Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

LỊCH SỬ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT

Đồ án quy hoạch đầu tiên

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng một thành phố trên cao nguyên Lâm Viên, nơi nghỉ mát dành cho những người Pháp tại Đông Dương. Khi còn ở Hà Nội,
Paul Doumer đã cho thiết lập một “Chương trình xây dựng đầu tiên cho Đà Lạt” với ý định : Đà Lạt sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cho những kiều dân và công chức với đường giao thông thuận lợi và dễ dàng; Đà Lạt là một trung tâm hành chính và doanh trại quân đội quan trọng, sẽ quy tụ một phần quân đội dự trù để được huấn luyện có đầy đủ sức khỏe, phòng khi cần đến.[1] Theo dự định của Paul Doumer khi đó, Đà Lạt sẽ là một thành phố hoàn hảo  với đầy đủ các công trình kiến trúc, công sở, trường học, doanh trại quân đội...
   Trong bản đồ quy hoạch, các công trình quan trọng như dinh Toàn quyền, sở cảnh sát, tòa công sứ, khu công chính, bệnh viện, nhà ở công chức, doanh trại quân đội, khu giải trí, trường học... đều đã được bố trí rõ ràng .[2] Nguồn nước được dự trù cho một đô thị 10 ngàn dân và có thể lên tới 40 ngàn trong tương lai. Điện sẽ được cung cấp từ một nhà máy thủy điện công suất 2.760 mã lực ở
vùng thác Ankroet.[3] Những nét chính của đô thị tương lai được vạch theo các con đường mòn sẵn có của cư dân  địa phương .
   
 Thành phố được bố trí ở phía nam dòng suối Cam Ly, còn phần phía bắc dành cho doanh trại quân đội.[1] Trong dự định Paul Doumer, Đà Lạt không chỉ là nơi nghỉ mát mà còn đóng vai trò một trung tâm hành chính và giáo dục.[3] Thế nhưng Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp năm 1902 khiến toàn bộ công trình xây dựng bị dừng lại vì thiếu kinh phí, Đà Lạt bước vào một thời kỳ bỏ quên kéo dài hơn 10 năm.[1]
Vào năm 1906, thời kỳ nơi đây vẫn còn là một địa điểm hoang vắng, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt Paul Champoudry đã thiết lập một đồ án tổng quát kèm theo Dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố trong tương lai.[1] Áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng rất mới lạ thời kỳ đó, Paul Champoudry dự định thành phố sẽ nằm ở tả ngạn phía nam dòng suối Cam Ly, nơi có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình đô thị chính , còn phần hữu ngạn được dành cho doanh trại quân đội. Trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng sẽ cùng nằm trong một khu, thuận tiện cho việc phục vụ và  an ninh, đồng thời giúp dễ dàng tạo dựng một bộ mặt đô thị khang trang.[4] Ở gần trung tâm thành phố, trung tâm thương mại và chợ sẽ được thiết lập, bên cạnh các khách sạn và khu giải trí.[5] Theo dự định của Paul Champoudry, các con đường chính của thành phố sẽ được thiết kế với bề rộng 20 mét, các đường hạng hai sẽ rộng 16 mét, còn các nhánh đường phụ rộng 12 mét. Phần lớn đồ án này đã được thực hiện và  thành hình  nên những nét chính của đô thị Đà Lạt ngày nay.[4] Nhưng đến thập niên 1920, khi công cuộc kiến thiết thành phố được thực hiện mạnh mẽ, Toàn quyền Đông Dương nhận thấy cần xây dựng một đồ án quy hoạch mới để thay thế cho bản sơ phác của Champoudry.[4]

 Đồ án của Hébrard

Quang cảnh Đà Lạt khoảng cuối thập niên 1920, khu vực gần khách sạn Dalat Palace ngày nay.
Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long giao trách nhiệm cho kiến trúc sư
 
Ernest Hébrard thiết lập đồ án quy hoạch thành phố với nhiệm vụ thiết kế: Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ mát thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương khi cần thiết.[4] Với nhiệm vụ này, Đà Lạt sẽ không chỉ bao gồm những cơ quan hành chính của chính quyền trung ương mà còn phải đáp ứng đủ nhu cầu để thiết lập các doanh trại quân đội. Sau hai năm nghiên cứu, tới năm 1923, kiến trúc sư Ernest Hébrard hoàn thành đồ án, được Toàn quyền Maurice Long phê duyệt và đưa vào áp dụng từ tháng 8 cùng năm đó.[4] Đà Lạt của Ernest Hébrard được quy hoạch theo quan điểm của các nguyên tắc “Quy hoạch thành phố vườn” và “Quy hoạch thuộc địa”, sẽ là một thành phố nghỉ mát miền núi kiểu mẫu.[4] Những vấn đề phức tạp trong việc phát triển đô thị Đà Lạt lần đầu được đặt ra và nghiên cứu một cách tổng hợp và kỹ lưỡng.[6] Kiến trúc sư đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ cảnh trí và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố. Trong đồ án, ý tưởng của Ernest Hébrard là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt sẽ là một đô thị  vắng bóng các ống khói công nghiệp.[4]
Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên Lâm Viên, Ernest Hébrard bố trí thành phố trong một không gian vừa phải, khoảng 30 ngàn hecta. Đó là diện tích hợp lý cho một đô thị  30 đến 50 ngàn dân và việc xây dựng chỉ được phép trong phạm vi này.[6] Đường vòng Lâm Viên chạy quanh thành phố, vừa là đường ranh giới, vừa là đường giao thông phục vụ cho nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh. Phía bên ngoài ranh giới này, vùng thiên nhiên sẽ được giữ gìn hoang sơ, hoàn toàn không có sự hiện diện của các công trình xây dựng.[6] Điểm nổi bật trong đồ án của kiến trúc sư Ernest Hébrard là phương án giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị.[6] Tác giả sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nhân tạo nằm uyển chuyển theo địa hình với những con đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh trí này, mỗi hồ nước là một trung tâm  của các công trình trong một phân khu chức năng.[7] Trục đường xương sống kéo dài từ nhà ga xe lửa tới thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình. Đứng trên tuyến đường này nhìn về phía bắc sẽ thấy một quang cảnh  với hồ Xuân Hương, đồi Cù, một cánh rừng trải dài và núi Lang Biang ở cuối phía xa.[7]
Trung tâm công cộng của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục đường chính, các công trình tòa thị chính, ngân khố, sở cảnh sát, bưu điện... nằm bao quanh một công trường .[7] Bên cạnh đó còn có thể thấy nhà thờ, trường học, thư viện, các khách sạn, văn phòng du lịch... cùng khu thương mại của người Pháp. Dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ và Viện điều dưỡng nằm xa hơn về phía tây nam trên một ngọn đồi cao, khu vực Dinh III ngày nay.[8] Phía nam suối Cam Ly, các đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Chu Trinh, ... là khu vực biệt thự dành cho người Pháp, được phân lô thành ba hạng: từ 2.000 m² đến 2.500 m², từ 1.000 m² đến 1.200 m² và từ 500 m² đến 600 m². Khu dân cư người Việt được phân phối một phần ở phía đông khu trung tâm, còn phần lớn tập trung quanh khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ.[8] Trong khu vực này sẽ có các công trình như chợ, trường học, bệnh viện, lò sát sinh, công viên, chùa chiền. Các dãy nhà liền căn được phép xây cất trong khu thương mại nhưng bị hạn chế xây dựng trong những khu dân cư.[8]
Nhà ga và đường xe lửa được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, bên cạnh đó là khu vực dự tính dành cho các khách sạn, kho hàng hóa và một số công xưởng.[8] Đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard ra đời năm 1923 và được áp dụng trong vòng gần 10 năm. Đến thập niên 1930, khi cuộc Đại khủng hoảng diễn ra, nền kinh tế khó khăn khiến giá trị áp dụng của đồ án Ernest Hébrard cần được xem xét lại.[9]
 Đồ án của Pineau
Dự trù Đà Lạt trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương đã không thành hiện thực, đồ án của Ernest Hébrard với tham vọng quá lớn trở nên không thực tế. Mặt khác, sau gần 10 năm thực hiện đã có những vấn đề phát sinh.[10] Hồ Xuân Hương trở thành trung tâm của thành phố khiến việc phân lô biệt thự phía bắc hồ đe dọa làm hỏng tầm nhìn về phía Lang Biang. Khu vực dành cho người Pháp và người Việt không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài dự tính của Ernest Hébrard, từ thập niên 1930, nhiều khu biệt thư như Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue..... có khuynh hướng phát triển về hướng bắc.[10] Khu vực rừng cảnh quanh và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn, làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác. Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một nghiên cứu mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt”.[11]
Khác với đồ án của Ernest Hébrard, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra một quan niệm thực tế hơn: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chính hay thủ đô mùa hè của Liên bang Đông Dương, chương trình phát triển thành phố vì thế cần được giới hạn lại.[11] Trong nghiên cứu của Louis Georges Pineau, nguyên tắc  vẫn là vấn đề bảo vệ cảnh trí đô thị. Kiến trúc sư đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, thiết lập các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí và khí hậu địa phương.[11] Để bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với quang cảnh tuyệt vời”, Louis Georges Pineau đề  nghị tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẻ quạt có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang, trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia.[9] Tuy không được chấp thuận,[3] nhưng một số ý tưởng của kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt cảnh trí đã được gìn giữ với những khoáng địa rộng lớn, chờ đón những dự án đầu tư trong tương lai.[11] Đồ án của Louis Georges Pineau vẫn đặc biệt hấp dẫn và được những người kế nhiệm lưu tâm nghiên cứu trong những dự án chỉnh trang đô thị Đà Lạt giai đoạn tiếp theo.[9]

 Đồ án của Mondet

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, công trình khánh thành năm 1942.
Vào năm 1940, kiến trúc sư H. Mondet đưa ra “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”, phần nào trở lại quan điểm của Ernest Hébrard nhưng mang tính thực tế hơn. Mondet nhận xét: “Đà Lạt kéo dài quá mức từ tây sang đông, về cơ cấu chưa tạo thành một thể thống nhất. Điều này được lý giải vì người ta cảm thấy dễ dàng xây dựng dọc theo các con đường chính. Có một sự e ngại quá đáng khi người ta muốn bảo vệ cảnh trí bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng quá lớn ở trung tâm thành phố. Đó là một nghịch lý cần xem xét. Muốn phát triển thành phố mà lại ngăn cấm xây dựng”.[12] Kiến trúc sư Mondet đã đề cập đến bài toán khó nhất cần giải quyết trong các đề án quy hoạch Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.[13]
Mondet đề nghị không kéo dài thành phố, thay vào đó tổ chức họp nhóm lại, mở rộng bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm và được phát triển chung quanh một trục. Những khoáng địa dành cho tương lai chiếm một phần quan trọng ở ngay trung tâm đô thị.[12] Theo dự tính của Mondet, khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp sẽ gồm 1.000 lô, kể cả những lô sẵn có. Khu vực dành cho người bản xứ đáp ứng khoảng 5.000 lô, khu ngoại ô gồm những khoáng địa rộng lớn được phân tách khoảng 1.500 đến 2.000 lô. Dự án chỉnh trang đô thị được Mondet chia thành bốn phần: giao thông, môi trường, khoáng địa và cây xanh, và cuối cùng là trung tâm công cộng.[12]
   Mondet đề nghị giữ nguyên hướng và chiều rộng các con đường nội thị, chỉ cần mở rộng tầm nhìn nơi các khúc quanh. Một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt cần bố trí lại ở vị trí mà du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố khi đặt chân đến Đà Lạt.[13] Hai bờ dòng suối Cam Ly cần chỉnh trang, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm một hồ tại thung lũng gần nhà ga xe lửa. Những khu vực khoáng địa vẫn được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, vườn trẻ, sân chơi thể thao, câu lạc bộ... nhưng vẫn giữ tính bất kiến tạo cho khu vực này. Các trung tâm công cộng, hành chính được dự trù hợp nhóm lại, còn trung tâm giải trí thể thao sẽ nằm ở phía nam Grand Lac, tức hồ Xuân Hương.[13] Tuy không được áp dụng, nhưng nhiều ý kiến của Mondet trong bản tiền dự án đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc sử dụng trong các bản đồ án sau này.[14]
Đà Lạt đầu thập niên 1940 đã là một đô thị xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng rãi và các khu vực được xây cất hoàn hảo. Nhưng Thế chiến thứ hai bùng nổ khiến dòng người tìm đến Đà Lạt ngày một đông, thành phố trở nên chật hẹp bởi sự phát triển quá độ và thiếu tổ chức, một vài khu dân cư được dựng lên gấp rút và tạm bợ.[14] Toàn quyền Jean Decoux quyết định phải thiết lập một “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” có hiệu lực pháp lý để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hòa. Nhiệm vụ này được giao cho Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương nghiên cứu thực hiện.[15]

 Đồ án của Lagisquet

Ngày 27 tháng 4 năm 1943, đồ án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Jacques Lagisquet cùng nhóm nghiên cứu được Toàn quyền Jean Decoux chấp thuận và đưa vào áp dụng. “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” được nghiên cứu theo những  hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý, từ tổng thể đến các chi tiết.[12] Giống như Mondet, kiến trúc sư Jacques Lagisquet nhận thấy Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư không có bề sâu, thành phố thiếu đi sức sống và không có trung tâm hoạt động hấp dẫn để thu hút dân chúng. Các khu vực thương mại và trung tâm hành chính nằm phân tán, hầu như không đáp ứng được nhu cầu đương thời.[15] Trái lại, Đà Lạt theo đồ án của Jacques Lagisquet sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung chung quanh hai trục đường khung sườn của thành phố và sự phát triển được dự tính sẽ về phía nam suối Cam Ly, theo hướng tây và tây bắc.[16]
   Trung tâm hành chính được tập trung lại theo trục chính, các cơ quan quan trọng được bố trí quanh hồ Xuân Hương: Văn phòng Toàn quyền nằm ở bờ đông, vị trí khách sạn Công đoàn ngày nay, Tòa thị chính ở bờ bắc và phía nam sẽ là Dinh Toàn quyền. Trung tâm thương mại của thành phố được tách thành hai khu vực: khu thương mại người châu Âu , gần bưu điện hiện nay, còn khu Hòa Bình  dành cho hoạt động thương mại của người Việt.[16]
  Khu vực khách sạn nằm bên hồ Xuân Hương,  có tầm nhìn hướng về phía hồ và núi Lang Biang, bên cạnh đó sẽ là khu giải trí và câu lạc bộ. Các trường học nằm rải rác trong thành phố và những cơ sở lớn đều có diện tích đất dự trù để phát triển.[16] Trung tâm văn hóa với thư viện, bảo tàng... được thiết lập ở khu vực trung tâm thành phố. Jacques Lagisquet dự trù một diện tích 540 hecta với khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng sẽ dành cho biệt thự của người châu Âu.[17] Vấn đề khu dân cư người Việt – cho đến khi đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu vực phụ của thành phố – được giải quyết bằng nhiều phương án, dựa trên tính chất nghề nghiệp của người dân. Trước tiên, một khu thương mại với những dãy nhà phố nằm quây quần quanh chợ, tiếp đến khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công, những người vì công việc vẫn cần được bố trí gần trung tâm thành phố.[17] Sau cùng, một vùng ngoại ô phía tây bắc và đông nam được dành cho các thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn, quần tụ các gia đình sản xuất nông nghiệp hoặc làm các nghề thủ công. Người dân ở đây được tự do xây cất nhà cửa theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung của thành phố.[17] Để bảo vệ tầm nhìn về núi Lang Biang, Jacques Lagisquet tiếp tục duy trì những khoảng trống rộng lớn hình rẻ quạt với gốc ở hồ Xuân Hương, hướng về phía bắc. Một phần diện tích trong khu vực này được dành cho các công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại của thanh thiếu niên... vẫn bảo đảm tính bất kiến tạo của toàn bộ khu vực.[18]
Về chức năng đô thị, đồ án Lagisquet đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt: trung tâm hành chính trung ương, thành phố nghỉ dưỡng, thành phố học đường, trung tâm văn hóa...[19] Kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã giải quyết được vấn đề mâu thuẫn giữa tính tập trung của đô thị và tính tản mát của một thành phố vườn.[18] Các phân khu chức năng được tổ chức hợp lý, phù hợp với thực tế và xác định cụ thể phạm vi của những không gian trống, những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh trí thiên nhiên. Đồ án của Jacques Lagisquet cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho những di dân đang ngày một đông với những loại hình cư trú phù hợp với nghệ nghiệp của họ.[20] Đà Lạt thời kỳ này bước vào giai đoạn cực thịnh của thời Pháp thuộc, nhiều công trình công cộng và tôn giáo tiếp tục xuất hiện, các ngôi chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan của thành phố.[20] Giai đoạn từ 1954 đến 1975
Bản đồ Đà Lạt năm 1963, có thể thấy hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh, ngày nay đã hoàn toàn biến mất.
Vào năm 1945, Đà Lạt đã có trên một ngàn biệt thự kiểu dáng phong phú, đa số được thiết lập theo trường phái kiến trúc địa phương Pháp và sử dụng những nguyên vật liệu tại chỗ như gạch, ngói, gỗ, đá... Mỗi ngôi biệt thự đều có khuôn viên rộng rãi, hợp thành một tổng thể đầy duyên dáng và đặc biệt.[19] Nhưng trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1954, tình hình chính trị nhiều biến động phức tạp, giao thông trở ngại, dân số xáo trộn bởi những cuộc tản cư, Đà Lạt không có thêm nhiều công trình mới.[19] Sau Hiệp định Genève năm 1954, người Pháp rời khỏi Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, Đà Lạt bước vào một giai đoạn phát triển mới với dân số đông hơn.
    Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt tương đối quy mô, vấn đề chỉnh trang đô thị và xây dựng các công trình công cộng được đặc biệt lưu tâm.[19] Với điều kiện tự nhiên độc đáo, Đà Lạt được xác định không chỉ là nơi nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu mà còn là một đô thị dành cho mọi người dân tới định cư, sinh sống. Thành phố khi đó được  trở thành một trung tâm giáo dục lý tưởng, một địa điểm huấn luyện quân sự, nơi đào tạo và phát triển tôn giáo, và cũng là một vùng canh tác nông nghiệp
   .[21] Nhằm ổn định cho một bộ phận di dân đang xuất hiện ngày càng đông, những ấp nông nghiệp mới như Thánh Mẫu, Tùng Lâm, Thái Phiên, Đa Thiện... đã được hình thành.[22] Trong khi chờ đợi thiết lập một đồ án quy hoạch mới, chính quyền tiếp tục áp dụng đồ án của Jacques Lagisquet cùng một “Chương trình địa dịch”, nghiên cứu biên soạn lại phù hợp với điều kiện thực tế để giải quyết nhu cầu xây dựng và đảm bảo tính liên tục của quyền tư hữu đất đai, bất động sản. Việc xây dựng các công trình công cộng, các sơ sở tôn giáo, quân sự... được tính toán dựa trên những phần đất công sản còn lại.[21] Bộ mặt đô thị thời kỳ này được bổ sung bởi những công trình mang dáng vẻ hiện đại và do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, như Viện Đại học Đà Lạt, Trường Võ bị Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, chợ Đà Lạt, Giáo hoàng Chủng viện.[21]
Thập niên 1960, Đà Lạt một lần nữa chịu tác động bởi những biến cố chính trị. Cuộc đảo chính năm 1963 khiến dự án phát triển thành phố phải dừng lại sau một thời gian ngắn tiến hành.
  Khi cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt, các sỹ quan quân sự được chỉ định thay thế những nhà cầm quyền dân sự, việc xây dựng và quy hoạch thành phố ít được coi trọng.[23] Tuy vậy, bên cạnh các công trình quân sự, Đà Lạt thời kỳ này cũng có thêm một vài công trình mới cùng các nhà hàng, khách sạn mọc lên ở trung tâm thành phố.[21] Nhưng do thiếu định hướng quy hoạch tổng thể, không ít công trình được xây cất vội vã đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.[24]
  Vào năm 1967, vấn đề môi sinh của Đà Lạt được các học giả đương thời lên tiếng báo động. Năm 1973, một đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt được thiết lập, trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp bảo vệ môi sinh cho thành phố, đặc biệt ở khu vực lưu vực của hồ Xuân Hương.[25]
 Cảnh quan đô thị Đà Lạt giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng xấu bởi nạn xây cất bất hợp pháp. Cùng với một số quan chức thế lực chiếm dụng đất, nhiều thương phế binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng đòi quyền lợi, xây dựng những ngôi nhà tạm bợ ở ngay trung tâm thành phố, một số người khác chiếm đất làm vườn ở những khu vực như ấp Ánh Sáng, khu Thao Trường.[21] Hiện tượng xã hội này trở thành một vấn đề nan giải trong việc quy hoạch và bảo vệ nét thẩm mỹ của Đà Lạt, vẫn tiếp tục tồn tại trong những giai đoạn tiếp theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét