TRƯƠNG VĨNH KÝ, YÊU NƯỚC ?
Bùi Kha
Nhiều
thập niên qua, tên tuổi của cựu giáo sĩ Pétrus Trương Vĩnh Ký đã đi vào
lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc và VNCH, người ta vinh danh ông bằng cách
đặt tên đường, tên trường. Vì áp lực chính trị hoặc vì tình cảm địa
phương hay vì cảm tình tôn giáo hoặc thiếu sử liệu nên tên tuổi của
Sĩ-Tải Bao-ti-xi-ta Pétrus Trương Vĩnh Ký đã được đánh giá thiếu cẩn
trọng.
Trong bài viết nầy, tôi sẽ cố gắng vượt ra ngoài các phạm trù chính trị, địa phương và tôn giáo để, góp phần vào việc trả lại cho Trương Vĩnh Ký cái giá trị đúng như tư duy và hành động của ông trong thời kỳ Pháp đô hộ nước ta.
Để
việc định vị công (nếu có) và tội của họ Trương được chính xác, tôi xử
dụng các tài liệu do chính Trương đã viết cho các viên chức cao cấp của
thực dân Pháp dưới hình thức những lá thư, và tài liệu của chính nhân
viên trong chính phủ thuộc địa Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ. Các tài liệu nầy được tìm thấy trong cuốn sách có tựa đề "Cuốn Sổ Bình Sinh của Trương Vĩnh Ký" từ trang 93-143 bis và từ trang 251-285. Tác giả là Nguyễn Sinh Duy, NXB Nam Sơn, Sài gòn in và phát hành tháng 3, 1975 (1).
Công hoặc tội của Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký, tổng quát, cần được xét
trên hai phương diện: Quan điểm chính trị, và những đóng góp văn học của
ông nhằm mục đích gì? Trong phần kết luận chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao
họ Trương lại có những tư duy và hành động đi ngược với quyền lợi của tổ
quốc.
A. Quan điểm chính trị của Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)
Ngày 1.9.1858, đô đốc thực dân Pháp Rigault de Genouilly đánh Đà Nẵng.
Quân dân Việt Nam nhất tề chống Pháp xâm lược. Với sự phản ứng kiên trì
của Việt Nam cọng thêm khí hậu khắc nghiệt tại Đà Nẵng lúc bấy giờ, quân
Pháp đã phải rút khỏi Đà Nẵng để vào Nam chiếm thành Gia Định ngày 17.
2. 1859. Sau một thời gian ngắn, trung tá hải quân Jean Bernard
Jaureguiberry và 800 lính ở lại giữ thành Gia Định, còn deGenouilly thì trở ra Đà Nẵng đánh phá lần thứ nhì.
1. Trước
cảnh nước mất nhà tan, Trương Vĩnh Ký đã không tham gia phong trào đánh
đuổi thực dân như bao nhiêu người khác. Trái lại ông còn viết thư cho
viên trung tá thực dân nói trên, yêu cầu giúp đỡ để tiêu diệt quân dân
Việt Nam mà họ Trương gọi đó là kẻ thù. Thư nói trên viết tayvào cuối tháng 3.1859, lúc Trương 22 tuổi, trong đó có đoạn như sau:
"...
Nhưng tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Ki-tô kính dâng lên
Ngài lời cầu xin của chúng tôi... nỗi thống khổ mà chúng tôi hằng gánh
chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra... Tất cả chúng
tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù* của chúng
ta..." (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes. Vũ Ngự Chiêu sưu tập).
Nhằm giảm số trang, tôi chỉ cắt một đoạn thư viết tay của họ Trương và vàn đoạn tài liệu khác như trên.
[Nguồn: “Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại’, Chánh Đạo, Tập I (1892-1924), in lần thứ hai. Văn Hóa, Hoa Kỳ].
Đọc đến đoạn nầy, có người sẽ nghĩ rằng vì vua quan nhà Nguyễn quá tàn
ác với giáo dân Công Giáo nên Trương Vĩnh Ký phải kêu gọi thực dân giải
cứu. Thực tế không phải như vậy. Sau đây là lời phát biểu của đô đốc
Page, một tên thực dân cao cấp, đã viết thư cho bộ trưởng hải quân Pháp
ngày 15.12.1859 như sau:
"Những năm đầu mới lên ngôi, vua Tự Đức có một thái độ đối xử khá ân cần với họ (các giáo dân, BK).
Nhà vua đã ra lệnh cho các quan lại địa phương có thái độ khoan dung,
rộng rãi với họ trong những chuyện làm trái pháp luật, những vụ phạm
pháp nhỏ. Nhưng rồi các giáo dân, do các giáo sĩ lãnh đạo ngày càng xấc
xược ngạo mạn đến mức độ họ không thèm biết đến cả chính quyền địa
phương. Họ công khai nổi loạn, họ tuyên bố người Công giáo không thể
vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác..." (Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam - 1858-1897, tác giả xuất bản Hoa Kỳ 1995, trang 86. Phần tiếng Pháp có thể tìm thấy trong thư khố Pháp, tài liệu Hải Quân số hiệu BB4-77).
Hình: Sài gòn bị chiếm ngày 17.2.1859
Giả sử nếu triều đình có những lúc đối xử cứng rắn với các giáo dân thì
đó là điều dễ hiểu và không thể tránh được. Nếu chúng ta ở vào hoàn
cảnh đó; và muốn cho quốc gia được độc lập và có chủ quyền thì cũng
không thể làm khác hơn. Dưới đây là lời phát biểu của một đô đốc thực
dân khác, người chỉ huy tấn công Đà Nẵng. Thư đề ngày 29.1.1859 (Hai
tháng trước thư của Trương Vĩnh Ký), Genouilly viết:
"Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ đạo Công giáo, lại có thể
dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính
trị, dân sự và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của
họ (các giáo sĩ - BK).
Nếu cũng vì những yếu tố phạm pháp ấy mà Giám mục Pellerin bị nhà cầm
quyền Annam trục xuất, thì báo chí của người truyền giáo lại kêu la om
sòm là họ bị bạo hành.
(Fut-elle au service de l'intérêt chrétien, ne pouvait tolérer leur
intrusion permanente et insolente dans les affairs politiques, civiles
et militaires qui se sont et ne doivent pas être de leur ressorts. Si
l'expulsion du Mgr Pellerin avait été prononcée pour les mêmes chefs
d'accusation, par un autorité Vietnamien, la press des missionnaires
aurait crié partout persécution." [(Dépêche du 29.1.1859, Archives
Nationales Fonds Marine BB4, 769, P. 113). CHT, Christianisme et Colonialisme au Vietnam - 1867-1914].
Sau đây, tôi sẽ dẫn chứng một số văn thư khác do chính Bao-ti-xi-ta
Trương Vĩnh Ký chứ không phải ai khác, viết cho các viên chức thực dân,
để thấy tấm lòng của họ Trương đối với quốc gia dân tộc như thế nào.
2. Thư
đề ngày 28.4.1876, gởi cho tướng Pháp, quyền thống đốc, để trình bày
công tác đi Bắc Kỳ. Có những đoạn họ Trương viết mà đọc kỹ sẽ thấy não
trạng của ông ta. Trương mô tả sai về tình trạng xã hội và phóng đại một
nhu cầu cần cải cách để cố vấn cho thực dân Pháp nên chiếm và cai trị
toàn xứ Bắc kỳ:
"…Và trong khi đó thì quãng đại quần chúng vô danh, những thợ thuyền,
nhà nông đang rên siết trong sự nghèo đói cùng cực, từng trải qua những
ngày dài không gạo và không việc làm. Và phải chăng sự khốn cùng đang
bao trùm trong dân chúng, và phải chăng khắp nơi người ta đang nghe đòi
hỏi những sự thay đổi và một nền cai trị hữu hiệu để duy trì trật tự,
ban cho dân chúng một ngày mai, đảm bảo tài sản, cho công nghệ và thương
mại có được sự an ninh và sinh hoạt cần thiết cho sự sống còn của họ,
nói tóm lại, từ trong cái đói và bần cùng giải thoát một dân tộc đang
cảm thấy suy vong."
Sợ Pháp do dự không chịu chiếm, Bao-ti-xi-ta còn đem miếng mồi kinh tế
béo bở của xứ Bắc Kỳ ra để khơi động lòng tham của thực dân Pháp:
"Và tất nhiên, xứ sở chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết
rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp, ít ra là đối với Algérie,
chất chứa nhiều của cải đủ để làm nên tài sản cho một quốc gia. Đất này
tiện lợi cho những vụ trồng trọt các mùa thay đổi khác nhau. Những cuộc
thí nghiệm trồng nho và gieo lúa mì cho thấy những kỳ vọng chắc chắn.
Tôi từng thấy lúa mì mọc trong đất, cây trông đẹp, bông đầy và lớn hạt.
Tôi chưa nói tới ở đây những tài nguyên khoáng chất, người ta bảo là bao
la, và tôi xin được phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một
chiếc giường đầy vàng".
Trương lại còn cố vấn cụ thể cho thực dân Pháp phương cách bá đạo,
nhưng hữu hiệu, để kết nạp các thành phần bất mãn với triều đình Việt
Nam, hầu tạo nội chiến làm cho dân chúng chán chiến tranh để rồi họ mơ
tưởng một cuộc sống "bình yên" như xứ bảo hộ Nam-kỳ:
"Tôi tìm ra sự giải thích theo đó, các ảnh hưởng của lòng tham lam và
táo bạo dễ dàng thu dụng đồ đảng, kết nạp thành đoàn và cổ võ chiến
tranh phe phái v.v...và như vậy dân chúng khát khao một cuộc sống lành
mạnh hơn là luôn luôn phải thất vọng, với hy vọng cuối cùng tìm thấy sự
che chở để khỏi sự đói khát. Hơn thế, không thể không có một cái nhìn
ham muốn, một đôi khi họ đã so sánh thân phận của họ với cuộc sống của
những người dân Nam-kỳ".
Cũng trong thư nầy, họ Trương còn báo cáo lại cho quan chức Pháp một
cuộc đối đáp giữa Trương với các quan lại triều đình. Trong cuộc đối đáp
đó, Trương đã đứng hẳn về phía thực dân để chỉ trích và hăm dọa hầu
thuyết phục các viên chức triều đình:
- "Làm thế nào cư xử đối với người Pháp để khả dĩ thu hoạch thắng lợi hoàn toàn?" Người ta lại hỏi tôi như vậy.
-
"Thưa quý vị, tôi đáp, tất cả quý vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm
quyền Pháp có ý xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc ấy từ lâu, một
cách dễ dàng không cần phải bàn cãi gì cả. Quý vị phải hiểu rằng quí vị
là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của một ai đó để gượng
dậy. Và tốt hơn, chi bằng quí vị chỉ nên tin tưởng vào những bạn đồng
minh tiếng tăm của quí vị và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng
lên, nhưng phải thẳng thắn, phải không hậu ý, phải không mưu tính kín
đáo, dang cả hai tay ra với họ, chứ không phải một cái chìa ra còn bàn
tay kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự của quí vị,
nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở và bỏ mặc quý vị với số phận.
Nói rõ hơn, đây là hình ảnh tương tợ tôi dùng để ví: nếu một bàn tay
quí vị tựa vào cánh tay của một người, còn bàn tay kia quí vị dùng để cù
họ, tức nhiên cánh tay của người đó tự nó phải tuột ra; quí vị sẽ phải
đón nhận một sức phản động nào đó, quí vị sẽ rơi xuống rất thấp và hầu
như mãi mãi không có cơ gượng dậy được nữa.
Đó là những nét nổi bật hơn cả trong các cuộc đàm thoại, nhưng tất cả
những lần trò chuyện, chi tiết tôi rút ra được rằng, nói chung các quan
lại, nhất là những người có thành kiến, họ không đòi hỏi gì hơn là mong
theo những tư tưởng mới. Thế nhưng các truyền thống vẫn còn ngự trị mạnh
mẽ, và họ ngại phô bày những tư tưởng mới vì nó mất duyên cớ chính đáng
đang vây bọc quanh những truyền thống đó. Tổng quát, tất cả đều tin
chắc rằng không thể chống lại người Pháp và nếu nước Pháp muốn lấy xứ
này, có thể làm mà không phải mất nhiều khó khăn và tốn kém" [Phần tiếng Pháp ở cuối bài nầy (2)].
3. Như
linh mục Nguyễn Hoằng, Trương Vĩnh Ký cũng là một người Pháp tay trong,
được gài bên cạnh Vua Đồng Khánh để lấy tin tức và khuynh loát ông vua
bù nhìn nầy nhằm thực hiện các kế hoạch có lợi cho thực dân Pháp. Từ
Huế, ngày 10.5.1886, Pétrus Trương Vĩnh Ký gởi thư cho viên thượng thư
Paul Bert, trong đó có đoạn đáng lưu ý:
“Tôi cũng đang lo tiếp xúc để cung cấp cho ngài những tin tức chính trị
hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án hoàn mỹ của ông Pène* về công cuộc
bình định thi hành bởi những yếu nhân bản xứ và, ở đây, tôi đang bám
sát nhà vua cùng Viện Cơ Mật. Như sứ giả tiên khu của Chúa, tôi tìm cách
dọn đường cho ngài; tôi tán dương cái uy danh mà tôi ra sức vây bọc
quanh con người cũng như tên tuổi của ngài”.
4. Việc
họ Trương lèo lái ông vua bù nhìn Đồng Khánh và thao túng Cơ Mật Viện
của triều đình Việt Nam đã có kết quả tốt cho Pháp, đến nỗi Paul Bert
trong một thư gởi Thiếu tướng thực dân Thống đốc Nam-kỳ, ngày 20.5.1886,
có đoạn:
"Tôi nhận thấy ở Huế, ông Trương Vĩnh Ký đã tận lực làm tròn sứ mạng
công việc trong triều đình và ít nhiều ảnh hưởng trên nhà vua.
Trong
những điều kiện đó, tôi tin rằng sẽ có lợi cho người Pháp hiện thời nếu
giữ ông ta ở lại Huế trong một thời gian tôi không dám xác định, nhưng
chắc chắc cũng khá lâu..."
5. Hơn một tháng sau, vào ngày 17.6.1886, Trương Vĩnh Ký lại viết thư tiếp cho Paul Bert để thông báo công tác quan trọng của ông:
"Tôi sẽ trấn áp tất cả các hảnh thần và bao vây nhà vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện Cơ Mật".
Một đoạn khác trong lá thư nầy, Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng có ý kiến
như Nguyễn Trường Tộ hơn 15 năm trước đó là, chính phủ Việt Nam phải
thỏa hiệp với nước Pháp hầu như đó là một định luật tất yếu không thể
chống lại được:
"Tôi vừa minh chứng xong cho các nho sĩ thấy rằng nước An Nam không thể
không cần đến nước Pháp, càng không thể chống lại nó được, phải tay
trong tay cùng đi, không hậu ý và chúng ta nên chụp ngay lấy những hảo ý
nảy nở trong chúng ta, của một người như ngài chẳng hạn".
6. Gần
4 tháng sau, trong một bức thư ngày 5.10.1886 gởi cho quan Thượng thư
Pháp, Pétrus Ký tận dụng những kiến thức quân sự, trong sở học của mình
để, cố vấn cho thực dân phương pháp tiêu diệt các phong trào Cần Vương
và các lực lượng vũ trang của dân Việt Nam đang hy sinh chống Pháp cứu
nước:
"Vậy hãy nhanh chóng thành lập các đoàn lạp binh và võ trang cho họ;
ngài không có điều gì phải quan ngại dù các nhà quân sự đã nói về việc
đó, bởi vì, những quân khí do ngài cung cấp, cho mượn hoặc bán, đều
thuộc trách nhiệm trực tiếp của nhà vua và chính quyền An Nam, sau cuộc
bạo hành ngày 5 tháng 7, nay chỉ còn cách thần phục nước Pháp.
Xứ Trung-kỳ mà ngài vừa ban cho nền tự trị sẽ phải bắt buộc ở dưới sự
giám hộ của Người Bảo hộ nó và với hai thế đứng của Pháp tại Bắc và
Nam-kỳ, những nghĩa cử rồi ra sẽ được củng cố và hiệu nghiệm hơn lên.
Tôi hiểu những tình ý thật sự của người An Nam mà tôi dám khẳng định với
ngài rằng chính sách ấy là tốt hơn cả, bởi vì, một mặt ngài có cái lợi
đem lại cho nước Pháp sự mến mộ và lòng tin tưởng đã bị đánh mất từ bao
năm qua, và mặt khác, ngài sẽ tìm thấy những nguồn lợi không kém phần
thực tế cho các đồng bang của ngài trong cái xứ Bắc-kỳ giàu có..."
Cựu giáo sĩ Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký còn ngụy biện và xuyên tạc để
thực dân Pháp biết động cơ nào mà các phong trào kháng Pháp nỗi lên. Và
họ Trương còn gọi các phong trào yêu nước này là quân phiến loạn:
"Tôi thiết tưởng có bổn phận, cũng nhân dịp này, cống hiến cho ngài: Tư
tưởng của những người phiến loạn An Nam mà tôi đã có thể tìm hiểu trên
những nơi có tàu đi qua.
Những kẻ phiến loạn, như tôi đã từng nhiều dịp trình với ngài, họ có lý
do cho chủ nghĩa ái quốc của họ: Sự hận thù đối với các con chiên (Công
giáo) mà họ cáo buộc là những hàng ngũ bên cạnh người Pháp, được dùng
như những kẻ đưa đường chỉ lối".
Sợ thực dân Pháp còn phân vân và không đủ quyết tâm, Pétrus Trương Vĩnh
Ký đã khuyên Pháp không nên sợ vì nghĩa quân Việt Nam, mà họ Trương
cũng gọi là bọn phiến loạn, chỉ có những khí giới thô sơ:
"Bọn phiến loạn không đáng sợ; họ chỉ có những khí giới cổ lổ của chính
quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa.
Cái chứng cớ phơi bày ra ở Quảng Trị và Quảng Bình, họ đã không thể cắt
được, dù chỉ một lần, đường dây điện thoại. Họ rất dễ bị tiêu mòn và
trở lại ngoan ngoãn..."
Trương Vĩnh Ký lúc nào cũng tỏ ra sốt sắng gắn bó và tận tâm với thực
dân Pháp. Ông cố gắng lèo lái thuyết phục triều đình Việt Nam nên chấp
nhận hiệp ước đánh dẹp các phong trào kháng Pháp cứu quốc của dân tộc
Việt. Họ Trương tỏ ra đắc lực với thực dân hơn là một người Pháp chính
hiệu. Cũng trong thư nói trên, ông viết:
"Tuy nhiên, tất cả những điều đó thúc đẩy tôi nhất quyết lo liệu cho
cái hiệp ước mà ngài muốn chính phủ An Nam sớm chính thức đưa ra để minh
định ngõ hầu chấm dứt sự trạng và quyết định chính sách sau này phải
theo. Vì thế tôi xin nhắc lại ngài cái dự án bình định với những phương
tiện hành động đã được mật ước, để tiến tới thành quả mà chúng ta có thể
phô trương. Về phần tôi, ngài có thể luôn luôn cậy vào sự giúp sức nhỏ
yếu của tôi, vì dù sao những cảm tình của giờ phút đầu tiên đã trở thành
một mối nhiệt tâm chân thành đối với ngài."
7. Trong
một thư khác gởi cho viên giám đốc thực dân ngày 19.1.1887, Pétrus Ký
cho biết vai trò gián điệp và thuyết khách của ông lúc vào làm việc
trong Cơ Mật Viện của triều đình bù nhìn Đồng Khánh
"...Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ Mật Viện của nhà vua, vai trò của tôi
là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt của chính phủ Pháp
cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách
của nước Pháp."
8. Công
tác chính trị của Trương Vĩnh Ký trong nhiệm vụ yểm trợ thực dân Pháp
sớm ổn định chính sách cai trị dân tộc ta. Và để làm tròn nhiệm vụ gián
điệp đó, Pétrus Trương Vĩnh Ký đã phải hy sinh ước mơ được vào quốc tịch
Pháp. Ông tự thú như sau trong thư đề ngày 15.9.1888, gởi cho một linh
mục là ông Pène Siefert, Trương Vĩnh Ký cho biết ông không muốn vào quốc
tịch Pháp vì sợ bị nghi ngờ, khó làm việc:
"...lúc đã gia nhập quốc tích Pháp, tôi sẽ mất hết uy tín, mất thế lực,
chẳng còn được vua, triều đình và dân chúng An Nam tín nhiệm nữa".
Trên đây là một số chứng cớ được trích dẫn từ tám trong nhiều bức thư do chính Trương Vĩnh Ký viết [vui lòng xem trong sách “Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký, như đã trình bày ở phần đầu của bài nầy]
đã cho thấy tư duy và hành trạng của ông, một trong những Việt gian đắc
lực và nguy hiểm nhất trong thời Pháp đô hộ nước ta. Có người châm chế
cho Trương Vĩnh Ký và phát biểu rằng ‘chỉ thuần túy về phương diện
văn hóa không mà thôi, ông đã biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm mà
những tác phẩm đó giúp ích cho nền văn hóa nước nhà’. Đó là một nhận
định hoàn toàn sai lầm. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về dụng tâm của
các tác phẩm có tính văn hóa của họ Trương.
B. Mục Đích Công Tác Văn Hóa Của Họ Trương.
1. Mục đích dịch thuật, sáng tác, làm tự điển của Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký được ông nói rõ trong thư gửi "Các Vị trong Ban Duyệt Xét Bản Thảo"*:
"Tôi hân hạnh được gửi tới quí vị vài dòng dưới đây để giải thích mục
đích mà tôi theo đuổi khi làm những việc trước tác mà tôi đệ trình xin
các vị thẩm định. Có thể xét những tác phẩm này theo hai phương diện
khác nhau tùy theo hai chủ đích của chúng: thu xếp ổn định thời hiện tại và gắn liền dĩ vãng với tương lai xứ sở. Đó là mục đích của tôi."
"Thu xếp ổn định thời hiện tại" tức là dẹp yên các phong trào Cần Vương và các cuộc nỗi dậy chống Pháp cứu nước. Họ Trương viết tiếp:
"Về phương diện chính trị và kinh tế, người Pháp là kẻ đi đồng hóa, còn
người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Người yếu cần dựa vào người mạnh để
đưa mình lên bằng người khỏe*. Đó chính là mục đích cần phải theo đuổi
và đạt tới. Bằng cách nào? Bằng cách đồng hóa. Và đồng hóa chỉ có thể
thực hiện được bằng giáo dục và học vấn. Từ đó mới nảy sinh mối thiện
cảm giữa kẻ chinh phục và người bị chinh phục, mối thiện cảm do quyền
lợi chung mà có. Quyền lợi chung nầy lại chỉ được tạo ra nhờ những quan
hệ hỗ tương và trực tiếp. Những quan hệ này chỉ được thiết lập giữa họ
qua sự hiểu biết tiếng nói của nhau. Người Pháp với tư cách là chủ, cần
biết tiếng An Nam để giảng dạy người An Nam là học trò những tư tưởng và
khái niệm cần thiết cho việc cải tạo và phục sinh của người An Nam."
2. Ngày
3.9.1868, Trương Vĩnh Ký gởi thư cho ông Giám đốc Nội trị để xin từ
chức. Trong đó có những câu cho thấy họ Trương không còn là người Việt
nữa:
"Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và
những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp...Người
bề tôi tận tâm và vâng lời."
3. Thư
đề ngày 12.1.1882, từ Chợ Quán "Kính gởi các vị trong Hội Đồng Thuộc
Địa", Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm
của ông:
"Thưa quí vị,
Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn.
Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13
cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao
giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây
trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách
Cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam” (chữ đậm là của Bùi Kha muốn nhấn mạnh).
4. Trương
Vĩnh Ký rất nóng lòng muốn Pháp đồng hóa dân tộc Việt Nam nhanh hơn và
toàn diện hơn, bên cạnh đó ông cũng sẽ kiếm được lợi nhuận do việc chính
phủ thực dân Pháp bỏ tiền tài trợ và mua sách. Ông cũng nói rõ là nếu
Pháp hỗ trợ bằng cách mua sách, ông sẽ phấn khởi và hăng hái hơn trong
việc viết thêm các tác phẩm khác trong tương lai cho mục đích (đồng hóa)
nói trên. Lời của chính họ Trương về chiến lược đồng hóa:
"Đệ trình với quý vị những tác phẩm này, tôi khẩn xin quý vị thẩm định
mục đích mà tôi đã đề ra khi soạn thảo, và nếu quí vị nghĩ rằng những
tác phẩm đó có thể là một lợi khí của tiến bộ và là một phương tiện
thích hợp để tạo ra trong lúc này, sự thay đổi và đồng hóa mà nhà cầm
quyền đang tìm cách thực hiện ở xứ này có lợi cho những kẻ thần phục mới
của nhà cầm quyền, tôi mong rằng qúy vị sẽ góp phần vào việc xuất bản
những sách này. Sự chấp thuận và hơn nữa, sự xưng tụng mà quí vị dành
cho những tác phẩm của tôi sẽ là phần thưởng êm dịu nhất cho những công
trình tôi đã làm và là khích lệ lớn lao hơn cả cho tôi trong tương lai."
Qua số văn thư vừa trích dẫn do chính Trương Vĩnh Ký viết, chúng ta đã
thấy rõ tâm chất của ông. Một điều khác đáng chú ý là trong các văn thư
ấy luôn luôn có các câu: "Bề tôi rất khiêm tốn và tận tụy" hoặc "Bề tôi tận tâm và vâng lời." Điều đó cho thấy mặc dầu họ Trương còn mang thân xác Việt Nam nhưng tâm hồn đã khác.
5. Sự
tận tâm và đắc lực của họ Trương trong nhiệm vụ giúp thực dân Pháp dễ
dàng thi hành chính sách thống trị và đồng hóa dân tộc Việt, được ông
Luro, Thanh tra và Giám đốc trường Sư Phạm Thuộc Địa Pháp tại Việt Nam,
trong một bản nhận xét đề ngày 16.6.1875, có đoạn nói rõ:
"Ông
Pétrus Ký làm việc rất nhiều...Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa duy
nhất mà chúng ta có, và gương mẫu. Sự trợ giúp của ông thật đã rất ích
lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung."
Nhờ công lao phục vụ thực dân đắc lực và tận tụy nên ngày 20.5.1886,
ông Paul Bert gửi thư cho Ngoại trưởng Pháp để tán đồng đề nghị của
Thống Đốc Nam-kỳ, ban thưởng huy chương cao cấp cho Trương Vĩnh Ký: Đệ
Ngũ Đẵng Bắc Đẩu Bội Tinh.
6.
Trong thư gửi cho một bác sĩ người Pháp, Alexis Chavanne, đề ngày
6.8.1887, cho thấy cái tâm của họ Trương đến nổi chính phủ thực dân xem
ông như một đứa con nuôi đầy tin tưởng. Trương viết:
"Tôi càng tỏ ra biết ơn nước Cọng Hòa (Pháp) không những đã công nhận
tôi là con nuôi mà còn cho tôi nhiều vinh dự và nhất là rất tin tưởng
tôi."
Các chứng liệu không thể chối cải nêu trên chúng ta có nên kết luận
Trương Vĩnh Ký là một đại Việt gian phản quốc nguy hiểm nhất hay không?
Người làm tay sai cho giặc hữu hiệu nhất trong lịch sử Việt Nam ta thời
Pháp thuộc?
C. Lý do nào khiến Trương Vĩnh Ký phản quốc?
Tại sao một người có tài, thông minh, biết nhiều thứ tiếng lại trở
thành một tên đại Việt gian như thế? Đáp số của câu hỏi nầy có lẽ là do
hoàn cảnh và nền giáo dục mà Trương hấp thụ.
1. Họ
Trương được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình có đạo, và "thành
người" trong chính sách giáo dục của thực dân đế quốc nhằm biến đổi con
người trong các xứ thuộc địa trở thành công dân của kẻ đi chinh phục.
Mặc dầu có học Tứ Thư Ngũ Kinh nhưng Trương Vĩnh Ký chẳng tiếp thu được
tinh thần trung quân ái quốc vì lúc đó ông ta chỉ mới 11 tuổi.
2. Nhiều tín đồ Công giáo thời bấy giờ được hiểu là "những người Pháp tay trong, lưng mềm dễ uốn, chạy theo chủ mới". Nói như giám mục Puginier: "Không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp như cua bị bẻ gảy hết càng". (Sans
les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais
seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes).
Hiểm họa nội thù nầy càng làm cho triều đình Việt Nam thêm có lý do để
"cấm đạo", và Trương Vĩnh Ký, một con chiên ngoan đạo, cũng càng có thêm
lý do để ngã về Tây.
3. Thêm
vào đó, Trương Vĩnh Ký là con của một gia đình đạo dòng, lại được một
giáo sĩ thực dân nhận làm con nuôi, đưa vào đào tạo tại chủng viện
Pinhalu (Nam Vang) rồi chủng viện Pénang (Mã Lai). Tại những nơi nầy, mà
phần lớn do các cố đạo thực dân Pháp điều khiển, chương trình đào tạo
nhắm vào hai mục tiêu chính: đào tạo cho Pháp một tập đoàn làm thông
ngôn, làm thơ ký tại những vùng đã chiếm đóng để thực hiện chương trình
đồng hóa và dễ dàng đi chiếm thêm những vùng còn lại. Mục đích thứ hai
của nền giáo dục nầy là để đào tạo những người Việt Nam Công giáo, chứ
không phải đào tạo những người Công giáo Việt Nam. Một viên chức thực
dân người Pháp, đô đốc Page, cũng cho biết thêm:
"Ngoài
ra không một người Việt Nam nào theo Công giáo lại ngần ngại xin gia
nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua Việt Nam không theo đạo, không phải
là vua của họ. Chắc bây giờ Ngài (Bộ trưởng) đã hiểu tại sao vua, quan
đã coi các nhà truyền giáo là kẻ thù?"
(Du
reste, pas un Vietnamien catholique n'hésita à demander à s'enrôler
comme soldat sous le drapeau francais, le roi payen du Vietnam n'était
point leur roi. "Votre Excellence comprendra sans doute maintenant
comment le Roi et les mandarins regardent les missionnaires catholiques
comme des ennemis?" (Depêche de l'Amiral Page, du 14-12 et 25-12-1859.
Archives Nationales, Fonds, Marine BB4-777. Cité par
CHT, p. 129).
Một người Pháp khác, đại tá Bernard cũng nhận xét:
"Bị săn đuổi ra khỏi làng vì tội phạm hoặc sự khốn cùng, những kẻ lang
thang đã đến đây với một lưng mềm dễ uốn, tham sống sợ chết; họ hoàn
toàn hững hờ với cuộc đấu tranh của dân tộc, sẵn sàng phụng sự bất cứ
ông chủ nào...Chính trong bọn nầy mà người ta sẽ tuyển dụng, trong số
họ, tất cả những nhân viên hành chính cần thiết cho nhà nước, hoặc những
người giúp việc gia đình: làm đầy tớ, phu khuân vác, làm người chạy
giấy, và cả những tên thông ngôn, hoặc những người ghi chép, được đào
tạo thô sơ qua các nhà trường của Hội truyền giáo. Chính qua sự tiếp xúc
với những kẻ khốn nạn này mà đoàn thực dân và công chức vừa mới đổ bộ,
đã làm quen được với dân tộc Việt nam..."
(Les
vagabonds", ecrit le colonel Bernard, "chassés de leur village par la
misère ou le crime, arrivaient, l'échine souple; pris de l'âpre désir de
vivre, insoucieux de la lutte nationale, prêts à servir tous les
maitres. C'est parmi eux que l'on recruta tout le personnel nécessaire à
l'administration ou aux besognes domestiques: boys, coolies, plantons,
et aussi des interprètes et des copistes, grossièrement formés dans les
écoles de la mission. C'est au contact de ces misérables que les colons
ou les fonctionnaires fraichement débarqués firent connaissance avec le
peuple d'Annam...Dẫn theo Nguyễn Xuân Thọ, trong Histoire de La Penetration Francaise au Vietnam, 1858-1897, p. 126-127).
4. Mặc
dầu Trương Vĩnh Ký thông minh biết nhiều thứ tiếng, nhưng vì quá cuồng
tín, bị các giáo sĩ thực dân tuyên truyền nên cứ nghĩ rằng việc Pháp
chinh phục Viễn Đông, trong đó có Việt Nam, là do ý của Thượng Đế sai
phái nước Pháp làm như vậy. Trong thư gởi ông Koenfen, giám đốc Viện Mỹ
Thuật Paris, họ Trương viết:
"Các xứ Viễn Đông...già cổi đủ thứ nên đã đến lúc phải làm cho chúng
tái sinh và cải cách chúng: song ai được giao phó cho cái quyền ủy nhiệm
cao quí đó? Ấy chính là nước Pháp được Thượng Đế tín cẩn giao cho..."
Trong thư gởi bác sĩ A. Chavanne, nói ở một đoạn trên, cựu giáo sĩ Trương Vĩnh Ký cũng viết:
"...cái vương quốc An Nam khổ sở nầy mà chính phủ Pháp sẽ làm giám hộ, là có một sự biến thuộc về Thiên ý kêu gọi đến..."
Đáng tội nghiệp cho Trương Vĩnh Ký, quá ngây thơ để không biết được
rằng mục đích của các đế quốc Tây phương là lợi dụng tôn giáo và dùng
cuốn Thánh Kinh như một lợi khí; để đi chiếm thuộc địa và xâm thực văn
hóa bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào mà họ thấy có thể. Bởi vậy, một người
Phi Châu, giám mục Anh giáo Desmond Tutu, được giải thưởng Nobel hòa
bình năm 1984, đã cay đắng phát biểu:
"Khi người da trắng đến, họ có cuốn Kinh Thánh, chúng tôi có đất đai.
Chúng tôi tin tưởng họ, nhắm mắt cầu nguyện với cuốn Kinh Thánh trong tay.
Lúc mở mắt ra, chúng tôi có cuốn Kinh Thánh còn họ có tất cả đất đai lãnh thổ của chúng tôi".
(We have our lands and they came with their Bible.
We believe in them and we pray with the Bible in our hands and our eyes closed.
When we open our eyes, we have the Bible and they have our lands).
5.
Việc Trương Vĩnh Ký cong lưng làm tay sai cho Pháp cũng không loại bỏ
một động cơ khác là vì danh và lợi. Danh, được chính phủ thực dân ban
tặng huy chương Đệ Ngũ Đẵng Bắc Đẩu Bội Tinh, và được chính phủ thuộc
địa bỏ tiền mua sách của họ Trương và cấp cho Trương bỗng lộc hậu hỉ.
Lương mỗi năm của Trương là 13.800 quan, kể cả tiền dạy học, trong lúc
lương của ông Thống đốc Nam-kỳ cũng chỉ có 18.000 quan. Lương ông Tổng
thư ký là 15.000 quan. Như vậy lương họ Trương đứng hàng thứ ba sau hai
viên chức cao cấp nhất người Pháp.
Kết luận :
Với những chứng cớ quá rõ ràng qua các văn thư do chính Trương Vĩnh Ký
và các viên chức cao cấp thực dân Pháp viết, chúng ta có thể kết luận
dứt khoát rằng Trương Vĩnh Ký là một người phản bội tổ quốc. Ông không
có một mảy may công lao nào đối với dân tộc, ngược lại, ông hoàn toàn là
kẻ có tội. Từ những ý đồ và hành động chính trị, cho đến các công trình
mang tính văn hóa nói chung của họ Trương, tất cả chỉ xoáy vào một mục
đích duy nhất là phục vụ cho chính sách thực dân Pháp để nô lệ và đồng
hóa dân tộc ta.
Do đó, những tên đường, tên trường, tên các hội ái hữu được dùng để
vinh danh Trương Vĩnh Ký có cần được tháo gở và hủy bỏ hẵn để tránh bị
lịch sử phê phán hay không?
Thái
độ nghiêm túc, dứt khoát và đúng đắn với Trương Vĩnh Ký cũng cần được
áp dụng cho những tên tay sai và gián điệp khác như Nguyễn Trường Tộ,
Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ), Trần Lục, Ngô Đình Diệm … để hậu thế
xem đó như một bài học cần thiết cho việc vun bồi lòng yêu nước.
Dẫu ai vì lý do nào đó mà vẫn còn vinh danh ông, nhưng những hành động
Việt gian và gián điệp văn hóa cho thực dân Pháp của họ Trương có thể
tẩy xóa ra khỏi lịch sử được không? nhất là những dữ kiện lịch sử ấy lại
do chính họ Trương viết.
Bùi Kha
(1) Nguyễn Sinh Duy:”
Trương Vĩnh Ký, Cuốn sổ bình sanh” do nhà xuất bản Văn học và Trung tâm
nghiên cứu Quốc học tái bản năm 2004, được bổ sung nhiều tài liệu và
hình ảnh mới. Giáo sư Trần Thanh Đạm viết lời tựa.
* Các chữ đậm lúc trích dẫn là ý của chúng tôi muốn nhấn mạnh.
* Pène Siefert là một linh mục người Pháp
* Thư không thấy đề ngày. Còn Ban Duyệt Xét là Hội Đồng Thuộc Địa của thực dân Pháp ở Nam-kỳ.
* Người yếu (An Nam) cần dựa vào người mạnh (Pháp) đưa mình lên bằng người khỏe. Còn lâu bọn thực dân mới để cho người Việt bằng với người Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét