Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

INDIA TAMIL

Bí ẩn về người Tamil Ấn Độ và ngôi đền linh thiêng giữa Sài thành

GĐ&PL  12/06/2017

Vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Ấn bắt đầu di chuyển đến Sài Gòn và con đường Ohier (nay được đổi thành Tôn Thất Thiệp) xây dựng nhiều ngôi đền để cầu nguyện và thực hiện tín ngưỡng.
Hiện nay, một số ngôi đền vẫn tồn tại, không chỉ là nơi thăm viếng của cộng đồng người Ấn mà còn là nơi dừng chân của người hành hương trên khắp thế giới.
Dấu tích về người Tamil
Một chuồng nuôi chim với hàng trăm chỗ ở cho các chú chim bồ câu còn tồn tại trong một con hẻm trên đường Pasteur (quận 1), phía sau ngôi đền Sri Thenday Utthapani khiến chúng tôi hết sức tò mò. Nó trông tương đối cũ kỹ nhưng nhìn vẫn còn nguyên hình dáng của một chuồng chim lớn. Đáng tiếc là chuồng chim này đã xuống cấp và người ta phải phá bỏ đi đoạn dài hơn, chỉ còn lại phần ngang, ngắn hơn được nâng đỡ bởi một cây bồ đề.
Bi an ve nguoi Tamil An Do va ngoi den linh thieng giua Sai thanh - Anh 1
Chuồng nuôi chim được nâng đỡ bởi cây bồ đề.
“Hồi trước nó nhiều và dài lắm nhưng do sắp sập nên người ta phải đập bỏ đi”, cô Hòa, người dân sống gần đó cho biết. Cũng theo người dân sống gần khu vực, nếu có phương án bảo quản tốt, đây sẽ là chứng tích lịch sử hết sức thú vị của người Ấn tại Sài Gòn một thời.
PV hỏi những người xưa cũ ở khu vực này mới hay, đó là “công trình” của người Ấn từng sinh sống đông đúc. Họ tạo thành một khu người Ấn vô cùng nhộp nhịp. Theo đó, vào thập niên 1880, đã có lượng lớn người Tamil (Ấn Độ) bắt đầu di chuyển đến Sài Gòn và con đường Ohier (tên của đô đốc Marie Gustave Hector Ohier, người từng là Thống đốc Nam Kỳ 1868-1869, nay được đổi thành Tôn Thất Thiệp).
Xin nói thêm về người Tamil. Họ được biết đến nhiều hơn với cái tên Chettars hay Chettys ở Sài Gòn. Chính vì thế, khu vực này cũng được gọi với cái tên phố Malabars hay Chettys. Tại đây, họ làm nhiều nghề, chủ yếu là buôn bán và tạo nên làng sữa ở khu vực ngoại thành Camp des Mares (Thành Ô Ma, đường Nguyễn Thị Minh Khai – Lý Thái Tổ ngày nay).
Trong số các nghề, tai tiếng nhất chính là cho vay và cho thuê tài chính ngắn hạn. Họ được cho là chuyên cho vay nặng lãi. Một sự kiện liên quan đến câu chuyện này là vào năm 1936, trong thời kỳ khủng hoảng, chính quyền thuộc địa Pháp đã trục xuất 3 người Chettys vì cho vay nặng lãi.
Sự việc càng được hâm nóng khi tờ báo Presse Indochinoise thời ấy còn có một bức tranh biếm họa người Chettys cho vay nặng lãi, bị cáo buộc là vắt kiệt con nợ. Nhưng cũng có ý nói, họ là người có tính trung thực trong kinh doanh. Ngoài người Tamil, còn có người Ấn Hồi giáo và Bombay cũng đến từ khá sớm, tạo thành cộng đồng người Ấn nhộn nhịp ở Sài Gòn.
Trò chuyện với tường đá
Trong khi sinh sống và làm ăn tại khu vực này, người Ấn cũng đã xây dựng nên nhiều ngôi đền để cầu nguyện và thực hiện tín ngưỡng, đồng thời đây cũng là nét văn hóa độc đáo của họ. Hiện nay, một số ngôi đền thiêng này còn tồn tại và không chỉ là nơi thăm viếng của cộng đồng người Ấn mà còn của người hành hương trên khắp thế giới. Đền Sri Thenday Utthapani là biểu hiện, minh chứng của người Ấn tại Sài Gòn, hiện tọa lạc ở số 66 Tôn Thất Thiệp (quận 1).
Bi an ve nguoi Tamil An Do va ngoi den linh thieng giua Sai thanh - Anh 2
Đây là ngôi đền có từ thập niên 1920, được cho là xây dựng lại trên nền của một ngôi đền Hindu vào cuối thế kỷ 19 bởi những người Tamil đến Sài Gòn đầu tiên.
Ngôi đền này thờ thần Soupramanien là con trai của thần Shiva, nổi tiếng với các cuộc chiến mà ông đã tiến hành chống lại dưới thời của các Rishis. Ghi nhận của PV cho thấy, dù trải qua cả trăm năm nhưng mọi thứ vẫn như “mới vừa hôm qua”, khi nó được sơn, trang trí lại.
Chú Ngọc, người quản lý đền cho biết: “Tất cả còn nguyên như khi nó được xây dựng lên, duy chỉ có trang trí, sơn phết lại thôi, chứ không hề có bất cứ hoạt động xây mới nào”. Ngôi đền đầy huyền bí với những bàn thờ các vị thần. Đặc biệt, trong chính điện là tượng một vị thần được đặt rất trang trọng.
Ngoài ra, ngôi đền còn treo nhiều tranh ảnh người nổi tiếng Ấn Độ như Gandi, Tagor... không gian khiến ai bước vào cũng nghiêng mình kính cẩn. Một chi tiết khá thú vị, ngay tại sảnh bên trái, từ ngoài vào còn có một giếng cổ, rất sâu, hiện đã được rào chắn lại. Những người ở ngôi đền này cho biết, trước kia, người ở đây đều sử dụng nước này, nó rất trong và mát.
Ngoài chức năng tôn giáo, sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng người Ấn theo đạo Hindu thì ngôi đền Sri Thenday Utthapani cũng giống như một ngân hàng trung tâm cho các thành viên trong cộng đồng. Ngôi đền được những nghệ nhân từ vùng Tamil xây dựng và giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay.
Bi an ve nguoi Tamil An Do va ngoi den linh thieng giua Sai thanh - Anh 3
Nhiều người dân tìm đến đền Hindu Mariamman để cầu may.
Tuy nhiên, đền Sri Thenday Utthapani có ít khách đến thăm viếng so với đền Hindu Mariamman (45 Trương Định, quận 1) thờ thần Mariamman có hình ảnh khác là Parvathy. Tại đây, hàng ngày, rất đông khách đến viếng đền, kể cả người Ấn nói riêng và các nước khác nói chung.
Họ cho rằng, tìm đến ngôi đền sẽ được bình an, thanh thản và nhẹ nhàng, cân bằng lại cuộc sống vốn rất nhiều áp lực. Một điều khiến cho ngôi đền thưa vắng chính là do trước 1975, nó chỉ phục vụ và mở cửa cho người Ấn vào. Còn cư dân quốc gia khác, kể cả người Việt cũng không được vào.
Bi an ve nguoi Tamil An Do va ngoi den linh thieng giua Sai thanh - Anh 4
Mọi người tìm đến đền, úp mặt vào đá để cầu bình an.
Có một điều lạ lùng, rất nhiều người tìm đến ngôi đền Hindu Mariamman, ngoài thắp nhang, cúng bái, họ còn úp mặt vào tường đá ở phía sau ngôi đền để tâm sự. Một người lớn tuổi đang phục vụ tại đền giải thích rằng: “Người ta úp mặt vào tường để nói những điều không thể chia sẻ cùng ai hoặc cầu mong những điều tốt đẹp cho mình, người thân...”.
Về những phiến đá linh thiêng này, ông Vương Liêm, Trưởng ban quản lý đền cho biết: “Đá này được người Tamil cất công đưa về từ những vùng núi cao ở miền nam Ấn Độ nên linh thiêng và huyền bí”. Ngày trước, những ngôi đền Ấn thường tổ chức lễ hội rất hoành tráng, diễu hành qua các con phố tại Sài Gòn.
“Trong lúc tổ chức lễ hội (giữa tháng 10 hàng năm), tượng Parvathy được đặt trên tượng sư tử Simha Vahanam để rước qua các đường phố ở khu vực Bến Thành xưa. Sư tử Simha Vahanam hiện đặt bên trái ngôi đền”, lịch sử còn lưu lại ở đền Hindu Mariamman viết.
Bi an ve nguoi Tamil An Do va ngoi den linh thieng giua Sai thanh - Anh 5
Xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy lưu giữ ở đền Sri Thenday Utthapani.
Tại đền Sri Thenday Utthapani, chú Ngọc cũng cho biết: “Hồi trước, xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy tổ chức rước qua các tuyến phố. Tuy nhiên, nay chỉ thực hiện tượng trưng trong khuôn viên đền mà thôi, vì xe ngựa này quá cao”. Hiện nay, ngôi đền vẫn còn lưu giữ chiếc xe ngựa này.
Theo các tài liệu mà PV có được, tại Sài Gòn từng có 4 ngôi đền. Ngoài các ngôi đền nói trên còn có đền Subramaniam Swamy (98 Nam kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), Ganesha (139 Thuận Kiều, quận 5). Tuy nhiên, đền Ganesha hiện không còn.
Thanh Tùng/NĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét