Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

ĐÊM DÀY LẤP LÁNH

“Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu”

Tôi xin được mở đầu bài viết này bằng hai đoạn trong “Bài thơ về hạnh phúc” của nhà thơ Bùi Minh Quốc:
… Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
… Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
Trong kho tàng thi ca Việt Nam hiện đại có ba bài thơ khóc vợ thật hay, đó là: “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Núi Đôi” của Vũ Cao và “Bài thơ về hạnh phúc” của Bùi Minh Quốc. Mỗi bài có cái hay riêng, tôi không đủ trình độ bình luận mà chỉ xin nói về một điểm khác, hay là hơn, của bài “Bài thơ về hạnh phúc” so với hai bài kia.
Người bạn đời ra đi để lại trong Hữu Loan nỗi nhớ của những “chiều không hết”:
“Chiều hành quân
Qua những đồi sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt”
Nỗi nhớ người chiến sỹ đồng đội của Vũ Cao bật lên thành tiếng gọi:
“Nhờ nhau anh gọi em đồng chí”
Thành sự ngưỡng vọng:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.
Với Bùi Minh Quốc sau nỗi nhớ về “cái mùa mưa đói quay đói quắt“, về “ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi” là lời hứa:
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Bài viết này bàn về lời hứa của Bùi Minh Quốc (BMQ).
*
Dương thị Xuân Quý (DTXQ) đã ngã xuống cho tình yêu sự tưởng vọng về một đất nước thống nhất. Thì đất nước đã thống nhất rồi. Nhưng, cao hơn sự thống nhất, phải là sự toàn vẹn. DTXQ chưa kịp biết điều này để mà yêu sự dấn thân cho sự nghiệp đó đối với đất nước. Cho nên BMQ lại phải hơn một lần dấn thân để “yêu trọn”.
Và, nhà thơ đã viết “Thơ dâng”:
Tôi ngước mắt vọng trời
Trời rựng máu
Hoàng Sa
Trường Sa
Tôi cúi đầu tìm đất
Đất ứa lệ
Hoàng Sa
Trường Sa
Tôi vây giữa ngàn thông ngàn hoa
Gốc thông nào cũng khắc
Hoàng Sa
Trường Sa
Cánh hoa nào cũng nhắc
Hoàng Sa
Trường Sa
Kìa vụt hiện ngọc ngà
Người mẫu
Em lớn từ lệ máu
Hoàng Sa
Trường Sa
……
Tôi không hiểu đoạn 4 này lắm nhưng đọc lên tôi láng máng nghĩ đến DTXQ, bởi vi đề tựa bài thơ, BMQ đã viết: “Kính dâng anh linh các liệt sĩ vì Tổ Quốc đã bỏ mình trong lòng đất lòng biển…”.
Cả tính mạng của người vợ yêu thương cùng với “Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt”(1) cho sự nghiệp thống nhất đất nước, cho nên hơn ai hết BMQ thấm nỗi đau khôn xiết nếu bị người ta “xẻo” mất Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì, nỗi đau đất nước không toàn vẹn còn kinh khủng hơn nỗi đau chia cắt biết bao nhiêu.
Nỗi đau ấy khiến BMQ, hơn ai hết, đã tỉnh táo chỉ ra thật rạch ròi cái bọn giặc thù nguy hiểm hơn mọi giặc thù:
Trước hết phải vạch ra cho cụ thể, dứt khoát: trong “các thế lực thù địch” hiện nay, thì thế lực nào là nguy hiểm nhất?Câu trả lời đã rõ như ban ngày: đó là thế lực bành trướng hiện đại trong giới cầm quyền Trung Quốc, chứ không phải những thế lực từ phương tây hay từ cộng đồng người Việt hải ngoại” (2).
Không phải chúng chỉ chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và xâm lấn biên giới, mà theo BMQ, “Chúng đã và đang tạo ra sự “tự diễn biến” trong nội bộ dân tộc ta, trước hết là nội bộ Đảng ta” (2).Cả hệ thống tuyên giáo của Đảng ngày đêm, năm tháng ra rả hô hóan chống “diễn biến hòa bình” từ Mỹ và Phương Tây, BMQ tinh tường hơn khi xác định rằng:
Tính chất đặc biệt nguy hiểm trong âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc đối với nước ta chính là ở đấy: bành trướng thông qua mối quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền. Và tính chất đặc biệt nguy hiểm này chưa bao giờ được đề cập, được làm rõ trong công tác lý luận và tư tưởng, thậm chí còn cố tình lờ đi. Chính nhờ mối quan hệ giữa hai Đảng mà bọn Trần Ích Tắc, bọn Lê Chiêu Thống hiện đại thẻ-đỏ-tim-đen mới ẩn náu lâu đến thế, sâu đến thế trong bộ máy cầm quyền, và bọn này đã từ trong bóng tối ung dung thực hiện mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” một cách “chính thống”” (2).
Hẳn là BMQ không hề/không dám hàm hồ khi vạch mặt “bọn Trần Ích Tắc, bọn Lê Chiêu Thống hiện đại thẻ-đỏ-tim-đen mới ẩn náu lâu đến thế, sâu đến thế trong bộ máy cầm quyền”, bởi vì ông đã “bắt được quả tang”:
Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng lại không phải là tờ báo thể hiện được vai trò tiền phong gương mẫu trong nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, mở miệng/thông tin nói sự thật, chống bành trướng, chống nội xâm, thực hành dân chủ. Tổng biên tập Báo điện tử ĐCSVN Đào Duy Quát đưa tin (vô tình hay cố ý?) có lợi cho thế lực bành trướng, phương hại đến việc khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia nhưng chỉ bị cảnh cáo trong khi đáng lẽ phải khai trừ cách chức ngay lập tức, một kiểu xử lý rất hữu khuynh nếu không nói là biểu hiện của thái độ chư hầu. Mà rõ là một kiểu tự bày tỏ tư cách chư hầu rồi chứ còn gì nữa, khi mà vào dịp kỷ niệm 30 năm giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng (7.1.1979 – 7.1.2009), chiến thắng giặc bành trướng xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc (17.2.1979 – 17.2.2009), báo chí im tịt không một dòng tưởng niệm các liệt sĩ. Không thể lấy việc cần phải mềm dẻo giữ tình giao hảo giữa hai quốc gia để biện minh cho một thái độ vô cảm bạc bẽo đối với xương máu của chiến sĩ và đồng bào trong quá khứ như thế” (3).
Bởi vì ông đã phải trừng mắt lên trước cái cảnh:
Thanh niên, sinh viên, nhà báo, văn nghệ sĩ đi biểu tình trật tự ôn hòa trên đường phố và trước đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Trung Quốc để trực tiếp khẳng định với đối phương Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam thì bị đàn áp thô bạo – bị quật xuống đường, bị bóp cổ, bị còng tay, rồi công an lôi về phường sách nhiễu, không từ cả đến các cựu chiến binh cao tuổi chỉ đứng bên hè hoan nghênh ủng hộ, mọi người phải phẫn nộ hỏi những người lính ăn lương từ tiền thuế của dân để làm nhiệm vụ bảo vệ dân: “Các anh có còn là người Việt Nam nữa hay không?”. Có nhà báo bị đưa ra tòa với một màn xử ngụy trang vụng về gượng gạo bằng khép tội trốn thuế. Phải chăng những người ngồi ghế xét xử đã “tự diễn biến” thành công cụ cho thế lực vong bản bên trong và bành trướng bên ngoài?” (3).
Bởi vì, ông đã từng nghe Phan Đắc Lữ – một người tham gia kháng chiến từ lúc 16 tuổi, thuộc dòng họ Phan ở Bảo An, Gò Nổi, Quảng Nam, bà con gần gũi với các nhân vật yêu nước, cách mạng, và cán bộ cao cấp Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Diễn… – phàn nàn rằng tập thơ “Bốn mùa tôi” của nhà thơ này bị nhà xuất bản Hội Nhà văn cắt sửa một cách thật vong bản trắng trợn những đoạn nói đến sự toàn vẹn giang sơn như:
Tổ Quốc ta nơi nào cũng đẹp
Từ ải Nam Quan đến Cà Mau
Sông là máu đừng đem mua bán
Núi là xương đừng lấy đổi trao
Cho nên BMQ đã từng nêu những kiến nghị thật chí lý:
1/-Trong nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình, phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc, phải chống triệt để, thường xuyên và lâu dài trên tất cả mọi mặt nhưng trước hết phải tập trung chống thủ đoạn chiến lược diễn biến hòa bình thông qua mối quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền.
2/-Vận động toàn Đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo Đảng phải tiến hành ngay việc xem xét lại một cách căn bản mối quan hệ giữa Đảng ta và đảng Cộng sản Trung Quốc (theo tôi, thực tế lịch sử đã cho thấy đó là mối quan hệ giúp một hại mười, sự giúp đỡ là của nhân dân Trung Quốc, chúng ta đời đời ghi ơn, nhưng thế lực bành trướng luôn lợi dụng sự giúp đỡ đó để thực hiện mưu đồ bành trướng). Trong khi chờ đợi cơ quan lãnh đạo bắt tay vào việc thì toàn Đảng toàn dân phát huy tinh thần làm chủ, tích cực chủ động tiến hành xem xét lại mối quan hệ đó, đặc biệt là các bậc lão thành, các nhân chứng lịch sử cần nghiêm túc chấp hành chủ trương “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” mà Đảng khởi xướng từ đại hội 6, nói cho toàn Đảng toàn dân biết những sự thật bấy lâu bị bưng bít như lão thành cách mạng Hoàng Tùng đã nói (nhưng cũng chỉ mới nói được một phần nhỏ)” (3).
Đất nước không chỉ cần thống nhất mà lãnh thổ phải toàn vẹn. Thế vẫn chưa đủ, tình “yêu trọn” của BMQ còn đòi hỏi nhân dân phải được hưởng tự do, dân chủ.
Vậy mà ông cay đắng nhận thấy:
Tôi, người may mắn sống sót sau những hy sinh của Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong cùng hàng triệu đồng bào đồng chí của tôi, từ 1975 trở đi càng ngày càng thấy nhân dân tôi đã lâm vào một bi kịch thê thảm nhất, cay đắng nhất, quái gở nhất: vì độc lập tự do mà cuồng nhiệt tự nguyện dốc cả sông máu núi xương để rồi “tự do” tự nguyện choàng lên cổ mình một cái ách nô lệ “vàng son” mang tên là sự lãnh đạo của Đảng, mà thực chất chỉ là sự cai trị độc đoán của hơn một trăm Ủy viên Trung ương, thậm chí chủ yếu là mười mấy Ủy viên Bộ Chính trị” (4).
Hy sinh cả tính mạng của vợ mình, cả tuổi xuân của mình để đất nước thóat vòng nô lệ ngoại bang nhưng thực tế cho thấy dân tộc lại đang phải gánh chịu một cái ách nô lệ còn nặng nề hơn:
Nô lệ đến mức người ta bảo bỏ phiếu cho ai là ngoan ngoãn bỏ cho người ấy, chẳng biết người ấy tốt xấu thế nào.
Nô lệ đến mức muốn nói điều mình nghĩ, mình thấy, mình biết cũng không báo nào đăng cho, cỡ như cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn mà cũng không được đăng trọn vẹn.
Nô lệ đến mức người ta áp đặt cái đường lối sai lầm dựa trên một kiểu lý luận nói lấy được (chữ dùng của tướng Trần Độ) là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng không biết mà cãi, hoặc biết mà không dám cãi, hoặc muốn cãi thì cũng không có diễn đàn mà cãi
” (4).
Cho nên ông khẳng định rằng:
Đối với đất nước ta hiện nay, muốn tiến kịp thời đại, trước hết là phải gấp rút thoát ra khỏi sự tụt hậu về chính trị. Hệ thống chính trị lạc hậu hiện nay là trở lực lớn nhất cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của đất nước…”(4).
Ông mô tả cái xã hội- chính trị này bằng thành ngữ dân gian:
Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, Doanh nghiệp nhà nước ngửa tay, Công ty hữu hạn ngoặc tay, Công an còng tay, Tội phạm bắt tay, Báo chí chùn tay, Trí thức phẩy tay, Đồng đội cụt tay, Quan chức đầy tay, Dân trắng tay” (4).
Hơn một lần BMQ quằn quại thét lên và khấn vái hương hồn các liệt sỹ:
Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng. Nhục quá! Nhục đến nỗi đến bữa quên ăn nửa đêm vỗ gối (con cúi xin Đức Thánh Trần cho con mượn lời này để bày tỏ nỗi lòng)” (4).
Thơ ông cũng thét lên tự trái tim ứa máu:
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này
Cay đắng thay
Một đời, một cõi nhân sinh
Thẳng lưng dẫu chạm thiên đình chẳng sao
Bùn nhơ tự chín tầng cao
Ngẩng đầu là thấy thiên tào mặt mo
Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?
…Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
…Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản
Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do?
…Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thế thôi! Thơ
Với cường quyền
Ðối mặt
Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Ðang thét đòi món nợ: Tự Do!
Bài thơ Tháng Tám
Có lúc ông không “thét”, chỉ ngâm vịnh thôi mà nghe vẫn cay đắng thay/mỉa mai thay
Tái thế nay ngồi núi Tản coi
Nước non thành cỗ chúng say cười
Quốc doanh đầy tớ chen nhau cuốc
Sưu dịch chủ làm chủ áo tơi
Ải Bắc lìa đau hồn tổ phụ
Biển Đông cắt nhẹm cháu con chơi
Ứa gan mà ngó bao hèn sĩ
Nhắm mắt đang đua múa bút bồi .
Họa bài “Vịnh bức địa đồ rách” của cụ Tản Đà
Một bạn đọc ký tên L.Hm.T đã phát biểu như sau khi đọc thơ Bùi Minh Quốc:
Những cách hành thơ của Bùi Minh Quốc, con người và cá tính dám nói lên tính “nhân dân thực sự” trong mình. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Nghĩa là, một bài thơ ra đời, không phải để thỏa mãn cho cái yêu nghệ thuật mình, mà nó còn xuất phát từ nỗi “đau đời”. Thơ ông, tác phẩm ông, những chữ trong thơ của ông xuất phát từ hơi thở của dân tộc, kể cả khi nó trở nên gấp gáp… Đó là điểm khác biệt ông với đa số nhà văn nhà thơ hiện nay.
Và vì thơ ông đi cùng nhịp điệu lên xuống của cuộc sống nên đã làm cho đời thuờng Bùi Minh Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn ở những vần thơ như vậy. Nhưng điều đó làm nên ở ông một nhà thơ thực sự trong nền thi ca nhân dân Việt Nam. Điều đó giải nghĩa rộng ra, nghĩa là, ông đã đi cùng nhân dân, nói cùng nhân dân, và được nhân dân cảm thơ bằng cả tấm lòng…” (5).
Bùi Minh Quốc không chỉ thét lên bằng thơ, không chỉ kháng nghị, khuyến cáo, ông đã từng xuống đường đi đòi tự do.
Cuối đông 1988 ông cùng nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện một chuyến đi xuyên Việt, từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, qua các tỉnh Miền Trung, ra Hà Nội nhằm vận động trí thức, văn nghệ sĩ đấu tranh với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi tự do báo chí và tự do xuất bản. Trong vòng 1 tháng 14 ngày, hai nhà văn-chiến sỹ đã đi hơn 6.000 cây số, thu thập được 118 chữ ký của giới văn nghệ ở các địa phương vào bản đòi tự do báo chí và tự do xuất bản.
(Lịch sử có thêm điều thú vị là số chữ ký này vừa đúng băng số chữ ký của 118 người tiên phong ký tên vào Bản Tuyên ngôn Dân chủ của Khối 8406).
Sau vụ này, tháng 6-1989, cũng như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự bị cách chức và khai trừ Đảng. Cả hai còn là những nạn nhân đầu tiên của Nghị định quản chế hành chính 31/CP, thời hạn 2 năm!
Trong bức thư viết từ Quảng Ngãi đề ngày 4 tháng 8-1989 gửi ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhà thơ Thanh Thảo viết: “Những lời nói thẳng, than ôi, từ xưa nay vẫn thường mang tai họa cho người nói, nhưng cũng từ xưa nay, những kẻ sĩ có lương tri, những nhà văn chân chính vẫn tiếp tục cất lên những lời nói thẳng, dù biết tai họa có thể đến với mình. Quý ông đã khai trừ và cách chức về Đảng và hành chính với hai anh Quốc, Cự, nhưng không ai có thể khai trừ những bài thơ của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) ra khỏi lòng yêu mến, quý trọng của nhân dân, của người đọc. Không ai có thể cách chức cái thiên chức cao cả của người nghệ sĩ là đấu tranh cho cái thiện, cái đẹp, và chống quyết liệt cái xấu, cái ác dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi viết thư này để bày tỏ lòng cảm phục và tình đoàn kết với hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự”.
Từ Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 1998 tôi cũng đã úy lạo các dũng sỹ Lang Biang:
“Đã nhận được thư đề ngày 19.4.98 của Quốc. Nếu không có mấy dòng viết tay ghi thêm ở cuối thư thì mình cũng không cần chuyển bức thư Quốc gửi M.V.Kháng và H.Tiến đính kèm vì Tướng Trần Độ đã cho mình một bản sao thư đó cách đây ít lâu. Quốc có dặn mình đính chính trong bài viết là Quốc bị tù tại phường chứ không phải là tù tại gia. Điều đó không làm được vì bài viết đã lên Internet và đã in trên hầu hết báo tiếng Việt ở hải ngoại. Vả chăng, chẳng cần làm việc đó. Cái nhầm ấy chỉ là rất nhỏ so với cái sai của việc ban hành Nghị định 31/CP. Càng sai lầm khi vận dụng nó vào trường hợp của Quốc và Cự. Mình đã phản đối trực tiếp vấn đề này với Khổng Minh Dụ và Hoàng Phước Thuận hôm đối đáp thẩm vấn ở Bình Phước và ở Sài gòn. Sau đó, anh Phạm Vũ Sơn, tướng Trần Độ cũng đã lên tiếng bằng văn bản. Sắp tới sẽ là bài viết của cựu bí thư Thành ủy Hải phòng Hoàng Hữu Nhân. Quốc nên viết thư cho ông Hoàng Hữu Nhân. Hôm mình cho ông Nhân đọc bài của mình, ông ấy hỏi về Quốc. Mình đưa ông ấy xem thư Quốc gửi mình, gửi Kháng và Tiến, ông ấy bật khóc khi trao đổi với mình qua điện thoại.
Quốc cũng như Cự và Tụ hãy đinh ninh rằng các bạn được không chỉ trí thức trong và ngoài nước, mà cả các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng yêu thương quý mến”.
*
Bài viết hồi tháng tư mới đây từ Đà Lạt mới càng sôi động biết bao nhiêu cái tình “yêu trọn” của BMQ:
“Ôi nhân dân, Người ẩn chứa những gì
Mà bao năm mòn gót còng lưng trước công đường của Đảng?
Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng
Ngồi dửng dưng sau từng núi đơn từ
Ôi nhân dân nhẫn nhục đến bao giờ?
Xiềng xích nào trong đầu Người trói buộc?
Nỗi nhẫn nhục nuôi béo bầy bạch tuộc
Trăm vòi đang hút kiệt nước non này
… Những con người tự giải phóng mình để góp phần đẩy mạnh công cuộc giải phóng xã hội như Kim Ngọc, như Võ Văn Kiệt ngày càng đông đảo. Ngày càng đông đảo những người Việt Nam tự giải phóng khỏi nỗi sợ trước ách kìm kẹp của bọn tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm vua quan cách mạng (trong đó có bọn lì lợm bám giữ ngai ghế bằng cách cam tâm ngấm ngầm làm tay sai cho thế lực bành trướng). Dựa chắc vào các chủ trương đúng đắn, các điều khoản đúng đắn của Hiến Pháp và pháp luật, tiến hành công khai và hợp pháp, trầm tĩnh và ôn hòa, kiên quyết và kiên trì, sự nghiệp tự giải phóng nhất định phát triển không gì ngăn cản nổi.
Ngày càng đông đảo, những con người Việt Nam kết chặt cùng nhau chống nội xâm chống bành trướng, ngày ngày cùng nhau cất tiếng hát vang:
Giải phóng Việt Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước!” (6)
Nhà thơ-chiến sỹ Bùi Minh Quốc không chỉ thét lên bằng thơ, không chỉ xuống đường, ông đang rúc kèn xung trận.
Rút trong tập “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét