Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

MOTHER DAY

Mother’s Day!

Khiết Châu Nguyễn huy Hùng 
http://quotespoemsmessages.com/wp-content/uploads/2015/03/best-happy-mothers-day-images-for-text-messages-1.jpg
Ngày Của Mẹ đã được thế giới công nhận từ năm 1914.

Lịch Sử Ngày Của Mẹ – The Mother’s Day

Cách đây hàng chục thế kỷ, người ta đã thờ Mẹ của các vị Thần. Chẳng hạn, cổ Hy Lạp có thờ Rhea, mẹ của vị các Thần. Cổ La Mã thờ Cybele, vị nữ thần của tạo vật. Ngày lễ kéo dài ba ngày từ 15/3 đến 18/3. Tuy nhiên ngày lễ đó không mang ý nghĩa giống với ý nghĩa như Ngày Của Mẹ hiện nay. Chỉ có ngày “Mothering Sunday” (Ngày Mẹ Sanh) hay “Mid-Lent-Sunday”, cử hành vào ngày Chủ Nhật thứ tư ở Anh Quốc là có ý nghĩa khá tương tự như Ngày Của Mẹ hiện nay.
Ở Hoa Kỳ, hàng năm cứ đến ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ nhì trong Tháng Năm, toàn quốc cử hành lễ Ngày Của Mẹ – Mother’s Day để vinh danh Ðời Làm Mẹ (Motherhood), một cuộc đời biểu hiện của lòng hy sinh và tận tụy suốt đời người mẹ cho con. Thi sĩ Hoa Kỳ Edgar Allan Poe (1809- 1849) viết cho mẹ ông bốn câu thơ như sau:
To My Mother
Because I feel that in the Heavens above
The angles whispering to one anther
Can find among their burning terms of love
None so devotional as that of Mother
Dịch là:
Kính Mẹ
Con đang cảm thấy Cõi Trên
Thiên thần thầm kiếm dâng lên nhiều từ
Yêu nào nồng cháy vô tư
Suốt đời tận tụy bằng từ Mẹ đây
(Hải bằng.HDB)
Ai đã đứng ra đấu tranh cho ngày Của Mẹ được công nhận?
Câu chuyện về một vị hiền mẫu sắp tóm trình đây không phải là một huyền thoại. Bà ta tên là Ann Reeves Jarvis sinh năm 1833 và mất năm 1905, thọ 72 tuổi. Bà Jarvis lúc 12 tuổi theo cha định cư tại West Virginia. Cha bà là Linh Mục Josiah W. Reeves.
Năm 17 tuổi, bà lập gia đình với ông Granville E. Jarvis và họ có với nhau 11 người con, nhưng chỉ còn sống được 4 cháu. Có lẽ nỗi đau khổ quá lớn lao vì mất mát 7 người con khiến bà quyết tâm lăn xả vào công tác từ thiện xã hội nhằm giúp nâng cao điều kiện vệ sinh lúc đó còn quá thấp kém đã khiến cho số tử vong ở trẻ thơ tăng rất cao.
Tới 26 tuổi, bà bắt đầu kêu gọi tất cả các bà mẹ ở Webster, Philippi, Pruntytown, Fetterman, và Grafton hội tại các nhà thờ địa phương để tổ chức thành những câu lạc bộ lấy tên là Mothers Day Work Clubs (Câu Lạc Bộ Nhật Hành của Các Bà Mẹ). Bà kêu gọi anh của bà là Bác Sĩ James Edmund Reeves và B.S. Amos Payne ở Pruntytown làm cố vấn và thuyết trình viên cho các câu lạc bộ của bà. Câu Lạc Bộ hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc những gia đình mắc bịnh lao phổi; cung cấp thuốc men cho người nghèo, và sữa cho trẻ em đã được khám bịnh.
http://jaspercare.com/wp-content/uploads/2015/04/ann-jarvis.jpg
Năm 1961, e rằng Cuộc Nội Chiến Mỹ Châu (1861- 1865) bùng nổ sẽ làm tê liệt các hoạt động của Câu Lạc Bộ Nhật Hành, bà Jarvis kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp để các hội viên cùng thỏa thuận rằng dù chính kiến là Nam hay Bắc, họ vẫn duy trì tình hữu nghị (friendship) và thiện chí (good will) với nhau trong và sau cuộc chiến.
Khi bịnh sốt thương hàn (typhoid fever) và bịnh đậu mùa (measles) lan tràn trong quân lính, bà Jarvis và các Câu Lạc Bộ của bà được kêu gọi giúp đỡ, bà trả lời: “Quý vị sẽ có sự giúp đỡ. … Các hội viên chúng tôi sẽ không có sự đối sử sai trái nào. Chúng tôi bao gồm cả sắc phục Xanh (Bắc) và sắc phục Xám (Nam).” Do đó, các Câu Lạc Bộ Nhật Hành đã nhận được những tưởng lục cao quý nhất của các hai phe Nam và Bắc.
Sau Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865) để làm nhẹ những nỗi va chạm hậu chiến, một lần nữa, bà Jarvis lại được chính quyền kêu gọi giúp đỡ. Bà tập họp những hội viên tại Tòa Án Pruntytown, và đặt kế hoạch tổ chức Ngày “Mothers Friendship Day” tức Ngày Hữu Nghị Của Các Bà Mẹ tại Pruntytown có mời tất cả binh sĩ Quân Phục Xám hay Xanh và gia đình tới dự.
Một khối lượng người rất lớn đã tới tham dự. Khi chương trình bắt đầu, bà Jarvis xuất hiện trong y phục xám với một bà khác trong y phục xanh. Hai em bé gái trong tuổi mười cùng với ban nhạc trổi lên kêu gọi mọi người tập họp. Bà Jarvis trình bày mục đích của Ngày Hữu Nghị Các Bà Mẹ và yêu cầu ban nhạc hướng dẫn tất cả cùng ca bài “Way Down South in Dixies” (bài dân ca nhạc Jaz rất được ưa chuộng thời đó). Bà mặc y phục Xanh (tượng trưng Miền Bắc) kế đó yêu cầu ban nhạc hướng dẫn bà và khán giả hát bản quốc ca “The Star-Spangled Banner”. Tiếp đó là tiếng hoan hô và tiếng cười. Hai em bé gái cầm tay của bà Jarvis và của bà y phục Xanh yêu cầu họ bắt tay và ôm hôn nhau. Rồi hai bà kêu gọi mọi người cùng làm như vậy trong khi ban nhạc chơi bản “Should Auld Acquaintance Be Forgot” – Xin Hãy Quên Ði Chuyện Ngày Xửa Ngày Xưa – được lược dịch như sau:
Ngày xưa quên đi hãy nên, ngày xưa, hãy cùng đồng lòng quên hết
Hãy nên quên đi ngày xưa để tâm trí mình hoàn toàn thảnh thơi
Có nên quên đi ngày xưa? Ngày xưa có nên đồng lòng quên hết?
Hãy nên quên đi ngày xưa hàm bao nỗi buồn ngày xửa, ngày xưa
Bài này đã được biết tới tại nước ta từ trước 1945 với bài ca có tên là “Au Revoir” tức là “Tạm Biệt” thường được các em hướng đạo hát. Lời của bài “Tạm Biệt” ngày trước không còn nhớ trọn vẹn. Bây giờ xin đặt lời mới như sau:
Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ, lòng càng lưu luyến
Nắm tay ta hãy cùng nhau hòa ca hát bài tạm biệt từ đây
Trước khi chia tay rời xa, cầm tay chúc nhau mọi điều như ý
Chúc nhau gia quyến bình an và mong có ngày lại được gặp nhau
Vào lúc bài “Xin Hãy Quên Ði Chuyện Ngày Xửa Ngày Xưa” kết thúc, hầu như mọi người đều khóc và bắt tay nhau.
Ngoài công việc với Câu Lạc Bộ Nhật Hành, bà Jarvis còn hoạt động tích cực cho nhà thờ. Trong hơn một phần tư thế kỷ, bà dạy các trẻ em học và đã nhìn thấy chúng trưởng thành và lại tiếp tục đem các con của họ đến lớp học của bà. Bà không những là một giáo chức ngoại hạng mà còn là diễn giả tài ba. Nhiều lần bà giảng thuyết trong các nhà thờ có thính giả rất đông về các đề tài như “Giá Trị của Văn Học là Nguồn Gốc của Văn Hóa và Tinh Hoa” (The Value of Literature as a Source of Culture and Refinement) , “Sự Quan Trọng của Những Trung Tâm Giải Trí có Giám Sát cho Học Trò Nam và Nữ” (Importance of Supervised Recreational Centres for Boys and Girls), và “Những Bà Mẹ Vĩ Ðại của Kinh Thánh” (The Great Mothers of The Bible).
Bà Jarvis qua đời vào ngày 9 Tháng 5, 1905, thọ 72 tuổi, và được chôn cất tại West Laurel Hill Cemetery ở Philadelphia. Vào ngày bà an nghĩ, chuông của Andrews Methodist Episcopal Church ở Grafton đổ 72 hồi để tưởng niệm bà.
Năm 1907, vào ngày giỗ mẹ lần thứ nhì, cô con gái của bà Jarvis là Anna Jarvis thuyết phục nhà thờ của mẹ cô cử hành Ngày Của Mẹ vào Chủ Nhật thứ nhì của Tháng Năm và cô khởi sự vận động cho Ngày Của Mẹ được nhìn nhận trên toàn quốc. Sáu năm sau, năm 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson tuyên bố Chủ Nhật thứ nhì trong Tháng Năm là Ngày Của Mẹ trên toàn nước Mỹ.
Ngày nay, trên thế giới nhiều nước nhìn nhận ngày Của Mẹ như Anh, Pháp, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Ấn Ðộ, Trung Hoa, và Mexico, ngày lễ kéo dài tới hai ngày. Hoa biểu tượng cho Ngày Của Mẹ là hoa cẩm chướng (carnation): cẩm chướng màu hồng dành cho người nếu mẹ còn sống; cẩm chướng màu trắng dành cho người con nếu mẹ đã qua đời. Nhiều người Việt hải ngoại ngày nay cũng ăn mừng Ngày Của Mẹ. Con cái mua quà tặng Mẹ và đưa mẹ đi ăn tiệm.

Từ Mẹ Phát Sinh Từ Ðâu?

Khởi đầu cũng mẫu tự “mờ” (M) tạo nên
Công đức của bà Javis thật xứng đáng được ca ngợi. Nỗ lực của con gái của bà tranh đấu cho Ngày Của Mẹ được toàn quốc nhìn nhận là một nỗ lực đầy ý nghĩa. Lòng thương con thể hiện tình thương của Thượng Ðế đối với con người. Bởi vậy từ “mẹ” rất là thiêng liêng tạo một cảm giác hạnh phúc kỳ diệu nơi con người được xưng là “mẹ” và nơi con người cất tiếng gọi “mẹ”. Song, từ “Mẹ” thiêng liêng ấy đã phát sinh từ đâu? Xin quý độc giả nghe bài thơ sau đây diễn tả một ý niệm về từ “Mẹ”:
Một ngày kia …
Trời, đất đã hoàn thành
Muôn cỏ cây
Hoa lá lộng trời xanh …
Ðại dương mênh mông
Bình nguyên hiền hòa
Mẹ sinh ra …
Từ những ý niệm thăng hoa
Mẹ sinh ra …
Hiện thân của Lộng Lẫy, Bao La
Mẹ sinh ra
Của tận tụy, hiền từ
Mẹ sinh ra
Thiên thần mở hoan ca
Mẹ sinh con
Sứ mạng của Trời ban
Mẹ sinh con
Bích ngọc ý thiên đàng
Và cũng từ những bụi đục trần gian …
Con lớn lên trong tiếng ru của mẹ
Trong vòng tay che chở của cha
Con vươn lên trong sóng gió của đời
Con có thể quên
Con quên tất cả
Nhưng không thể
Không nhớ mãi những lời …
Mẹ ru con ạ ời ơi …
Mẹ đã yêu con suốt cuộc đời
Con thương, con nhớ mãi, Mẹ ơi!
(Hải Bằng.HDB)

Bà Mẹ Việt đầu tiên trong lịch sử Việt là ai?

Lịch sử nhân loại bắt nguồn từ những truyền thuyết. Truyền thuyết thường chứa những huyền thoại có tính triết lý. Người Nhật tự cho mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Người Mẹ của giống nòi Việt là Mẹ Âu Cơ xuất phát từ triết thuyết của Vòng Thái Cực âm dương giải thích sự xuất hiện của giống nòi Lạc Hồng: Mẹ thuộc dòng Tiên tên là Âu Cơ và Cha thuộc dòng Rồng tên là Lạc Long Quân. Tiên là biểu tượng của Vẻ Ðẹp tuyệt trần, Nhân Ái vô cùng, và Dịu Hiền hết sức. Rồng là biểu tượng của Uy Dũng vô song, Tự Do vô hạn, và Sáng Tạo không ngừng.
Mẹ Việt Âu Cơ sinh được 100 con trai. Một nửa theo cha xuống biển. Một nửa theo mẹ lên núi. Cả hai cùng hẹn ước với nhau rằng: hễ khi nào có nguy cơ thì báo cho nhau biết để cứu ứng. Từ đó nẩy nở dòng giống gọi là Bách Việt.
Từ thời đại các Vua Hùng dựng nước cách đây trên 4000 năm, có không biết bao nhiêu bà mẹ Việt đã sản sinh những vị hào kiệt, anh hùng, liệt nữ như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Ký Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyển Huệ, Bùi Thị Xuân, Ðoàn Thị Ðiểm, Bà Tú Xương, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc, Công Chúa Huyền Trân, v.v.
Thừa hưởng những đặc điểm “Tiên” của Mẹ Âu Cơ, nói chung lớn các bà mẹ Việt có nét đẹp, tính hiền, và tình yêu rất thánh thiện không thể tả hết được. Tuy nhiên, tâm phải có tu tập, thì sự thánh thiện mới sáng tỏ.
Người mẹ mang nặng, để đau, tận tụy chăm sóc con từ lúc mới lọt lòng và lo lắng cho con cho tới khi nhắm mắt. Xã hội có những nhân vật tài giỏi phần lớn cũng là nhờ có các bà mẹ hiền. Những ai có hạnh phúc sống bên mẹ hay đã làm mẹ sẽ thấy nhạc sĩ Y Vân nói về một số những công lao của mẹ qua bài “Lòng Mẹ” thật là tuyệt vời như sau đây:
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu
Tình mẹ âu yếm như làn gió đùa mặt hồ
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ
Thương con thao thức bao đêm trường
Con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng xiết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo, nuôi con đến ngày lớn khôn
Dù cho mưa gió không quản tháng ngày mẹ hiền
Một sương, hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm, mẹ hiền năm tháng triền miên
Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ
Một tình thương mến như là tiếng đàn, lời ca
Ngày đêm, sớm, tối, khuyên nhủ bao lời mặn mà
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa
Thương con mẹ hát câu êm đềm
Ru lòng thơ ấu, quản gì khi thức trắng đêm
Bao năm nước mắt như suối nguồn
Chảy vào tim con, mái tóc trót đành đẫm sương
Dù cho ai vắng trên đường sớm chiều về đâu
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mà
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu

Hình ảnh của các bà mẹ Việt hôm nay thế nào?

Hình ảnh của các bà mẹ Việt hôm nay, không còn là “một nắng hai sương”, không còn là “áo rách sờn vai”, và có lẽ cũng không còn có “những tiếng ru êm đềm” nữa. Người mẹ hôm nay văn minh hơn, đời sống vật chất đầy đủ hơn nhiều, nhưng ít có đủ thì giờ để chăm chút cho con, do đó tình cảm giữa mẹ con cũng không còn đậm đà như thuở trước tuy lòng thương con vẫn không hề phai giảm. Chính điều này làm cho lòng nhiều người mẹ kém an vui. Ðây là một trong những hình ảnh của các bà mẹ thời nay trong bài “Người Mẹ Hôm Nay”:
Mẹ dậy khi con còn ngủ say
Trăng đêm chênh chếch có ai hay?
Mẹ thầm sửa soạn: khi con dậy
Có sẵn cơm ngon đủ suốt ngày
Rồi mẹ rời nhà trời chửa sáng
Ðường xa, xe phóng lướt như bay
Sương đêm đọng giọt mờ khung kiếng?
Mẹ tưởng lệ nhòa, mắt mẹ cay
Bao năm quên sống nuôi con dại
Cho được nên người không kém ai
Muốn con đầy đủ, con ăn học
Ðời con là đời mẹ nối dài
Thôi hãy ngủ ngoan và mộng đẹp
Ước đời con sự học đi lên
Làm tia sáng rọi đường cho mẹ
Mát lòng nghe người nói con hiền.
http://vuonhoaphatgiao.com/uploads/noidung/images/van_hoc/sua-me-suoi-nguoi-tinh-yeu.jpg
Nhưng do đâu, các bà mẹ Việt có được tấm lòng tận tụy cho con như vây?
Có hai nguyên do căn bản. Trước hết là do từ ý Trời dành cho người nữ thiên chức làm mẹ: Trời đã gài đặt trong tâm hồn người nữ tấm lòng thương yêu tuyệt đối dành cho con còn hơn cả cho chồng nữa. Hầu như không có một người nữ nào không cảm thấy tràn ngập hạnh phúc khi thấy mình trở thành người mẹ. Thật vậy:
Con ra đời từ Nguồn Yêu của mẹ
Con chào đời nối Mạch Sống của cha
Nụ hôn đầu, cha nhẹ hôn trán bé
Vòng tay bồng, khóe mắt mẹ long lanh
Phút thiêng liêng: Sự Sống đã hoàn thành
Con tiếp nối cuộc tồn sanh bất diệt
(Hải Bằng.HDB)
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhSeydeQHmZPmBk1nocL7Y8IUNaGn92BVWstpUog0yGQMLqmE03fKpJ4JCXIsDGGqda1b-rtbrA97FA6BhM0tPq4IrQ_nA5wJLubQra1pI9KicrZ8ZKS80r6R_Qd4Jx3YqcbYFnOwtoCRk/s1600/mommy-and-baby1.jpg
Kế đến là do từ ý của con người: người mẹ phải tu tâm và thực hành những giá trị đạo đức làm người đặt trên nền tảng của chữ Thiện như thương người (ấy là Nhân), biết ơn (ấy là Nghĩa), tôn trọng (ấy là Lễ), biết phân biệt phải trái (ấy là Trí), và giữ lời hứa (ấy là Tín). Ðó chính là ý nghĩa của câu:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Nguyễn Du: Kiều)
Các bà mẹ Việt đều ít nhiều thấm nhuần lẽ Phúc Họa của Ðạo Trời, đạo của người Việt từ ngàn xưa:
Sư rằng phúc họa Ðạo Trời
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
(Nguyễn Du: Kiều, câu 2655- 56)
Thêm vào là đạo tu thân của Khổng Giáo và đạo tu tâm của Phật Giáo nên lòng thương con hết sức thâm sâu. Bà mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh hết mình cho sự sống của con như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nga ở Tân An Hội, Củ Chi, sau 1975: bà ta đã, trong 8 năm liền, lên thành phố Saigòn bán máu mỗi tháng 2 lần để có tiền mua thuốc cho con và tất nhiên chính bà ta cuối cùng cũng ngã bịnh. Nhưng ước muốn chung của các bà mẹ vẫn là con cái được đến trường học cho có tương lai sán lạn hơn bởi vì các bà mẹ nhận chân rằng “để của lại cho con không bằng để lại chữ nghĩa.” Ở Việt Nam hiện nay, số học sinh bỏ học ngày một gia tăng gấp bội khiến rất nhiều bà mẹ hết sức đau lòng.
http://www.hoasaigon.com.vn/kcfinder/upload/images/con-yeu-me-lam.jpg

Quan niệm của người xưa đối xử với mẹ như thế nào?

Mạnh Tử (Trung Hoa) viết:
Người con có hiếu thờ cha mẹ: lúc ở thì tôn kính rất mực; khi nuôi thì vui vẻ hết mực; khi bịnh thì lo lắng hết mực; khi mệt thì xót thương hết mực; khi tế thì nghiêm trang hết mực. Cho nên không yêu cha mẹ mà yêu người ngoài là trái đức; không kính cha mẹ mà kính người ngoài là trái lẽ.
Thiên Khúc Lễ có viết:
Hễ làm con thì khi đi phải cho cha mẹ biết; lúc về phải cho cha mẹ hay; chơi phải có chỗ; tập phải có nghiệp; nói năng chớ bảo mình già.
Ðức Khổng nói:
Tuổi của cha mẹ không thể không biết. Biết để mà mừng; biết để còn lo.
Tăng Tử nói:
Cha mẹ yêu thì mừng mà không quên ơn; cha mẹ ghét thì buồn mà không oán; cha mẹ có sai trái thì can mà không làm phật ý.
Thái Công nói:
Mình hiếu với cha mẹ, con mình sẽ hiếu với mình. Còn mình không hiếu, hỏi sao con hiếu được? Hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận; ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Chẳng tin, hãy xem nước mái nhà: giọt trước nhỏ sao, giọt sau nhỏ vậy.
Ca dao:
Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét