Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

CÁI TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM....

CÁI TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM VÀ THỜi HUYỀN SỬ DÂN TỘC

Quan sát sinh hoạt xã hội, ta thấy thờ cúng tổ tiên là sự kiện phổ biến và quan trọng trong hầu hết các gia đình và gia tộc người Việt truyền thống. Tổ tiên được người Việt thờ cúng trên một bàn thờ trang trọng trong nhà.
Cali Today News - Trong các sinh hoạt xã hội truyền thống Việt Nam, Tết Nguyên Đán được coi là quan trọng nhất.
 
Ca dao đã ghi rõ trong lịch sinh hoạt hàng năm:
 
LỊCH SINH HOẠT NÔNG NGHIỆP
Bài 1
 
Tháng giêng là tháng ăn chơi, 
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. 
Tháng ba thì đậu đã già, 
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô. 
Tháng tư đi tậu trâu bò, 
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm. 
Sớm ngày đem lúa ra ngâm, 
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra. 
Gánh đi, ta ném ruộng ta, 
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về. 
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê, 
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi. 
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi, 
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai. 
Ruộng thấp đóng một gàu dai, 
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng. 
Chờ cho lúa có đòng đòng, 
Bây giờ ta sẽ trả công cho người. 
Bao giờ cho đến tháng mười, 
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta. 
Gặt hái ta đem về nhà, 
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Bài 2
Một năm chia mười hai kỳ
Thiếp ngồi thiếp tính làm gì chả (chẳng) ra
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai rõi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.
Tháng sáu em đi buôn chè
Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô.
Chín mười cắt rạ đồng mùa
Một chạp vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn, rồi anh lại nằm.
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Chẳng thà lấy chú lực điền
Gạo bồ thóc đống, còn phiền nõi chi!
Bài 3
Tháng giêng ăn tết ở nhà 
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.
Tháng sáu thiếp đi buôn bè
Tháng bảy, tháng tám trở về trồng ngô.
Chín mười cắt rạ đồng mùa
Một chạp vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn rồi anh lại nằm
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Bài 4
"Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
Ai ai cũng vợ cũng chồng,
Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay.
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy em xay em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều,
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng. 
Đói no có thiếp có chàng…"
 
LỊCH NGHỈ NGƠI: ĂN, CHƠI
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín, chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc, bán bông
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn thành.
Hầu hết các bài ca dao trên đây đều ghi nhận:
“Tháng giêng là tháng ăn chơi,”
Hoặc:
“Tháng Giêng ăn tết ở nhà”
Điều này cho thấy người Việt từ ngàn xưa đã ĂN TẾT rất kỹ và có lẽ là thời gian ăn Tết Việt Nam dài nhất so với các nước khác trên thế giới: Ăn và Chơi hết cả tháng đầu năm! 
 
“Tháng giêng là tháng ăn chơi!”
 
Nhiều người lo lắng rằng “lấy đâu ra của cải mà ăn chơi cả một tháng?” Thế nhưng cái xã hội nông nghiệp của Việt Nam truyền thống đã thực sự có những sinh hoạt đúng như ca dao đã ghi nhận. Tại sao người Việt xưa có thể làm như vậy, người Việt ngày nay không thể tưởng tượng nổi, bởi vì nề nếp sinh hoạt và lối sống đã khác xưa về nhiều mặt đặc biệt là về nhu cầu vật chất và sự suy thoái về đời sống tinh thần.
 
Người xưa chủ trương “Tháng giêng là tháng ăn chơi” không phải là “do vô công, rỗi nghề” như một số người đã nhận định và phê phán, mà vì nghỉ ngơi, vui chơi là cần thiết để người lao động tái tạo năng lượng, sức lực…ngỏ hầu có thể tiếp tục làm việc một cách nghiêm chỉnh. Người Pháp, người Mỹ gọi thời gian nghỉ ngơi giữa hai buổi làm việc là RÉCRÉATION (Mỹ: Recreation) tức là thời gian tái tạo năng lượng đã mất trong lao động…Không có thời gian nghỉ ngơi thì người lao động sẽ uể oải, thiếu sức làm việc. Tính ra thì người Âu, Mỹ cũng dành rất nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, ăn chơi, hội hè nhảy nhót, chỉ khác Việt Nam là họ chia ra nhiều mùa trong năm (nghỉ cuối tuần/weekend; một năm có ít nhất 03 cái “long vacations” như Lễ Lao Động, Thanksgiving, Giáng Sinh…tổng cộng khoảng 60 ngày nghỉ ngơi chính thức).
 
“Tháng Giêng ăn tết ở nhà”
 
“Ăn Tết, ở nhà” tức là không ra đồng, không lên rừng, xuống biển…ngưng mọi công việc để thân thể phục hồi sức lực và tâm trí được thoải mái. “Ăn” là để bồi dưỡng thân thể, sức lực. “Chơi” nhằm làm cho tinh thần sảng khoái, nhẹ nhàng. Bởi vì tổ tiên Việt quan niệm “chơi” là một hoạt động để giải trí mục đích vui cười không nhằm sinh lợi. “Chơi” hàm ý “hưởng thụ” (enjoy) sự vui sướng, tìm lạc thú… (“Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau” /Tản Đà).
 
Suy mới biết ở đời ai cũng hớ, 
Vì tài tình nên vướng nợ phong lưu. 
Kho trời chung tiêu phí thấm vào đâu, 
Chơi là lãi dẫu chưa giầu nhưng chẳng kiết. (Nguyễn Công Trứ)
Cầm kỳ thi tửu, 
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay. 
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây, 
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó. 
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, 
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà. 
Thú xuất trần tiên vẫn là ta, 
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng! 
Thơ rằng: Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng, 
Thi hoài lạc hỹ, tửu hoài nồng. 
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung, 
Người ở thế dẫu trăm năm là mấy! 
Sách có chữ "Nhân sinh thích chí", 
Đem ngàn vàng chác lấy cuộc cười!
Chơi cho lịch mới là chơi, 
Chơi cho đài các cho người biết tay. 
Thành ngữ “như chơi” nói lên tích chất “vô vị lợi”, không “chủ tâm” của một hành động, một việc làm. “Ăn, chơi” một tháng là để bù lại cho “một năm lao nhọc”.
 
VỀ CHỮ "TẾT"
Một số sách cho rằng TẾT là do chữ "Tiết" mà ra. TIẾT là một giai đoạn trong chu trình vận hành và biến đổi của vũ trụ. Mỗi giai đoạn đều có những hiện tượng về thời giờ, khí hậu và đặc điểm sinh thái riêng.
Đông phương chia vận hành vũ trụ (trời đất) ra làm "Tứ Thời" và Bát Tiết.
TỨ THỜI: là Xuân, Hạ, Thu, Đông (Dịch kinh gọi là Tứ Tượng)
Bát Tiết:
1/ Lập Xuân
2/ Xuân Phân
3/ Lập Hạ
4/ Hạ Chí
5/ Lập Thu
6/ Thu Phân
7/ Lập Đông
8/ Đông Chí.
 
Sách Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính, mục Tứ Thời Tiết Lập viết:
“Tết Nguyên Đán. Ngày Mồng Một đầu năm gọi là Tết Nguyên Đán. Tến này ăn to hơn các Tết khác trong năm.” (Sđd, trg 34)
 
Thật vậy, bước vào tháng Chạp, mọi gia đình Việt Nam truyền thống (giàu hay nghèo) đều lo nghĩ đến chuyện ĂN TẾT. 
 
Nhà nào, nhà nấy đều rộn ràng sắm Tết...như mua tranh Tết, câu đối Tết, mua pháo, mua hương, trầm, trà rượu, vàng mã dành cho phần tâm linh, cúng quảy; nhà có trẻ con thì cha mẹ hoặc phụ huynh phải lo may áo quần, sắm giày dép mới cho chúng “diện” ba ngày Tết theo phong tục “năm mới cái gì cũng mới”.
 
Thi sĩ Bàng Bá Lân đã mô tả các thứ cần có trong ngày Tết nguyên đán của Việt Nam, như sau:
Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Nhơ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ... mình
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì...
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh" (Bài thơ về Tết của Bàng Bá Lân)
 
Đây là phong vị Tết xưa ở miền Bắc Việt Nam. Tết miền Trung có khác đôi chút, nhưng các thức chính vẫn là bánh chưng xanh, bánh tét, chả, nem, câu đối đỏ, phong pháo, mứt gừng và các loại mứt khác, hoa mai vàng, trà, rượu... Về trò chơi thì có "đánh nhứt lục" (súc sắc), Bài vụ (Bầu cua, tôm cá...), bài tới, bài chòi, cờ tướng...
Nghi thức đón năm mới, tiễn năm cũ trong truyền thống Việt Nam rất trang trọng và thiêng liêng. Người Việt luôn luôn hy vọng vào tương lai, họ cho rằng “năm cũ gian khổ, thiếu thốn, nhiều rủi ro” thì “sang năm mới sẽ khá hơn, nhiều may mắn” do đó, ngày Tết âm lịch là cơ hội để con người mơ ước và cầu chúc nhau những điều may mắn về sức khỏe, tiền tài và danh vọng.
 
Tuy nhiên, “ăn Tết” đối với các gia đình truyền thống, cơ bản là cúng tổ tiên, thần thánh. Thật vậy, nhà nào không có bàn thờ Tổ tiên, ông bà thì không thể hình dung ra ngày Tết được. Do đo, dù nghèo túng, không có nhà ở chính thức, đến ngày Tết, người ta vẫn cố gắng kiếm một cái bàn nhỏ để làm bàn thờ gia tiên, một bát nhang, hai cây đèn, hai chén nước lã, một dĩa bánh, mứt, một dĩa trái cây…
 
Những gia đình có sẵn bàn thờ gia tiên, thì lo lau chùi các bộ đồ thờ như “tam sự” (ba thứ) hoặc “ngũ sự” bằng đồng cho sáng, bóng…Lư đốt trầm, bát cắm nhang cũng phải thay cát mới…Khung gương di ảnh người quá cố, bài vị cũng được lau chùi, chỉnh trang lại… Nhà khá giả thì sơn phết lại tường, cửa, sửa lại hang rào.
 
Lễ vật để chưng trên bàn thờ cơ bản là “hương đăng, hoa quả” tức là nhang đèn, hoa và trái cây tươi. Thức ăn thì có bánh chưng, bánh dầy, chả, nem, dưa món…Trái cây thì thường có quả Dưa Đỏ (dưa hấu hoặc dưa An Tiêm)
 
TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM và NHỮNG TRANG HUYỀN SỬ
 
Bánh chưng, bánh dầy làm người ta liên tưởng đến thời huyền sử Hùng Vương thứ 6. Sau khi Phù Đổng Thiên vương phá tan giặc nhà Ân, vua muốn chọn người để truyền ngôi, nên nhân dịp đầu mùa Xuân, tập họp hai mươi người con và bảo rằng “Người nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa thì sẽ được truyền ngôi cho.” Các quan lang đều ra sức tìm kiếm món ngon, vật lạ hy vọng được chọn truyền ngôi. Người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Lèo ( chữ Hán là Tiết Liêu) người nhân hậu, rất hiếu thảo, đang lo lắng chưa biết phải làm thứ gì thì nằm mộng thấy một vị thần đến bảo: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống con người. Hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng hình trời, đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân bên trong để tượng hình công cha mẹ sinh thành.”
 
Lang Lèo đã làm theo lời thần dạy, chọn gạo nếp tốt làm bánh hình vuông để tượng hình đất, bỏ vào chõ chưng chin, gọi là Bánh Chưng, rồi giả xôi làm bánh hình tròn để tượng hình Trời, goị là bánh Dầy, còn lá bọc ngoài và nhân đậu ở trong ruột tượng hình cha mẹ.
 
Đến ngày hẹn, các quan lang đem cỗ tới trưng bày đủ thứ sơn hào, hải vị, riêng Lang Lèo chỉ có hai món đơn sơ là Bánh Chưng, Bánh Dầy…Vua Hùng lấy làm lạ, hỏi. Lang Lèo tâu lại giấc mộng và nói ý nghĩa của hai thứ bánh. Vua nếm bánh thấy ngon, khen là có ý nghĩa, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo… Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán là người dân làm bánh chưng, bánh dầy để cúng tổ tiên và Trời, Đất.
 
Về mặt kinh tế, bánh chưng, bánh dầy là những thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi: như nếp, đậu xanh, thịt lợn và gia vị… đều là những vật liệu cơ hữu, nội hóa. Ngoài ra, bánh chưng bánh dầy còn có thể để lâu, ăn dần như thực phẩm dự trữ.
 
Trái dưa đỏ trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, đưa chúng ta về huyền sử An Tiêm bị vua Hùng thứ 18 đày ra hoang đảo vì tội kiêu căng, tự cho là mình có tài năng tạo nên sự nghiệp, không phải nhờ cậy ai. Vua Hùng đày đứa con nuôi An Tiêm ra đảo Nga Sơn để xem anh ta có thể sống tự lập không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai, hay không.
 
Thuyền của An Tiêm và vợ con tấp vào một hoang đảo ngoài khơi biển Nga Sơn (Thanh Hóa). Tại cù lao cô quạnh này, vợ An Tiêm, nàng Ba vô cùng lo âu vì sợ sẽ bỏ mạng ở chốn hoang vu. An Tiêm đã bình thản nói với vợ “Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì mà phải lo.”
 
Hai vợ chồng đã ra sức trồng trọt, hái lượm để có cái ăn mà sinh tồn…Bỗng một ngày mùa Hạ, có con chim từ hướng Tây bay tới, hạ cánh xuống đậu trên một gò cát…nhã mấy cái hạt xuống…Được ít lâu, An Tiêm thấy có một loài cây thân dây xanh bò khắp mặt đất bao trùm một khu rộng lớn, ra hoa rồi kết trái to lớn. An Tiêm nói với vợ “Giống quả này tự nhiên không trồng mà mọc tức là vật trời đưa đến nuôi ta đó.” Nói xong, An Tiêm liền bổ một quả nếm thử. Trái cây này có vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen…vị ngọt, mát, mùi thơm ngon… An Tiêm liền lấy giống trồng khắp đảo…trái ra rất nhiều. Một hôm có thuyền bị bão, giạt vào đảo… người trên thuyền ăn dưa đỏ, thấy ngon, liền lấy thực phẩm đổi dưa đỏ… Tiếng đồn lan ra, các thuyền buôn đều ghé lại đảo trao đổi các thứ để lấy dưa đỏ. Thế là gia đình An Tiêm đã có lại đời sống sung túc, phong lưu.
 
Một thời gian sau, Vua Hùng sai sứ ra hoang đảo xem tình hình sinh sống cùa An Tiêm. Sứ giả tâu sự thật là gia đình An Tiêm đang sống sung túc, nhàn nhã… Nhà vua thán phục tài năng và ý chí đứa con nuôi, liền cho triệu về triều và phục chức cũ.
 
An Tiêm gọi quả dưa đỏ này là “Tây qua” (Dưa Tây) vì nhớ lại con chim mang hạt giống đến từ phương Tây. Người Hoa trên các thuyền buôn, khi ăn dưa này thường nói “Hẫu hẫu” tức “hảo hảo” có nghĩa là tốt lắm, ngon lắm…Người Việt nghe tiếng “hẫu hẫu” thành “Hấu hấu” nên gọi là dưa hấu.
Đúng ra phải gọi là dưa đỏ ruột hoặc dưa “An Tiêm” mới hợp tình…
 
Ý NGHĨA VÀ THÔNG ĐIỆP TỪ BÀN THỜ TỔ TIÊN
 
Trong phần trước, chúng ta có nói đến sự cần thiết của một cái bàn thờ tổ tiên để trong gia đình có không khí Tết truyền thống dân tộc Việt. Tại sao phải có một cái bàn thờ tổ tiên mới ra truyền thống Việt?
 
Quan sát sinh hoạt xã hội, ta thấy thờ cúng tổ tiên là sự kiện phổ biến và quan trọng trong hầu hết các gia đình và gia tộc người Việt truyền thống. Tổ tiên được người Việt thờ cúng trên một bàn thờ trang trọng trong nhà. Đối tượng được thờ cúng là những người bà con ruột thịt các thế hệ đã qua đời, cụ thể như cố tổ, ông, bà, cha, mẹ và cả chú, cô, anh chị em ruột (neo đơn không ai thờ phụng) … Thời biểu cúng trên bàn thờ trong nhà là những ngày húy nhật của những người được thờ phụng gọi là ngày giỗ hay ngày kỵ. 
 
Gọi là “KỴ” vì trên bàn thờ tổ tiên của gia đình thường có nhiều vong linh, khi giỗ một người cũng phải khấn mời tất cả vong linh cụ kỵ về hưỡng lễ, (theo Nguyễn Đăng Duy- Văn Hóa Tâm Linh/NXB Hà Nội 1996).
Theo Phan Kế Bính, “Ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, gọi là kỵ nhật. Chiều hôm trước là cúng tiên thường hôm sau mới là ngày chính kỵ. Cái giỗ xa (cụ kỵ, ông bà) thì sắm sửa con gà, ván xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu sum họp ăn uống. Còn về ngày giỗ cha mẹ, thì tục thường làm phong hơn.” (Việt Nam Phong Tục/ trg 33).

TRIẾT LÝ hay QUAN NIỆM THỜ CÚNG TỔ TIÊN
 
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam bắt nguồn từ lòng biết ơn, từ tâm cảm “uống nước nhớ nguồn” và quan niệm “cây có gốc, nước có nguồn, người có tổ” (Nhân sinh hồ Tổ, Mộc bổn, Thủy nguyên). Dân Việt ghi nhận “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển”. Đây không phải chỉ là công sinh thành, nuôi nấng mà còn ở mối quan tâm lớn lao: lo cho con trai mẫu đất cày cấy, làm nhà, cưới vợ, lo cho gái có nơi gửi thân an toàn…chưa làm được những việc này các bậc cha mẹ Việt Nam truyền thống sẽ chưa yên lòng khi nhắm mắt lìa trần… Chính vì cái tình cảm thiêng liêng này mà hầu hết con cái người Việt đã tôn kính cha mẹ khi sống và phụng thờ sau khi chết. Tình cảm này cứ truyền từ đời này qua đời khác thành một nếp sống tâm linh nội tại, chứ không do du nhập từ văn hóa khác. 
 
Tuy nhiên, khi Nho giáo vào Việt Nam qua ngỏ Trung Hoa, cái triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc…” này đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nền tảng triết lý hơn. Chữ “Hiếu, Trung” thành tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh con người: “Có trung hiếu đứng trong trời đất” (NC Trứ) … đến thời nhà Lê, việc thờ cúng tổ tiên đã được thể chế hóa. Điều 399, Quốc triều hình luật, ghi rõ “con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (ngũ đại). Điều 400 qui định “Ruộng đất hương hỏa, (cơ sở kinh tài để đài thọ cho việc thờ cúng tổ tiên), dù con cháu nghèo nàn cũng không được tự ý đem bán. Làm trái mà có người đầu cáo thì xử theo tội bất hiếu. Người trong họ mua ruộng đất ấy (thì phải trả lại), mất số tiền mua. Người ngoài mua thì phải cho chuộc lại, người mua không được cố giữ.” (Lịch triều Hiến chương Loại chí- Lễ Nghi Chí/Hình Luật Chí, trg 343.)
Ý nghĩa thiêng liêng nhất trong triết lý thờ cúng tổ tiên là sự thể hiện tâm cảm “uống nước nhớ nguồn”, biết “quay đầu về gốc”, không “vong bản”. Năm 1226, ông Lý Long Tường khi bỏ nước chạy qua Triều Tiên tỵ nạn, đã mang theo bài vị thờ tổ tiên. Sự kiện này cho thấy tâm thức gắn bó với tổ tiên và nguồn gốc.
Không mất gốc thì mới giữ được bản lĩnh để hướng tới tương lai. Không có gốc thì chỉ là thân phận của bèo trôi, bọt nổi…
 
“Nhớ về tổ tông, ông bà cha mẹ… đã sinh thành, dưỡng dục và gầy dựng cuộc đời cho mình về thể xác và linh hồn, là nếp sống đạo đức của người Việt truyền thống. Do đó, việc có một bàn thờ tổ tiên trong gia đình là đương nhiên để có nơi tỏ lòng thành kính, dâng lễ vật cúng vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Nhiều người cho biết rằng việc thực hiện cúng giỗ tổ tiên, ông bà càng thành kính, chu đáo thì lòng mình càng nhẹ nhàng vui sướng…
 
Tục thờ cúng tổ tiên đã mang ý nghĩa một tín ngưỡng độc đáo khi người Việt tin rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… đã khuất nhưng vẫn “hiện diện” để giám sát và phù hộ, che chở cho con cháu trong cuộc sống trần gian đầy khó khăn, bất trắc…
 
Sự kiện chôn theo người chết những vật dụng khi còn sống (trong phần lớn các mộ thời nguyên thủy), đốt đồ mã, vàng, bạc và tiền (âm phủ) … là biểu hiện của sự tin tưởng rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ vẫn còn có đời sống giống như ở dương gian và vẫn có ảnh hưởng, tác động đến con cháu trong cuộc sống.
 
Tục ngữ Việt có câu “Sống về mồ mã, ai sống về cả bát cơm”. Do đó, mồ mã rất quan trọng đối với người Việt Nam. Mồ mả là nơi yên nghỉ của người quá cố. Trong việc thờ cúng tổ tiên, mồ mả là một thành tố thiêng liêng không thể tách rời vì nó tồn tại từ đời này qua đời khác cùng con cháu, giòng họ. Sự tin tưởng “mả kết”, “mả phát” giúp con cháu thành đạt, hiển vinh…đã khiến cho con cháu ra sức xây dựng, tu bổ mả mồ của tổ tiên, ông bà…to, đẹp, bề thế. Trường hợp, trong gia đình, con cháu có chuyện gì không may, không tốt, một số người đã nghĩ đến chuyện “động mả, động mồ”… tức là “ông bà, cha mẹ nằm không yên…” cần phải lo lễ cáo, tạ thổ thần nơi có phần mộ…
 
Trước Tết là tháng Chạp, theo tục lệ, con cháu đi thăm mộ, đắp mộ, nhỗ cỏ, thắp nhang… và mời ông bà về ăn Tết.
 
Bàn thờ tổ tiên là một không gian thiêng liêng, nơi các vong linh tổ tiên, ông bà…”đi, về” và “canh chừng” để nhắc nhở và giúp đỡ cho con cháu trong cuộc sống dương gian. Đây là một không gian yêu thương với sự “hiện diện” vô hình của những người thân yêu trong gia đình. Bàn thờ tổ tiên biểu hiện sự tồn tục của mạch tâm linh cho thấy “quá khứ qua rồi nhưng vẫn còn đó…” nối với hiện tại và “tương lai chưa đến nhưng đã có đó rồi!”. “Quá-Hiện-Vị Lai” không tách rời nhau.
 
Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét