Nước Mắt Thú Vật
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Theo tin được phổ biến bởi “Tin Tức Nhân Dân” (People’s News) của Trung
Quốc thời có một chuyện bất ngờ xảy ra ở Hong Kong, nghe có vẻ khó tin
nhưng lại có thật. Tờ “Tin Tức Thế Giới Hàng Tuần” (Weekly World News)
tường thuật rằng có một nhóm nhân công dắt một con trâu vào trong một lò
sát sinh để sửa soạn giết thịt làm bíp-tết và hầm ra-gu.
Khi họ đi tới trước cửa lò thời con vật thình lình đứng khựng lại,
không chịu tiến bước thêm nữa. Chú trâu qùy xuống bằng hai chân trước và
tuôn rơi nước mắt. Tại sao trước khi vào lò sát sinh mà một con trâu
lại có thể hay biết rằng nó sắp bị xẻ thịt. Điều này tỏ ra nó có vẻ nhậy
cảm nhiều hơn con người.
Tay đồ tể Shiu Tat-Nin kể lại chuyện đó một cách hoàn toàn xúc động:
“Khi tôi trông thấy một con vật dường như ngu đần mà lại biết khóc, cặp
mắt của nó còn lộ vẻ đầy hãi sợ và buồn khổ, tôi bỗng rùng mình!” Anh
chàng kể tiếp: “Tôi vội vàng gọi mọi người tới coi và tất cả đều ngạc
nhiên như tôi. Chúng tôi cùng xúm vào để người thì đẩy và người thì lôi
kéo chú trâu đi nhưng nó không chịu nhúc nhích, nó chỉ ngồi đó và tiếp
tục khóc!”
Chủ lò sát sinh Billy Fong nói: “Con người luôn nghĩ rằng những con vật
này không giống người, đâu biết khóc, nhưng chú trâu này quả thật đã
khóc như một đứa trẻ nít!”
Vào lúc đó có ít nhất là cả chục người khoẻ khoắn và vạm vỡ hiện diện
nhưng tất cả đều mủi lòng khi thấy chú trâu khóc. Riêng những đồ tể
thường có nhiệm vụ hàng ngày phải giết trâu bò trong lò sát sinh còn tỏ
ra xúc cảm hơn nữa, họ cũng nhỏ lệ.
Khi các tay đồ tể từ các lò sát sinh khác nghe thấy tin này họ cũng kéo
nhau chạy tới xem. Cả đám đông đều rất ngạc nhiên vì những chuyện xảy
ra trước mắt họ. Ba người đồ tể trong nhóm đó quá xúc động đến nỗi họ
tuyên bố rằng kể từ lúc này mỗi khi họ phải làm thịt các sinh vật khác
họ cũng sẽ không thể quên hình ảnh nước mắt của chú trâu này.
Kết thúc sẽ giải quyết như thế nào? Thấy cả trâu lẫn người đều nhỏ lệ
chúng ta biết rằng chú trâu sẽ không bị xẻ thịt nữa. Quả thật vậy, một
số người đã bỏ tiền ra mua chú trâu đó rồi gửi chú vào trong một ngôi
chùa Phật giáo để nơi đó quý Tăng sẽ chăm sóc nó chu đáo hơn và chú trâu
có thể an lành sống đến tận cuối đời!
Một chuyện kỳ lạ khác lại xảy ra. Sau khi có quyết định trên chú trâu
linh cảm rằng sinh mạng chú được bảo đảm, chú tự đứng dậy và đi theo họ.
Shiu Tat-NIin ngạc nhiên nói: “Tại sao một con trâu lại hiểu được những
lời nói của con người? Dù bạn có tin hay không nhưng chuyện lạ lùng này
quả có thật.” Hiển nhiên chú trâu này đã làm lay chuyển cuộc sống của
những nhân công làm việc trong lò sát sinh!
Thêm một chuyện nữa. Vào tháng 9 năm 2014 một ca sĩ đăng tải trên trang
Facebook của mình hình ảnh một chú chó con ra đời khi chó mẹ đang bị
nhốt trong lồng và đưa đến nơi lò mổ giết thịt. Hình ảnh này được chia
sẻ rất lờn trong cộng đồng và tranh luận rộng rãi trên khắp các mạng xã
hội.
Chú chó bé nhỏ mới sinh ra độ một vài ngày, được sinh ra ngay trong
chiếc lồng chật chội, mắt còn chưa mở, đang cố gắng vươn đầu ra khỏi
lồng.
Cùng với bức ảnh là những lời: “Chú chó con được sinh ra ngay trong
lồng trên những chuyến xe chở cả chó mẹ và những đồng loại khác đến lò
mổ... Ngay cả khi mới sinh ra, chó con đã không thể tự quyết định số
phận cho mình, và kể cả kẻ đã sinh ra núm ruột của mình cũng không thể
tự quyết định vận mệnh cho con chúng. Nhưng con người có thể quyết định
số phận cho chúng?”
Được
biết nguồn gốc tấm hình này xuất phát từ một trang web Trung Quốc, nơi
cộng đồng đã phát hiện và giải cứu con vật bé nhỏ đáng thương.
Cũng tại trang Facebook cá nhân của ca sĩ nói trên người ta thấy hình
ảnh hai năm trước đó về một chú khỉ bị nhốt trong lồng với cánh tay bị
thương rất nặng nhưng không được chủ nhân nó quan tâm săn sóc. Đau đớn,
chú khỉ này chỉ biết rưng rưng nước mắt. Tương tự như chú trâu bị đưa
vào lò sát sinh kể ở trên.
Lời ghi chú cạnh đó viết: “Bạn có thể không cần phải là một người thành
công, không cần phải là một người giàu có... nhưng bạn nên là một người
sống Nhân Ái, có tình thương dù là với một con vật, thì mới có lòng
Nhân Ái với con người. Và đó sẽ là Tài Sản Lớn Nhất mà bạn dành cho con
cháu mình về sau... Những đứa trẻ được sống với những hình ảnh Nhân Ái
sẽ là nền tảng để phát triển Tâm Lý - Trí Tuệ - Sáng Tạo, sống có ích
cho Xã Hội... Tích Phúc đi người làm ra chuyện này.”
Nghe những tin tức trên khiến chúng ta phải nhớ đến lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Chúng ta có thể thấy con người đánh đập thú vật một cách dã man và
dùng mạng sống của chúng cho những thí nghiệm y học. Chúng ta đã bóc lột
chúng và ăn thịt của chúng. Chúng ta nên phát triển từ tâm với thú vật.
Chúng ta không thể đếm được nỗi đau khổ của chúng và có thể một ngày
chúng ta sẽ tái sinh thành thú.
Hàng ngàn con thú, hàng triệu con thú, hàng tỷ con thú bị đem đến lò sát để lấy thịt. Đây là nỗi đau khổ khôn cùng.
Nhưng nỗi đau khổ đến cùng khi tôi nghĩ đến những phương cách giết tàn
bạo, khiến loài thú trải qua tâm lý vô cùng khủng hoảng trước khi chết
như ở trong địa ngục. Theo quan điểm Phật giáo, các con thú bình đẳng
với con người…” (The Dalai lama’s Little Book of Inner Peace)
Đối với người tại gia, Đức Phật khuyên giữ năm giới. Năm giới đó là: “không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu say sưa”. Những ai phạm năm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân, bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này.
Người phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát,
nhưng nếu không giữ ngũ giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại.
Năm giới không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát, mà còn
đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa.
Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn
thể. Không sát sinh là một trong “năm giới”
mà người Phật tử phải theo. Chúng ta không được trực tiếp giết, không
xúi bảo người giết và không tùy hỷ trong việc giết hại. Mọi chúng sinh
đều có Phật tánh như nhau.
Không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như
voi, ngựa, trâu, bò v.v… cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ,
kiến v.v… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn
cho con người và các loài. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày
mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sanh các
loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì
phải sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản. Sự giữ giới không sát
sinh nhằm mục đích bảo vệ sự công bằng. Mọi thú vật đều là những người
bạn đồng hành với chúng ta trong đại trùng dương của đời sống, và những
người bạn xấu số ấy cũng quý trọng mạng sống như chính chúng ta.
Không sát sinh thì khỏi phạm hai tội lớn sau đây: Một là giết hại các
bực Phật vị lai, vì Đức Phật nói mọi chúng sinh đều có Phật tánh như
nhau: “Tất cả chúng sinh đều là chư Phật vị lai”. Hai là giết lộn bà con
nhiều đời, ăn lầm bà con nhiều kiếp, vì trong kinh Bồ Tát Giới có nói:
“Tất cả lục đạo chúng sinh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta, đã chết đi rồi
sinh lại trong nhiều đời nhiều kiếp”.
Giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi. Từ bi là tình thương hoàn
toàn vị tha. Đây là một trong những yếu tố cốt tủy của Phật Giáo.
Giữ giới sát sinh còn tránh được nhân quả báo ứng. Nếu mỗi ngày ta đều
gieo căm hờn cho người và vật thời tích lũy lâu ngày, khối oan gia ấy to
hơn sức ta, chừng ấy ta bị nó sát hại lại. Càng tạo nghiệp sát, càng
lao mình vào đau khổ vì nợ máu sẽ phải trả bằng máu không ở kiếp này thì
cũng ở kiếp sau. Nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt.
Người giữ giới không sát sinh luôn luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa.
Nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới
không còn chiến tranh.
Năm giới nói trên chỉ là bài học thông thường không chỉ để áp dụng
riêng cho Phật tử, mà nó còn hữu ích cho tất cả mọi người nếu biết áp
dụng để có cuộc sống an vui tiến bộ. Nếu xã hội nào áp dụng triệt để năm
giới này, thì xã hội đó văn minh và gương mẫu nhất thế giới vậy.
Trong “Kinh Pháp Cú” (Dhammapada) Đức Phật từng dạy trong “Phẩm Dao Gậy”:
(Pháp Cú 129)
“Sợ thay gậy gộc, gươm đao
Sợ tay thần chết hại bao cuộc đời
Suy lòng mình ra lòng người
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.”
(Pháp Cú 130)
Sợ thay gậy gộc, gươm đao
Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời
Suy lòng mình ra lòng người
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.
Trong “Phẩm Trọng Pháp” Ngài cũng dạy rằng:
(Pháp Cú 270)
Sinh linh sát hại triền miên
Thánh hiền đâu xứng là tên của mình,
Không còn sát hại sinh linh
Thánh hiền mới thật xứng danh vô cùng.”\
Ngày nọ, khi Đức Phật vào thành Xá Vệ để trì bình thì thấy một nhóm trẻ
con cầm gậy xúm lại đập một con rắn nước. Ngài dừng lại hỏi:
- Này các con, các con đang làm gì đó?
- Bạch Ngài, chúng con đang đập một con rắn.
- Tại sao các con đập nó?
- Bạch Ngài, vì các con sợ nó cắn.
Đức Phật mở lời khuyên dạy: “Trong khi các con làm đau đớn con rắn, hãy
nghĩ đến chính các con. Hành động hung bạo này sẽ làm tổn thương đến
hạnh phúc của các con trong tương lai. Người nào muốn tìm hạnh phúc cho
mình, chớ nên đánh đập kẻ khác”.
Lời Ngài dạy ghi trong “Kinh Pháp Cú”:
(Pháp Cú 131)
Ai cầu hạnh phúc cho mình
Mà dùng dao gậy gian manh hại người
Khiến người tan nát cuộc đời,
Kiếp sau mình chẳng an vui được nào.
(Pháp Cú 132)
Ai cầu hạnh phúc cho mình
Không dùng dao gậy gian manh hại người
Không gây tổn hại cho đời,
Kiếp sau mình sẽ an vui vô cùng.
Trong “Bát Chánh Đạo” thời yếu tố thứ năm là “Chánh mạng”.
Phải sinh sống chân chính, sống đời trong sạch, nên từ bỏ sự sinh nhai
bằng một nghề nghiệp mang thiệt hại cho người và vật. Lánh xa năm nghề
nuôi mạng khả dĩ tạo nghiệp xấu là buôn bán khí giới, buôn bán nô bộc,
bán vật thực có chất say, buôn bán độc dược và giết hại súc vật, nuôi
thú vật để bán cho người ta ăn thịt hoặc làm nghề đồ tể.
Sự sát sinh cũng phải theo định luật nhân quả trong lĩnh vực tinh thần
đạo đức là “nghiệp báo”. Tại sao có người được sinh trưởng trong cung
điện nguy nga, giàu sang, vinh hiển, trí tuệ xuất chúng, đạo hạnh thanh
cao, thân hình tráng kiện. Trong khi ấy có kẻ khác lại phải sống trong
cảnh cùng đinh cơ hàn khốn khổ, tối tăm ngu muội…
Khi có một chàng thanh niên tên Subha thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, muốn tìm chân lý, đến hỏi đức Phật và ngài trả lời như sau:
“Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sinh, người thợ săn chẳng hạn, bàn
tay luôn luôn đẫm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương
tích không chút xót thương. Do tính hiếu sát ấy, nếu tái sinh trong cảnh
người, người ấy sẽ là một người “yểu”.
“Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến mạng sống
của ai, sống xa gươm đao giáo mác và các loại vũ khí, lấy lòng từ ái đối
xử với tất cả chúng sinh. Do tâm từ ái, tự chế không sát sinh ấy, nếu
tái sinh vào cảnh người, người ấy sẽ “thọ”.
“Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm
đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung hãn dữ dằn ấy nếu tái
sinh vào cảnh người, người ấy sẽ yếu đuối bệnh hoạn”.
“Nếu người kia không làm tổn thương ai khác. Do đức tính hiền lương nhu
hòa ấy nếu tái sinh làm người, người ấy sẽ cường tráng khỏe mạnh ...” (Majjhima Nikaya, Trung A Hàm)
Hơn nữa chúng ta thử tìm hiểu về khái niệm “Nghiệp” trong Phật giáo. “Nghiệp”
là những hành động, tạo tác do ba nơi “Thân, Khẩu, Ý”. Đức Phật hướng
dẫn chúng ta ý thức được sự quan trọng của nghiệp tức là “hành động” của
mình làm, vì chỉ có hành động mới là quan trọng, mới là chủ yếu.
Nghiệp có thể chia ra ba tính cách: lành là “thiện nghiệp”, dữ là “ác nghiệp”, hoặc không lành không dữ là “vô ký nghiệp”.
Lành nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương
lai. Dữ, nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương
lai.
Như vậy, chỉ có hành động, chỉ có nghiệp là quan trọng, vì chính nghiệp
mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người và chính
con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp, và khi
nghiệp đã làm rồi, thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp. Tạo
nghiệp ác không tránh khỏi ác báo.
Theo đúng giáo lý của Đức Phật, ta không thể van lơn cầu cạnh, hay hối
lộ, hoặc gian lận bằng cách nào mà thay đổi được định luật nhân quả.
Cũng không thể lẩn trốn nơi nào trên thế gian, dầu trên trời rộng mênh
mông, giữa đại dương sâu thẳm, hoặc trong thâm sơn cùng cốc mà ta tránh
khỏi hậu quả của nghiệp ác đã tạo. Không có vị Trời nào, chí đến Đức
Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp.
Ta chịu trách nhiệm về nghiệp ác của ta. Quả báo ấy có thể xảy đến tức
khắc, thường gọi là quả báo nhãn tiền, hoặc một thời gian lâu sau ngày
thực hiện điều ác mới xảy ra.
Kẻ làm điều ác thời sẽ gặp nhiều phiền muộn trong kiếp này và trong cả
kiếp sau. Kẻ ấy sẽ sinh ưu phiền và sầu khổ khi nhìn thấy kết quả xấu
của nghiệp ác do mình gây ra. Đức Phật dạy trong “Kinh Pháp Cú”:
(Pháp Cú 15)
Đau buồn ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau:
Người làm điều ác hay đâu
Buồn kia theo mãi dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác tạo thành
Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng từng lên tiếng. Lời Ngài dạy như những viên
ngọc trí tuệ giúp cho chúng ta mang lại sự thanh thản cho tâm hồn:
“Tại các nước dân chủ nơi mà nhân quyền được tôn trọng, thì quyền được
làm một con thú lại bị chà đạp một cách quá đáng. Theo nguyên lý tương
liên giữa mọi chúng sinh và hiện tượng, tất cả chúng ta đều liên đới với
nhau. Chúng ta thường dễ quên và không hề quán xét về hậu quả phát sinh
từ cung cách hành xử tiêu cực sẽ gây ra những ảnh hưởng như thế nào đến
cuộc sống của mình, trong ngắn hạn cũng như về lâu dài. Sự khai thác
quá đáng súc vật và thiên nhiên sẽ gây ra trong tương lai những tác động
vô cùng nguy hại, nhất là đối với thực phẩm và tình trạng sức khoẻ nói
chung. Nếu chịu khó suy nghĩ thêm một chút thì tất chúng ta sẽ phải hiểu
rằng thật hết sức cần thiết là phải tổ chức các hệ thống xã hội như thế
nào để có thể bảo vệ môi trường và súc vật. (“108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité”, Hoang Phong dịch.)
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét