Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

HỒI GIÁO IS

NGUỒN TÀI CHÁNH KHỔNG LỒ CỦA HỒI GIÁO IS
THIÊN MINH
tka23 post
Nhà nước Hồi giáo (IS, hay ISIS trước đây) hiện được coi là tổ chức khủng bố giàu có nhất trên thế giới chỉ nhờ vào những hoạt động buôn lậu, khai thác dầu mỏ, bắt cóc tống tiền và kinh doanh theo kiểu mafia.
   Ví dụ, IS kiếm được gần 12 triệu USD từ hoạt động tống tiền và thêm từ 1 - 3 triệu USD/ngày từ buôn lậu dầu thô. Một số chuyên gia cho rằng sức mạnh của IS còn vượt xa các tổ chức Hồi giáo thánh chiến khác trên thế giới.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cơ quan nghiên cứu chính sách có uy tín của Mỹ, IS đứng đầu về sở hữu “khối lượng tài nguyên và vùng lãnh thổ trong lịch sử các tổ chúc cực đoan”. Cụ thể, IS kiểm soát xấp xỉ 60% mỏ dầu ở Syria và nhiều cơ sở sản xuất dầu thô ở Iraq.
Khối tài sản dầu mỏ
Theo các chuyên gia phân tích, IS buôn lậu hơn 30.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang các vùng lãnh thổ và quốc gia lân cận với giá từ 25 - 60 USD/thùng, tùy thuộc vào số lượng người trung gian tham gia. IS cũng được cho là bán nhiều sản phẩm dầu mỏ cho bọn thương nhân trung gian ở Syria để sau đó vận chuyển đến các cơ sở lọc dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Kurdistan.
Robin Mills, Giám đốc tư vấn Công ty Quản lý và Tư vấn Manaar Energy tại Dubai và là tác giả cuốn sách "Huyền thoại về cuộc khủng hoảng dầu mỏ", cho biết việc truy bắt bọn buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp trong những vùng nằm dưới sự kiểm soát của IS là nhiệm vụ vô cùng  khó khăn. Tuy nhiên, những quốc gia tham gia vào đường dây buôn lậu dầu mỏ của IS có thể sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Thời gian qua, IS đã chiếm giữ 4 mỏ dầu nhỏ của Iraq, bao gồm: Najma, Qayara ở thành phố Mosul; Himreen và Aji ở thành phố Tikrit.
Chiến binh IS trước Đập Mosul.
Husham al-Brefkani, lãnh đạo Ủy ban Năng lượng của Hội đồng thành phố Mosul, phát biểu trước báo giới: "IS đang vận chuyển dầu thô từ mỏ dầu Najma ở Mosul đến Syria để buôn lậu sang một trong những quốc gia láng giềng của nước này. IS đang kiếm được hàng triệu USD  từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ bất hợp pháp".
Trước khi rơi vào tay chiến binh IS, mỏ dầu Qayara - ước tính trữ lượng khoảng 800 triệu thùng dầu - cung cấp 7.000 thùng dầu thô /ngày và sau đó nhà máy lọc dầu sản xuất gần 16.000 thùng dầu tinh lọc/ngày. Nhà máy lọc dầu Qayara và cơ sở thứ 2 nhỏ hơn ở Kasak, phía bắc Mosul, ngưng hoạt động sau khi toàn bộ nhân viên chạy trốn IS. Tuy nhiên, mỏ dầu Qayara vẫn tiếp tục được bơm lên sau khi IS yêu cầu các nhân viên Iraq ở lại mhà máy để duy trì sản xuất với hứa hẹn sẽ bảo vệ họ.
Theo ước tính của chuyên gia, trong nửa đầu tháng 7-2014, IS đã kiếm được khoảng 10 triệu USD từ hoạt động buôn lậu dầu thô và nhiên liệu tinh lọc. Luay Al-Khatteeb, người sáng lập Viện Năng lượng Iraq và chuyên gia khách mời của Viện Brookings, đánh giá tổng thu nhập của IS từ sản xuất dầu mỏ khoảng 2 triệu USD/ngày!
Kiểm soát nước, cây lúa mì và điện
Dầu mỏ không phải  là nguồn duy nhất đem lại sức mạnh tài chính cho IS. Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên Der Spiegel của Đức, chuyên gia phân tích Charles Lister ở Trung tâm Brookings Doha (BDC) cho biết IS đạt được những mục tiêu của chúng nhờ vào sự kiểm soát thực phẩm và các nguồn cung cấp nước. IS nổi tiếng là tổ chức cực đoan có khả năng gần như tự tài trợ cho mình  dựa vào những hoạt động phi pháp.
Nguồn tài chính của IS đến từ việc kiểm soát và buôn lậu không chỉ dầu mỏ và khí đốt mà còn cả các sản phẩm nông nghiệp như lúa, nguồn cung cấp nước và điện năng cũng như từ những thứ thuế mà bọn chúng áp đặt đối với các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chúng. IS thu về hàng triệu USD/tuần và phần lớn số tiền này được bơm vào các dịch vụ xã hội nhằm duy trì quyền lực. Sau khi chiếm cứ được miền Bắc Iraq, IS bắt đầu kiểm soát những khu vực đất canh tác rộng lớn. Hiện nay, 5 tỉnh phì nhiêu nhất của Iraq - sản xuất 40% sản lượng lúa mì của Iraq - nằm trong tay IS.
Chiến binh IS cũng cướp được khoảng 40.000 đến 50.000 tấn lúa mì trong các nông trại  ở miền Bắc Iraq. IS còn vận chuyển ít nhất 700 tấn lúa mì từ miền Tây Iraq đến Syria để xay xát và sau đó bán lại cho chính quyền  qua bên thứ 3 để củng cố nguồn tài chính. 

Nông dân thu hoạch lúa mì ở làng Albu Efan, thành phố Falluja.
IS cũng làm giàu từ sự kiểm soát các nguồn nước và nhà máy thủy điện. Sức mạnh và tham vọng của IS lộ rõ khi bọn chúng nắm quyền kiểm soát nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như là đập thủy điện
 Tabqa lớn nhất Syria cũng như đập Mosul của Iraq. Đập Tabqa - sản xuất điện cho thành phố Aleppo của Syria và vùng phụ cận mang về nguồn thu nhập ổn định cho IS - theo ông Ariel I. Ahram,  giáo sư Đại học Công nghệ Virginia. Và, để đập Tabqa được hoạt động tiếp tục, chiến binh IS bảo đảm an ninh cho nhân viên ở đây.
Tổ chức cực đoan hoạt động như mafia
Theo Ahram,
IS đánh thuế vào mọi thứ có thể được như là xe tải chở hàng và các tháp điện thoại di động. Các chủ cửa hàng bán lẻ đều phải nộp 20 USD vào mỗi 2 tháng cho chiến binh IS để đổi lấy dịch vụ công cộng và an ninh. Colin Clarke, nhà khoa học chính trị ở Rand Corporation, IS hoạt động tương tự như tổ chức tội phạm "vì  quyền lợi" mafia và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có tiền. Bắt cóc người nước ngoài đòi tiền chuộc, đặc biệt là nguồn lợi béo bở củng cố tài lực cho IS. Ví dụ, IS đòi 123 triệu USD tiền chuộc nhà báo Mỹ James Foley trước khi người này bị hành hình.
Ngoài ra, IS đặt ra món tiền chuộc 6,6 triệu USD cho một nhân viên cứu trợ người Mỹ mà chúng bắt cóc ở Syria. Sau khi chiếm được nhiều vùng đất của Syria và Iraq, IS cũng nhanh chóng nhận ra nguồn lợi không nhỏ từ thị trường  cổ vật. Khi di chuyển vào miền Đông Syria vào cuối năm 2012, chiến binh Hồi giáo đã cướp bóc cổ vật lịch sử để thu lợi bất chính.
Ngoài ra, IS cũng biết sử dụng các kỷ thuật  mới và mạng truyền thông xã hội để tìm kiếm những người nước ngoài ủng hộ tài chính cho tổ chức. Những khoản tiền huy động được từ những người ủng hộ IS sẽ được gửi thông qua Internet và sau đó tiền mặt được chuyển đến những vùng chiến sự. IS còn xuất bản ấn phẩm gọi là Al-Naba (tiếng Anh là The News) nhằm cung cấp thông tin về các chiến dịch đặc biệt cho những người đóng góp tiền bạc cho tổ chức, trong khi đó trang Twitter được sử dụng để cập nhật những hình ảnh về phương tiện  cũng như vùng lãnh thổ mà tổ chức cực đoan hiện đang kiểm soát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét