhưng nhà vua đã không bằng lòng. Cuộc hôn nhân cuối cùng với bà Monique đã đưa đến chia rẽ trong gia đình cựu hoàng, từ đó không ai đến thăm viếng ông nữa và gần như vị vua cuối cùng của triều Nguyễn sống trong cảnh nghèo khó và cô đơn. Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng Tộc ở hải ngoại, Bảo Ðại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân, cùng đi với cựu hoàng có bà Monique.

Sau khi cựu Hoàng Bảo Ðại kết hôn với bà Monique thì các con đều xa lánh không lui tới, thăm viếng. Ông mất ngày 31 Tháng Bảy 1997 tại Quân Y Viện Val-de-Grâce, Paris, hưởng thọ 85 tuổi. Ðám tang Bảo Ðại được tổ chức một cách lặng lẽ vào lúc 11 giờ ngày 6 Tháng Tám năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero, không hề thấy sự hiện diện của thân thích gia đình, trừ bà Monique, người vợ cuối cùng ở bên cạnh, với cờ tam tài của Pháp Quốc và Hội Cựu Quân Nhân Pháp.

‘Hoàng Tử’ Bảo Ân xin hai chữ ‘công bình’

Ðể kết thúc 5 kỳ báo viết về cựu Hoàng Bảo Ðại và tấm lòng của đứa con trai lưu lạc Bảo Ân, không có gì hơn là mời bạn đọc hiểu nỗi lòng của ông, được ghi lại trong bài diễn văn thay mặt gia đình, dự định đọc trong lễ khánh thành lăng mộ cựu Hoàng Bảo Ðại năm 2006 không thành.

Hoàng Tử Bảo Ân đã biện bạch nỗi lòng của một đứa con “bất hiếu” và xin hai chữ “công bình” cho phụ hoàng:

“Năm 1980 tại Huế, tôi đã từng khóc để tiễn biệt Ðức Bà Nội tôn kính của chúng tôi là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung về với tổ tiên, liệt thánh nhà Nguyễn. Một lần nữa, 1986, tôi lại khóc để vĩnh biệt mẹ thân yêu của chúng tôi là bà thứ phi Lê Phi Ánh, và bây giờ, mặc dầu trễ chín năm do hoàn cảnh, cuối cùng tôi cũng đến được nơi đây để mong một phần nào làm tròn bổn phận của một đứa con hơn 50 năm qua, ao ước được gặp lại cha mình, nhưng rồi mãi mãi niềm ao ước đó chẳng bao giờ thành hiện thực. Ngày nay đứng bên mộ phần của cha, xin cúi đầu kính cẩn dâng lên ngài lời cầu xin được tha tội!”

“Nói về cuộc đời của Cha tôi, lâu nay có nhiều dư luận trái ngược nhau. Ngày hôm nay, bên mộ phần ngài, tôi không muốn biện minh những gì ngài đã làm cho dân tộc của ngài, mà chỉ xin quý vị, cùng tất cả những người Việt Nam khác, hãy bỏ qua những khác biệt chính trị mà chỉ xét vấn đề trên từng bối cảnh lịch sử của đất nước, xin vui lòng nhìn vào lương tâm mình, không phải để tìm trong đó lòng bác ái hay một tình cảm riêng tư, bởi vì cha tôi, không muốn và cũng không chờ đợi sự rộng lượng đó của quý vị, mà chỉ xin quý vị tìm trong đó một đức tính cao thượng và lòng trung thực để trả lại cho ngài hai chữ ‘công bình’ trong lịch sử.” (Bảo Ân)