Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

SƯ LẤY CHỒNG, VỢ

Trào lưu lấy Sư ở Nhật
Theo Phật giáo thì làm gì có chuyện Sư lấy chồng lấy vợ.
Thậm chí ở nhiều nước thì chuyện nhà Sư yêu đương bị coi là điều phạm giới luật.
Tuy nhiên ở Nhật thì lại khác, lấy chồng Sư đang trở thành trào lưu.

alt
Các nhà Sư luôn được các cô gái chú ý tiếp cận.

Mới đây, bộ phim tình cảm “Sáng 5 tối 9” chiếu trên Đài Fuji TV với nội dung nói về mối tình thơ mộng giữa Sakuraba Junko, cô giáo tiếng Anh và nhà sư đẹp trai Hoshikawa đã gây nên sự chú ý đặc biệt. Nếu ở các quốc gia khác thì chuyện nhà sư yêu đương bị coi là điều phạm giới luật, trái lẽ thường, thì ở Nhật, các nhà sư lại là đối tượng có sức thu hút đặc biệt đối với các cô gái có ý định lấy chồng. Bởi ở Nhật, nhà sư có thể không cạo đầu, nghề nghiệp ổn định, được phép uống rượu ăn thịt, lấy vợ sinh con. Cha của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami cũng là một nhà sư.

Trên các đường phố lớn Nhật Bản, lúc nào người ta cũng có thể thấy các nhà sư mặc cà sa, lái xe phóng ào ào. Đó là lúc họ đang đi làm phật sự, hoặc có thể đến công ty. Một lúc sau, lại có thể thấy người lúc nãy mặc cà sa giờ đang khoác tay một cô gái đẹp đi dạo trong công viên. Vấn đề quan trọng nhất là nhà sư có thể lấy vợ sinh con, ăn thịt uống rượu. Chính vì môi trường hành đạo rộng rãi, phóng khoáng như thế nên ở Nhật chùa chiền được xây dựng rất nhiều, ở khắp nơi.

Chưa hết, thỉnh thoảng ở Nhật đều tổ chức thi nhà sư đẹp, thành lập cả ban giám khảo để bình chọn ra thứ bậc; xuất bản cả sách “Mỹ hòa thượng đồ giám” (Ảnh các hòa thượng đẹp) tập hợp 40 nhà sư đẹp nhất ở các địa phương. Cuốn sách ảnh này rất được ưa thích.

Mấy năm gần đây, thị trường môi giới hôn nhân ở Nhật nóng lên khác thường bởi số đàn ông, phụ nữ đã qua tuổi trưởng thành nhưng vẫn độc thân rất nhiều. Phụ nữ Nhật khi chọn đối tượng kết hôn rất coi trọng nghề nghiệp, bởi nghề nghiệp là đại diện cho thực lực kinh tế của người đàn ông. Trước đây, các chàng trai là bác sĩ, sĩ quan quân đội và công chức được các nàng theo đuổi nhiều nhất; thế nhưng nay thì các nhà sư mới là đối tượng “đắt giá” nhất bởi hiện nay vị thế các nhà sư trở nên rất cao, rất nhiều phụ nữ đơn thân tranh nhau ghi danh tham gia các cuộc giao duyên với nhà sư, gọi là “Hòa thượng liên nghị hội” với mong muốn tìm được người tâm đầu ý hợp để nên duyên vợ chồng. Điển hình như tháng 6/2013, một cuộc giao duyên như thế được tổ chức tại Niigata, 13 nhà sư trong độ tuổi từ 20 đến 40 tham gia. Điều bất ngờ là có tới hơn 20 cô gái trẻ đã đăng ký “tương thân”, kết quả 8 cô đã chọn được người tâm đầu ý hợp và quyết định tiến tới hôn nhân. Vì sao các cô gái trẻ lại trở nên say mê các nhà sư như thế? Chính các phụ nữ trẻ này đã đưa ra các lý do giải thích:

Thứ nhất, các hòa thượng đem lại cảm giác rất bao dung, yên tâm, “nhất định không có chuyện ngoại tình”, “rất đáng tin cậy”. Tuy cũng uống rượu, ăn thịt, nhưng đại đa số các nhà sư đem lại cho người ta cảm giác bình an, rất yên tâm.

Thứ hai, công việc khá ổn định, không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Các nhà sư sống trong chùa có nơi ở ổn định, công việc ổn định, có thu nhập khá cao. Cuộc sống của các nhà sư được khái quát là “hai mẫu đất, một con bò; tối tối ríu rít cùng vợ con”. “Hai mẫu đất” hàm ý các chùa chiền đều có khoảnh đất rộng, các nhà sư được phép kinh doanh đất đó bán cho người ta xây mộ, mỗi mộ địa 2-3 mét vuông có giá tới cả triệu Yên. Với số tiền bán đất và tiền công đức của khách thập phương, tín đồ, cuộc sống của đa số các gia đình sư trụ trì rất đàng hoàng. Còn “một con bò” là chỉ chiếc xe hơi dùng để đi lại làm phật sự. Các nhà sư ở chùa thành phố ai cũng có xe hơi, còn các sư ở chùa nông thôn thì thích dùng mô tô. Một số nhà sư còn “chân đạp hai con thuyền”, tức ngoài việc trụ trì chùa, làm phật sự, họ còn có thể mở công ty kinh doanh, trở thành thương gia. Thậm chí có nhà sư còn trở thành đạo diễn phim nổi tiếng.

Đại đa số các tông phái Phật giáo ở Nhật theo chế độ “thế tập”, cha truyền con nối, tức là sau khi sư trụ trì viên tịch, người kế thừa chính là con trai ông. Có nhà sư là chủ công ty bởi trước đó ông đã là kỹ sư, sau khi người cha hòa thượng qua đời, ông được kế thừa ngôi vị trụ trì, thế là ông vừa làm sư, vừa là chủ công ty. Hiện tượng này tuy không nhiều, nhưng được xã hội Nhật Bản cho phép.
alt
alt
Một nhà sư đẹp trai.

Sau nữa, lấy nhà sư vào sống trong chùa chiền, sống trong không khí yên tĩnh, thoát ly bụi trần, người ta sẽ cảm thấy thời gian như chậm lại, tâm trạng luôn thư thái, dễ chịu.

Tuy nhiên, cuộc sống khi vào chùa làm vợ nhà sư cũng không phải chỉ là an nhàn, hưởng thụ. Những phụ nữ đã làm vợ các nhà sư qua thực tế đã rút ra những điều bất cập sau: Thứ nhất, tháng Giêng và lễ Vu Lan là dịp mệt nhất, cả sư lẫn vợ đều bở hơi tai; Thứ hai, không còn bí mật riêng tư, nhất là ở các chùa thôn quê. Do sống nhờ bằng tiền nhang đèn của dân chúng nên luôn bị mọi người chú ý, luôn có cảm giác lo lắng. Sống ở chùa do người ta xây dựng, không phải là sở hữu cá nhân, thường gặp những người đến chùa coi việc vợ chồng nhà sư phải phục vụ họ là đương nhiên, đưa ra yêu cầu này nọ. Thứ ba, việc quét dọn chùa rất mệt, nhất là vào tháng Chạp vì chùa phải rất sạch để đón mọi người đến lễ. Hiện một số chùa lớn có thể thuê công nhân vệ sinh, nhưng một số chùa nhỏ thì chẳng có nhiều tiền để thuê nên việc quét dọn chùa do gia đình nhà sư đảm nhiệm. Thứ tư, quanh năm không được nghỉ. Dù không bận việc thì vợ chồng nhà sư cũng không thể bỏ chùa đi du lịch đây đó được bởi chùa luôn phải có sư làm phật sự. Không được đi nghỉ là điều khiến các bà vợ tiếc nhất. Thứ năm, thường là phải “tam đại đồng đường”. Nếu như ở Việt Nam, đây là điều thường thấy, nhưng ở Nhật Bản con cái đến tuổi trưởng thành thường không ở cùng cha mẹ; nhưng nếu ở trong chùa thì vẫn phải sống cùng nhau. Do đó nếu các cô gái lấy nhà sư là phải chăm sóc cha mẹ chồng. Chính điều này đã khiến nhiều cô gái cảm thấy đau khổ. Thứ sáu, cơ bản là không được tự do. Khi tiếp khách đến chùa phải ăn mặc, để tóc theo quy định, không được ăn mặc quá bộc lộ. Ra ngoài, mọi người đều biết đó là vợ nhà sư nên cũng phải chú ý giữ gìn lời nói, cử chỉ.

Tuy nhiên, dù có những điều than vãn trên đây, nhưng rất nhiều phụ nữ đã kết hôn với nhà sư bày tỏ họ không hề hối hận và cảm thấy rất hạnh phúc khi sát cánh cùng chồng hoạt động phật sự.

Therealtz © VietBF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét