Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

THÀ ĐỪNG TẾT

Thà đừng có Tết

Nếu tết ngày xưa là một dịp đầu năm mới để mọi người cùng nhau gặp mặt cung chúc những lời tốt đẹp cho nhau về một năm mới an lành thì Tết ngày nay như là một vấn nạn xã hội với nhiều hình thức, văn hóa và phong tục mới do chính người Việt tạo nên.
 Cali Today News - Mười năm đón Tết tha phương ở xứ người, tôi không ngừng khao khát một lần được về quê hương hưởng trọn niềm vui đón Tết sum vầy bên gia đình và người thân. Ấy vậy mà Tết năm nay, chưa kịp thổ lộ nỗi niềm đón xuân tha phương của mình với người thân nơi quê nhà thì tôi lại được nghe họ than thở về Tết. Thậm chí có người còn mong “Thà đừng có Tết”.
 
Tết là phải nhậu
 
Chẳng biết từ khi nào mà văn hóa nhậu được xem như là việc không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. tết dường như là dịp để nhà nhà người người tụ tập ăn nhậu. Phải nói là văn hóa nhậu của người Việt thời nay vào mỗi dịp Tết thật khó từ chối. “Rượu bất khả ép, ép bất khả từ, mà từ từ sẽ phải chết”. Tết ngày xưa đi đến nhà nào cũng thấy trà bánh còn Tết ngày nay đi đến nhà nào cũng thấy bia rượu chất đầy. Đầu năm mới gặp nhau, nâng ly rượu mừng xuân như là một nét văn hóa đẹp của Tết ngày xưa thì giờ đây đầu năm mới gặp nhau phải nhậu “không say không về” là một nét văn hóa đón chào năm mới. Uống ít thì bị nói, không uống thì bị rầy, từ chối thì bị phán “đầu năm đầu tháng mày như thế là không nhiệt tình” hay “mày làm vậy là coi thường nhau nhé”. Ngày đầu năm mới gặp mặt nhau là phải uống cạn ly, uống không say không về, vậy mới được gọi là chân tình, là tình thân ngày đầu xuân.
 
Thật sự đầu năm mới mà ai bị ép buộc nghe những câu nói như vậy cũng cảm giác rất nản và rất khó chịu. Một mối quan hệ bạn bè hay một mối quan hệ xã hội cũng không thể hơn thua hay đánh giá bởi ly rượu ngày đầu năm. Người khác đã cảm thấy không muốn uống nữa, hà cớ gì phải ép bằng được để lấy làm vui ngày đầu năm? Mà cũng vì bia rượu, vì văn hóa “nhậu”, mà những năm gần đây, số lượng tai nạn giao thông cũng như người chết vì hỗn chiến, đánh nhau vào mỗi dịp Tết ở Việt Nam ngày một tăng lên một cách đáng kể.
Ngày xưa, mỗi năm dịp Tết xuân về, “nâng ly chúc mừng năm mới” như một nét văn hóa truyền thống đẹp của người Việt thì ngày nay, Tết đến xuân về là dịp để nhậu đến chết. Đó có lẽ là hệ quả của một nền văn hóa mang năng hình thức xã giao bằng bia rượu. Tết cổ truyền đã không còn mang nét văn hóa đặc trưng đáng quý của người Việt như ngày xưa. Tết ngày xưa là nâng một ly rượuuống với nhau để chúc mừng năm mới còn Tết ngày nay là phải nhậu đến say, phải uống đến chết. Thiết nghĩ việc này cần phải thay đổi để người Việt Nam được giải phóng khỏi những khổ ải của văn hoá “nhậu”.
 
Tết là để gặp nhau, để hỏi thăm và tra tấn 
 
Sau một năm trôi qua với nhiều bộn bề lo toan trong cuộc sống, người Việt thường có thói quen quan tâm thăm hỏi tới cuộc sống cá nhân của nhau mỗi khi gặp mặt vào ngày đầu năm mới. Nhưng những năm gần đây, việc gặp mặt thăm hỏi ngày đầu năm mới với nhiều người đã trở thành một việc khiếm nhã, thậm chí coi như bị tra tấn. Ngày đầu năm mới, nam thanh nữ tú tuổi đã ngoài đôi mươi, đi đâu gặp người thân họ hàng gần xa cũng bị hỏi câu: “khi nào lấy chồng, khi nào cưới vợ”. Vợ chồng đã cưới thì lại được hỏi thăm “khi nào có con”. Thanh niên trẻ tuổi phải đi làm xa quê về nhà ăn Tết thì bị tra tấn “cả năm qua đi xa nhà làm được bao nhiêu tiền, dành dụm được bao nhiêu?”. Nếu chỉ nghe thoáng qua thì những câu hỏi thăm ấy có vẻ vô hại nhưng thật ra vào ngày đầu năm mới thì những câu hỏi ấy mang lại cho người bị hỏi áp lực tâm lý và sự khó xử không nhỏ. Ví dụ như một cô gái “lỡ thì” hay vừa đánh mất tình yêu bị xoáy vào nỗi buồn trong ngày đầu năm mới. Người hiếm muộn con cái thì đành cười gượng gạo hay cậu thanh niên mới đi làm bối rối về đồng lương khởi nghiệp nơi đất khách quê người. thử hỏi ngày Tết mà thăm hỏi và tra tấn nhau bằng những câu hỏi khó trả lời như vậy thì còn đâu niềm vui ngày đầu năm mới. Nhưng khổ nỗi, với nhiều người, không hỏi những câu như thế thì họ không biết nói gì khác, hỏi những câu gì khác vào dịp Tết khi có cơ hội gặp nhau. Cách thức ấy đã thành thói quen giao tiếp hàng trăm năm của người Việt. Nhưng không phải cái gì tồn tại lâu thì được phép chấp nhận. Đặc biệt là xã hội Việt Nam đang phát triển cùng với những nét văn hóa phức tạp do chính người Việt mình tạo ra thì mỗi người cần phải chọn lọc để biết được cái gì nên và không nên làm cho ngày đầu năm mới. Cuộc sống thay đổi đòi hỏi văn hoá giao tiếp cũng cần thay đổi, nhanh hay chậm là do ý thức của mỗi người và quan trọng hơn cả là định hướng giáo dục trẻ em về giao tiếp. Tránh trường hợp vô tình làm người khác khó chịu.

Tết là phải lì xì
 
Hình thức lì xì trong giao tiếp ở bất kỳ mối quan hệ nào trong xã hội ngày nay đã chất lên vai người Việt gánh nặng vô hình. Nếu ngày xưa, vào mỗi dịp Tết, lì xì chỉ được người lớn dành cho trẻ nhỏ để mừng tuổi, để lấy lộc may mắn ngày đầu năm thì Tết ngày nay, lì xì như một phong tục trong tất cả các mối quan hệ xã hội để khẳng định bản thân và hợp thức hóa mỗi quan hệ giữa người với người. Thay vì mừng tuổi trẻ em mấy đồng tiền lẻ để lấy may mắn thì phong tục ấy lại biến thành một điều nhạy cảm khó nói. Lì xì ít tiền thì bị trách, lì xì nhiều tiền thì trở thành một gánh nặng. Con sếp thì phải được lì xì nhiều, con bạn bè, hàng xóm thì lì xì ít cũng không sao. Mà trong xã hội, người giàu kẻ nghèo đứng cạnh nhau là thường. Người không có tiền bỗng trở nên ngại ngần khi mừng tuổi con cháu nhà giàu, mừng nhiều thì quá sức và trở thành gánh nặng về tài chính, mừng ít thì dường như không phải phép với sếp. Nhiều người sau khi lì xì mừng tuổi cho con cháu người khác thì lại cân đo tính toán không biết con mình có được lì xì mừng tuổi bằng số tiền mình bỏ ra cho con cháu họ hay không? Liệu họ có hiểu rằng mình lì xì mừng tuổi cho con cháu họ là do mình kính nể họ và muốn được nhận sự giúp đỡ từ họ về lâu dài trong năm mới này không?
 
Nếu tết ngày xưa là một dịp đầu năm mới để mọi người cùng nhau gặp mặt cung chúc những lời tốt đẹp cho nhau về một năm mới an lành thì Tết ngày nay như là một vấn nạn xã hội với nhiều hình thức, văn hóa và phong tục mới do chính người Việt tạo nên. Dó có lẽ là hệ quả của một nền văn hóa xã hội mang nặng hình thức và hệ quả của lối sống đạo đức hóa phức tạp trong quá trình thay đổi phát triển của xã hội Việt Nam. Từ bao giờ, Tết đã trở nên rườm rà, nặng nề, là gánh nặng về tiền bạc, vật chất và là nỗi kinh sợ của nhiều người Việt trong nước. Phải chăng xã hội Việt Nam đang dần dần nhân cách hóa con người để họ tự làm khổ mình vào mỗi dịp Tết đến xuân về? Để rồi đây chính người Việt chúng ta lại là nạn nhân của những nét văn hóa mới trong ngày đầu năm đến mức họ phải chsan nản thốt lên “Thà đừng có Tết”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét