Khổng Tử (1) Ngô Thập Hữu Ngũ Nhi Chí Vu Học
Trong
câu "ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học," chúng tôi thấy có mấy chữ cần
phải được giải-thích để giúp các bạn trẻ hiểu cho rõ. Chữ "hữu" có nghĩa
là "thêm" (thập hữu ngũ: mười thêm năm, tức là 15), chữ "chí" có nghĩa
là "để hết tâm ý," và chữ "vu" có nghĩa là "đối với" Cả câu "ngô thập
hữu ngũ nhi chí vu học" có nghĩa là khi tới 15 tuổi, ta mới có thể
tự-mình chuyên-tâm vào việc học. Có biết như thế, các bậc cha mẹ mới
không buồn-phiền khi thấy các con mình mải chơi đùa và không chịu chuyên
tâm học-hành trước khi chúng chưa tới lứa tuổi 15. Và cũng nhờ đó, các
bậc cha mẹ mới đem hết kiên-nhẫn, kỹ-năng, và nghệ-thuật để chăm-nom
săn-sóc cho các con mình ngay từ khi chúng còn nhỏ (trước 15 tuổi) hầu
giúp chúng thành-công trong việc học.
|
Khổng Tử (2) Tam Thập Nhi Lập
"Tam
thập nhi lập" có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự-lập mới
có thể chắc-chắn và vững-vàng. Thực vậy, khi đạt tới 30 tuổi, con người
có thể tự-lập và gây-dựng nên sự-nghiệp cho mình với điều-kiện là họ
phải có chí tự-lập cũng như được cha mẹ săn-sóc và giáo-dục chu đáo. Chí
tự-lập của con người giữ vai-trò quyết-định trong việc tự- lập. Trong
thực-tế đã có nhiều người tự-lập từ trước lứa tuổi 30 và cũng có người
không tự-lập được ở ngoài lứa tuổi 30. Đây là trường-hợp của những người
có chí tư- lập hay không. Nếu không có chí tự-lập thì dù cha mẹ có
săn-sóc và giáo-dục cũng vẫn không tự-lập được. Họ là những người ăn bám
gia-đình và xã-hội.
Khổng Tử (3) Tứ Thập Nhi Bất Hoặc
"Tứ
thập nhi bất hoặc" có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu
thấu mọi sự-lý trong thiên-hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng
như hiểu được ai là người tốt hay xấu, phân biệt được những ai là người
chân-chính yêu nước thương nòi và biết được cái gì nên làm hay không.
Không phải người nào ở cái tuổi 40 cũng được như vậy. Muốn đạt tới trình
độ "nhi bất hoặc," con người phải được giáo-dục kỹ-lưỡng và tự mình cố
công học-hỏi chuyên-cần ngay từ khi còn nhỏ.
|
Khổng Tử (4) Ngũ Thập Nhi Tri Thiên Mệnh
"Ngũ
thập nhi tri thiên-mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có
thể thông-suốt chân- lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời.
Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình-độ "tri thiện-mệnh"
Muốn đạt được trình độ "tri thiên-mệnh," con người cũng phải có căn-bản
vững-vàng về giáo-dục, kiến-văn, và kinh-nghiệm sống.
|
Khổng Tử (5) Lục Thập Nhi Nhĩ Thuận
"Lục
thập nhi nhĩ-thuận" có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì mới đạt
đến mức độ hoàn-hảo về mặt tri-hành, kiến-văn, và kinh-nghiệm về cuộc
sống. Nhờ đó, người ta có thể nhận-xét và phán- đoán được ngay tức-khắc
và chính-xác về các sự-kiện và nhân-vật trong thiên-hạ. Khi nhìn hay
nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng-ngại mà
còn hiểu thấu ngay mọi lẽ. Không phải tự-nhiên mà ta đạt được trình-độ
"nhi nhĩ thuận" Muốn đạt được trình-độ này, con người cũng phải có
căn-bản giáo-dục, đạo-đức, kiến-văn, và kinh-nghiệm từng-trải về sự đời.
|
Khổng Tử (6) Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ
"Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình- trạng rất hoàn-hảo về cách xử-sự và xử-thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự-nhiên thể-hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn-khổ của đạo-lý hay lẽ thường. Đây là trình-độ tuyệt-hảo của con người ở vào tuổi từ 70 trở lên nếu trước đó họ được giáo-dục đúng cách, tự tìm tòi học-hỏi, có kiến-văn quảng-bác, có tu-tâm dưỡng-tánh, và đã từng-trải cũng như rút được ưu khuyết-điểm trong các kinh-nghiệm về nỗi ê-chề đớn-đau của cuộc đời.Tuy rằng Khổng-Tử đã trình bày về những lứa tuổi cuộc đời cụ-thể của ngài như đã nói ở trên, chúng ta phải hiểu rằng đây cũng là ý của ngài muốn nói về từng giai-đoạn tác-thành-của các lứa tuổi cuộc đời con người. Muốn đạt tới khả-năng nhận-thức và thực-hành ở mỗi lứa tuổi như đã đề-cập ở trên, người ta phải được giáo-dục và tự mình chuyên-tâm vào việc học-hỏi liên-tục ngay từ khi còn trẻ, tức là từ trước khi tới lứa tuổi 15 và tiếp-tục cho tới 70 tuổi, để trau-giồi kiến-văn, đạo-đức, và rút-tỉa kinh-nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.
Mỗi lứa tuổi 15, 30, 40, 50, 60, và 70 thể-hiện kết-quả của việc giáo-dục trong gia-đình và học-đường cùng kiến-văn có được qua sự học-hỏi ở trường đời. Nếu không được giáo-dục đúng cách và nếu không biết tự tu tâm dưỡng tánh, tự trau-giồi kiến-văn cho hoàn-hảo, và tự rút tỉa kinh-nghiệm trường đời thì con người giống như "ông bình vôi," càng sống lâu càng ngu và càng làm hại dân hại nước dù rằng có bằng cấp cao đến thế nào đi nữa.
Có tuổi là một việc, nếu không được giáo-dục đúng cách và không tự trau-giồi kiến-văn cùng kinh-nghiệm sống thì dù tới 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, hay 70 tuổi đi nữa, người ta cũng không có sức tự-lập, không hiểu hết sự lý, không biết được mệnh trời, không thông-suốt mọi lẽ, và không thể làm chủ được hành-động và tư-tưởng của mình nhiên-hậu sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý. Việc quan- trọng nhất là nếu đã tới 30 tuổi mà không tự-lập được vững-vàng, ta sẽ gặp nhiều gian-truân chứ đừng nói chi đến việc có thể giúp mình và giúp đời một cách có hiệu-quả được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét