Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

NGHỀ ĐI TU

Đi tu có phải một nghề?


Hồng Minh (Báo Pháp luật và Thời đại)

 Phật giáo đã có hơn hai nghìn năm hình thành và phát triển. Do đó không sai khi nói rằng Phật giáo là tôn giáo phổ biến ở Việt Nam và nhà chùa, tăng ni là những hình ảnh mà người dân Việt nhiều đời tôn trọng, thành kính. Tuy nhiên, thời gian gần đây trong xã hội và trong cả một bộ phận những người tu hành có suy nghĩ cho rằng đi tu cũng là một nghề. Và vì là một nghề nên chuyện giữ giới luật cũng bị xem nhẹ. Điều này không những gây ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo mà còn gây bức xúc xã hội và mất lòng dân. Vậy, đi tu có phải là một nghề hay không, hãy cùng thử tìm hiểu…

Người tu đạo chân chính không ai gọi đi tu là một nghề

Ở góc độ Phật giáo, Vụ trưởng vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Tiến Sỹ Bùi Hữu Dược đã khẳng định như vậy. Theo TS. Dược, coi đi tu là một nghề là quan niệm ám chỉ một số ít người lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mưu cầu lợi ích riêng. Người tu đạo chân chính không ai gọi việc đi tu là một nghề, vì tu đạo là hoạt động vừa mang tính tâm linh vừa để hoàn thiện con người hoặc hướng tới một mục tiêu nhất định theo triết lý của từng tôn giáo. Tu đạo theo Phật giáo có cả người xuất gia (là nhà sư) và người tại gia (là tín đồ).

Theo TS. Dược, thực tiễn đã cho thấy khi con người sinh ra thì mỗi cơ thể sống gồm hai phần, thể xác và tâm hồn (thân và tâm). Thể xác phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn, nước uống, phải được vệ sinh chăm sóc hàng ngày. Tâm hồn cũng vậy, phải được nuôi dưỡng uốn nắn hàng ngày bằng tri thức, đạo đức, văn hóa… Với những người tu đạo, mục tiêu quan trọng nhất là tu tâm, tu đức. Tuy rằng, vẫn có những người tu đạo có hành động, lời nói phản cảm làm ảnh hưởng tới đạo đức Phật giáo mà đã được báo đài phản ánh khá rõ gần đây, song việc này cũng cần khách quan xem xét rõ ở từng trường hợp vì “vơ đũa cả nắm” sẽ không đúng cho cả đạo lẫn đời. 

Thứ nhất, những người tu đạo đang trên con đường tu để chỉnh và sửa mình, họ chưa phải là con người hoàn chỉnh, chưa “đắc đạo”, chưa đạt tới độ trang nghiêm cần thiết theo quy định giới luật của tôn giáo. Họ có vi phạm giới luật, đạo đức, đó cũng là việc bình thường, họ cần có thời gian và quá trình tu tập, rèn luyện mới có thể chuyển hóa để đạt chuẩn mực của người tu đạo.

Thứ hai, gần đây có một số người không tu đạo, lợi dụng tôn giáo như việc giả sư đi khất thực, đi bán hương, đi quyên tiền..., những người này không những làm ảnh hưởng xấu tới Phật giáo mà còn vi phạm pháp luật bởi hành vi giả danh, trục lợi. Và cuối cùng, có số rất ít tu đạo nhưng sống cuộc sống thiếu phạm hạnh, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh tôn giáo “con sâu làm rầu nồi canh”, số này thời nào cũng có, nay cũng khó tránh khỏi. Với những người tu đạo dạng này, tổ chức tôn giáo phải có hình thức điều chỉnh nghiêm khắc, đối với xã hội có thái độ và xử lý nghiêm minh.

“Hành nghề tôn giáo” gây hiểu nhầm

          Là nhà tu hành, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành Phố cho rằng quan niệm “đi tu là một nghề” đã  gây ảnh hưởng tiêu cực về hình ảnh của tăng sĩ Phật giáo. Lý giải căn nguyên của quan niệm “đi tu là một nghề”, Thượng tọa Thích Nhật Từ lý giải, sau năm 1945 ở miền Bắc, năm 1954 ở miền Bắc Trung bộ và năm 1975 ở miền Nam đã có nhiều thập niên, qua các văn bản pháp quy, các cán bộ Nhà nước thường gọi tăng sĩ Phật giáo và các giáo sĩ các tôn giáo khác là “những người hành nghề tôn giáo”. Theo Thượng tọa, cách dùng từ này không chỉ gây ngộ nhận về lý tưởng đi tu và phụng sự nhân sinh của tăng sĩ Phật giáo, mà còn vô tình xúc phạm đến lý tưởng xuất gia của tăng sĩ.

 Bởi khi cho rằng tăng sĩ Phật giáo “hành nghề tôn giáo” thì người ta sẽ đánh đồng việc tu hành cũng là “nghề để sinh sống”, từ đó, không thấy được giá trị đạo đức, văn hoá, xã hội và tinh thần mà các tăng sĩ Phật giáo đóng góp trong việc cải thiện đời sống xã hội được tốt đẹp hơn. Thực tế, nhiều người từ bỏ sự nghiệp thành công, vai trò lớn trong xã hội, vì giác ngộ lý tưởng cao cả của Phật giáo, trở thành nhà đạo đức tâm linh, trọn đời phụng sự, xóa bỏ nỗi khổ niềm đau, mang lại an vui hạnh phúc. Khác với các tôn giáo hữu thần, tăng sĩ Phật giáo không ăn lương, là những người “vô sản chuyên chính” đúng nghĩa.

“Nếu tăng sĩ nào cho rằng đi tu của bản thân là một cái nghề thì vị ấy đã phát xuất từ một động cơ không thanh tịnh, thiếu lý tưởng phụng sự và tăng sĩ ấy không thể phụng sự nhân sinh đúng với tinh thần “từ bi, vô ngã, vị tha” được đức Phật dạy” – Thượng tọa nhấn mạnh.
 
Nguồn: Báo Pháp luật và Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét