Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

ĐIỀN CHỦ

ĐIỀN CHỦ NGUYỄN THỊ NĂM MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ.
Nguyễn Quang Duy

Khai mạc cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất (CCRĐ), ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết cuộc triển lãm không nhằm mục đích nói về những sai lầm hay oan khuất của những người bị thiệt mạng, mà “…chỉ chọn những gì tích cực nhất mà cải cách mang lại”.

Vì không trung thực nên cuộc triển lãm nói trên đã nhận nhiều phê phán, tạo một dư luận quan tâm đến biến cố CCRĐ và chỉ sau 4 ngày khai mạc phải đóng cửa.

Nhiều người xem triển lãm ngạc nhiên vì rất ít hình ảnh trong đó có nhân vật lịch sử Hồ chí Minh. Tối đến đài truyền hình cho chiếu đọan phim ông Hồ phát biểu: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng…” Thế một người dấu diếm tội ác của mình thì là người thế nào?
 
Tạo Huyền Thọai Xóa Tội Ác.

Hai phóng viên Báo Tuổi Trẻ Hà Hương và Ngọc Hà đã phỏng vấn ông Nguyễn Thủy Chung là cháu nội của cụ Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, người hơn 60 năm trước đã bị xử bắn.
Ông Long cho biết: “Những tư liệu được đưa ra cho công chúng xem vẫn không khác gì cách nhìn rụt rè về cải cách ruộng đất từ... 50 năm trước”.

Điền chủ Nguyễn Thị Năm là một người đã từng chứa chấp nuôi dưỡng hầu hết các các cán bộ cao cấp cộng sản và đã đóng góp rất nhiều cho Việt Minh.

Một tài liệu do Xuân Ba phổ biến vừa cho biết khi bà Năm bị đấu tố, ông Lê Đức Thọ lúc ấy đang ở miền Tây Nam Bộ được ông Hồ Viết Thắng từ Bắc gọi điện thọai chất vấn: “bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long có cho đồng chí cái gì khi đồng chí ở nhà bà ấy không?”.

alt
Blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh cũng phỏng vấn ông Lê Đình Phúc, là con của cụ Lê Đình Hàm, một địa chủ có công với cộng sản và tuyệt đối tin tưởng vào "bác Hồ". Cụ Hàm bị đấu tố và bắn chết vào ngày 09 tháng 7 năm 1953.

Ông Vinh đặt câu hỏi: “Vậy bác Hồ là người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không?”

Ông Hàm trả lời: “Nói thế thì... hôm nay tôi không mang tài liệu của Hoàng Tùng nói về việc này...” Có vậy mới thấy ảnh hưởng sâu đậm của huyền thọai.

Ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, là người đã vẽ ra huyền thọai: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa.
Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải. Và họ cứ thế làm".

Ông Trần Huy Liệu tham dự buổi đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, ước tính số người tới dự độ một vạn trở lại. Trong thời chiến một vạn người tập trung tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên, cách Hà Nội vài chục cây số, đã đủ thấy tầm mức quan trọng của vụ đấu tố này.
Trong quyển Đèn Cù ông Trần Đỉnh cho biết cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều đã trực tiếp tham dự buổi đấu tố: “…Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”.
Ông Trần Đĩnh cho biết đã được Trường Chinh phân công viết bài cho báo Nhân dân: ”Chi tiết thì khai thác Văn, người anh nuôi cấp dưỡng đi theo Trường Chinh, còn tội ác thì cứ theo tài liệu”.
Ông Trần Đĩnh cho biết: “Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi, C.B. (Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê”… rồi nhận xét: “…Hoàng Tùng vô tình hay cố ý quên bài báo bác gây căm thù cao độ này.”

Năm 2007, khi tìm hiểu về Hồ Chí Minh tôi đã phát hiện bài báo
“Địa chủ ác ghê” của C.B., trên báo Nhân Dân 21 tháng 7 năm 1953 và đã cho phổ biến trên talawas “Vai Trò Hồ Chí Minh Trong Cải Cách Ruộng Đất”.
Sau này ông Nguyễn Minh Cần nhớ vào năm 1953 ông cũng đã được đọc bài "Địa chủ ác ghê" từ nội san Cải cách ruộng đất.

Bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 5 trang 418, cũng đề cập đến bài “Địa chủ phản động ác ghê”, ký bút danh Đ. X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 ngày 2/11/1953.

alt
Về C.B. ông Bùi Tín cho biết: "lúc bấy giờ ở báo Nhân Dân, tất cả những bài nào đề chữ "C.B." là "Của Bác", là coi như thiêng liêng, là phải in ngay ở trang một, ở ngay dưới măng-séc, không được sai một dấu chấm, dấu phẩy nào".

Qua phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ, cháu nội bà Năm ông Nguyễn Thủy Chung cho biết: “Từ một chủ hiệu buôn Cát Hanh Long lừng lẫy đất Hải Phòng, từng là người đóng góp tiêu biểu cho “Tuần lễ vàng” đầu tiên của đất cảng với hơn 100 lượng vàng, SAU NĂM 1945 cụ Năm tản cư theo cách mạng lên chiến khu, tiếp tục dựng nghiệp với hai đồn điền lớn mua lại của “một ông Tây què” tại Thái Nguyên.
Chi tiết ông đưa ra rất khác với bản án Của Bác (C.B.) khép cho bà Năm:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
• Giết chết 14 nông dân.
• Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
• Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
• Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
• Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!”

Ông Trần Huy Liệu giải thích “tội ác” bà Năm như sau: “Sự thực thì hồi ấy dân chết đói nhiều quá, bọn thống trị Pháp, Nhật muốn che lấp tội ác của chúng, bắt các chủ đồn điền phải hàng ngày xuất ra một số gạo phát chẩn cho dân. Thị Năm đã bớt và khai man số gạo này, nghĩa là ăn cắp số gạo mà dân đói đáng được hưởng để chết đói thêm.”

Tiêu Lang báo Cứu Quốc
người đã chứng kiến vụ xử bắn bà Năm, cho ông Trần Đĩnh biết vì áo quan cho bà Năm quá nhỏ nên: ‘Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy…. cuối cùng bà ta cũng lọt vào nằm vẹo vọ….” !’

Nhằm phóng tay phát động CCRĐ, buổi đấu tố bà Năm đã đựơc đưa vào sách giáo khoa môn Quốc Văn, Bài tập đọc Số 8 “Ấn Cổ Nó Xuống”, trong mục “Vạch mặt Địa Chủ Cường Hào Gian Ác”, Bộ Giáo Dục xuất bản năm 1953, để dạy cho học sinh.
Trên là cách đối xử của phía cộng sản, còn đối với người dân ông Trần Đĩnh cho biết: “Nhưng dân Đồng Bẩm thì không quên. Ở xã này có một quả đồi được dân tự động đặt cho nó tên một nạn nhân lớn: đồi Nguyễn Thị Năm.”

Ngòai huyền thọai Của Bác về điền chủ Nguyễn thị Năm, còn một số các huyền thọai khác cũng xin vắn tắc nêu ra.
 
Nhận “Sai Lầm” và “Sửa Sai”
Ông Nguyễn Minh Cần cho biết việc “sửa sai” thi hành kỷ luật các lãnh đạo CCRĐ như sau:
Thứ nhất, ông Trường Chinh mất ghế Tổng bí thư, nhưng lại vẫn là uỷ viên Bộ Chính Trị, chuyển sang ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, phụ trách công tác tư tưởng, rồi cùng Tố Hữu bày ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đàn áp quyết liệt tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ;
Thứ hai, ông Hoàng Quốc Việt, người nổi tiếng ác nhất, bị đưa ra khỏi BCT trao chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao là chức vụ nắm quyền sinh quyền sát con người;
Thứ ba, ông Lê Văn Lương chịu trách nhiệm về Chỉnh đốn tổ chức đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên ở xã bị bắn giết, bị tù đày, phải ra khỏi BCT, nhưng được đưa về làm bí thư Thành uỷ Hà Nội;
Thứ tư, ông Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TW Đảng thì lại cho làm uỷ viên thường trực Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.
Còn ông Hồ vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch và vẫn là uỷ viên Bộ Chính Trị.
Về việc Hồ chí Minh khóc, ông Nguyễn Minh Cần cho biết như sau:
Ngày 29-10-1956 – mít tinh lớn tại Nhà Hát Nhân dân Hà Nội, uỷ viên BCT đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW ĐLĐVN chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ.”
“Nhân đây, xin nói rõ: một vài người viết không đúng là cuộc mít tinh tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy và ông Hồ đã đến dự và khóc trước dân chúng. Hà Nội được giao cho việc tổ chức mít tinh nên tôi biết rõ. Hồi đó, chúng tôi được giải thích: ‘Bác đến không tiện’, nhưng chúng tôi đều hiểu là ông Hồ muốn đưa ông Giáp ra ‘chịu trận’ thay mình, nên không hề có việc ông Hồ khóc trước dân chúng.
Ông Cần cũng cho biết: “…ảnh ông Hồ khóc thì tôi không biết ông khóc ở đâu? Hoặc người ta đóng lại sau này mà tôi không rõ. Cũng như chuyện ông Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 mà sau này ta thấy phổ biến một bản ghi âm và ghi hình thì tôi biết rõ đó là ông đóng lại cho người ta quay phim và ghi âm (hồi đó có người nói lại với tôi), chứ hồi năm 1945 làm gì có chuyện vừa quay phim vừa ghi âm như thế được.”
Để ý phim và hình thì khi ông Hồ khóc, phía dưới người tham dự thay vì xúc động theo ông, thật kỳ lạ họ lại vỗ tay như khán giả xem kịch vỗ tay tán thưởng!!!
 
Thắng Lợi Kinh Tế Miền Bắc Sau CCRĐ
Nếu chỉ dựa trên báo cáo thành tích hay tuyên truyền thắng lợi CCRĐ mọi người rất dễ bị lạc vào huyền thọai: sau CCRĐ nông dân miền Bắc đã có được đời sống tốt hơn xưa.
May mắn thay huyền thọai này đã bị chính ông Hồ phá vỡ. Biên bản Hội Nghị Bộ Chính Trị, Hồ Chí Minh Biên Niên Tiểu Sử, tập 8, trang 272, ông Hồ phát biểu:
Từ ngày hòa bình lập lại năm nào cũng thấy có thuận lợi, có khó khăn và năm nào cũng không đạt kế hoạch. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể phải giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho quần chúng được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá.”
Các tầng lớp địa chủ, trí thức, thương gia miền Bắc nếu không bị công sản tiêu diệt thì cũng đã di cư vào Nam. Thiếu các tầng lớp có khả năng làm ra của cải vật chất và điều hành quản lý kinh tế là lý do đầu và quan trọng nhất miền Bắc rơi vào lạc hậu và nghèo đói.
 
Sai Lầm Hay Tội Ác?
Đã 60 năm con số người bị giết và nạn nhân CCRĐ vẫn chưa được chính thức công bố.
Gần đây ông Đặng Phong, chủ biên quyển Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000, đưa ra số thống kê 172.008 người bị quy là địa chủ hay phú nông, trong đó có 26.453 người là địa chủ cường hào ác bá.
Những người bị quy là địa chủ cường hào ác bá đều bị xử tử. Như vậy ít nhất đã có 26.453 người bị xử tử.

alt

Ngòai số người tự tử chết và chết trong tù, các nhân chứng cho biết có nhiều cách xử tử khác nhau: xử bắn, xử chặt đầu, xử chấn nước đến chết, xử treo lên ngọn tre và bị đâm cho đến chết, xử chôn phần mình để lộ phần đầu đội cải cách dùng cày, cày cổ nạn nhân và nhiều lối xử “đầy sáng tạo” khác…
Ông Nguyễn Minh Cần cho biết tỷ lệ 5% dân số là địa chủ, mà Hồ Chủ Tịch đưa ra không có dựa trên một cơ sở điều tra nào cả.
Ông Cần còn cho biết ông Hồ chưa hề ký một lệnh ân xá nào. Chỉ từ sau Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô và sau hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp (từ 28.04 đến 03.05.1956), do phản ứng rất mạnh của cán bộ mới có lệnh tạm thời hõan thi hành các án tử hình.

Cũng theo ông Đặng Phong, CCRĐ đã được thực hiện ở 3.563 xã, số địa chủ đã “vựơt chỉ tiêu” lên đến 5,68% dân số miền Bắc 13.574.000 người (năm 1955). Như thế số nạn nhân thực sự lên đến trên nửa triệu.
Khi đã bị quy là thành phần địa chủ họ và thân nhân bị cô lập, bị phân biệt đối xử và bị cướp hết tài sản. Nhiều người chết vì đói, vì bị ức hiếp, bị hãm hiếp. Cho đến ngày nay con cháu họ vẫn bị kỳ thị.

Những người không thuộc thành phần địa chủ, nhưng không chấp nhận đấu tố CCRĐ đều có thể trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh tiêu diệt giai cấp địa chủ này.
Cùng lúc đảng Cộng sản đã cho tiến hành một cuộc chỉnh quân chỉnh huấn, theo báo cáo của Bộ Chính trị đến tháng 10 năm 1956 thì chỉ riêng tổng số đảng viên bị "xử trí" đã lên tới 84.000 người. Số ngươi bị giết cũng có thể lên đến hằng chục ngàn người.
Theo số liệu ông Đặng Phong đưa ra có đến 71,66% địa chủ là bị quy sai thành phần.
Quy thành phần dựa trên quan điểm đấu tranh giai cấp và sách lược chia để trị hiện vẫn còn được sử dụng. Trên thực tế, các nạn nhân CCRĐ đều không có một tấc sắt trong tay, không chống đối và đều là những người đã chấp nhận sinh sống trong khu vực Việt Minh.

Những người không chấp nhận Việt Minh đều đã bị giết hoặc đã bỏ về thành. Bởi thế hằng nửa triệu nạn nhân, hằng trăm ngàn người bị giết là một cuộc diệt chủng khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam.
 
Viết Lại Sử Việt
Rõ ràng vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm nhằm phát động CCRĐ là trọng tâm một biến cố lịch sử gây chết chóc tang thương cho tòan miền Bắc mà dư hưởng vẫn còn đến ngày nay. Điền chủ Nguyễn Thị Năm đã trở thành một nhân vật lịch sử.

Viết sử cận đại mà bỏ qua cuộc CCRĐ, thì không khác gì viết về CCRĐ mà không hiểu rõ vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay viết về tiểu sử Hồ Chí Minh mà thiếu vai trò Của Bác (C.B.) trong cuộc CCRĐ.

Các tài liệu về vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm vừa được phổ biến giúp hóa giải một số huyền thọai, làm sáng tỏ một phần quá khứ, giúp viết lại trang sử bi thương dân tộc, giúp các thế hệ hậu sinh xây dựng lại đất nước trong tình người và tránh xa những tội ác mà người đi trước như Hồ Chí Minh đã mắc phải.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
29/9/2014
Tài Liệu Tham Khảo
BBC, 2014, Đèn Cù 'giải ảo Hồ Chí Minh'
C.B., 1955, Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất, Báo Nhân Dân.
Đặng Phong, 2004, Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội, Tập 2.
Hà Hương và Ngọc Hà, 2014, Triển lãm Cải cách ruộng đất: Cần sòng phẳng với lịch sử, Tuổi Trẻ.
Hoàng Tùng, Những kỷ niệm về Bác Hồ.
Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, talawas
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, 1995, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
JB Nguyễn Hữu Vinh,2014, Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác?
Trần Đĩnh, 2014, Đèn Cù, Nhà Xuất Bản Người Việt.
Trần Huy Liệu, 2010, Trích Nhật ký Cải cách Ruộng đất, Về chuyện đấu tố bà Nguyễn Thị Năm - talawas.
Trinh Nguyễn, 2014, Lần đầu triển lãm về cải cách ruộng đất, Báo Thanh Niên Online.
Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác! ... Nửa thế kỷ trước.
Nguyễn Quang Duy, 2010, Huyền thoại và sự thực: Hồ Chí Minh trong Cải cách Ruộng đất, danchimviet.info
Nguyễn Quang Duy, 2007, Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất, talawas.
Xuân Ba, 2014 , Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan, Nguồn: Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét