Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

THỐNG TƯỚNG LÊ VĂN TỴ

Vị sĩ quan cao cấp nhất và duy nhất của Quân lực VNCH.
Thống tướng LÊ VĂN TỴ
Tiểu sử và Binh nghiệp
Ông sinh ngày 17-5-1904 tại làng Thắng Tam, Vũng Tàu, miền Đông Nam phần Việt Nam trong một gia đình bình dân. Ông là con cả trong gia đình có 7 anh chị em gồm 4 trai và 3 gái. Trong số 3 người em trai của ông, có 2 người là sĩ quan của Quân lực VNCH. Năm 1915, sau khi đậu bằng Tiểu học, ông được thân phụ (nguyên là quân nhân trong quân đội Pháp) gửi vào học ở trường Thiếu sinh quân Đông Dương tại Thủ Dầu Một. Năm 1922, ra trường với chứng chỉ tốt nghiệp tương đương văn bằng Tú tài bán phần (Part I) của Trung học Phổ thông.
Quân đội Viễn chinh Pháp
Ngay sau khi tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân, ông tình nguyện nhập ngũ vào quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam với cấp bậc Trung sĩ giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc đơn vị bộ binh. Đến giữa năm 1928, ông được đơn vị cho đi du học tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Frejus Pháp. Sau khi thụ huấn xong phần căn bản quân sự, ông tiếp tục thụ huấn sang phần chuyên môn của ngành Pháo binh. Đầu năm 1930, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy. Ra trường phục vụ ở đơn vị pháo binh của quân đội Pháp. Mãi đến năm 1933 ông mới về nước, tiếp tục phục vụ trong đơn vị bộ binh của quân đội Pháp. Đầu năm 1934, ông được thăng cấp Thiếu úy giữ chức vụ Đại đội trưởng bộ binh. Năm 1940, ông được thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Thời gian này ông được tham gia Thế chiến II ở châu Âu và Đông Dương
Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương vào ngày 9 tháng 3, ông cùng một số quân nhân Pháp theo đơn vị rút về Cà Mau để kháng Nhật. Khi quân đội Pháp được lệnh đầu hàng, ông về trú ngụ ở quê vợ tại Hương Mỹ, Bến Tre. Năm 1946, sau khi Pháp tái chiếm Nam kỳ, ông trở lại Sài Gòn, khi ngang qua Tân Trụ (Long An), ông bị Việt Minh bắt giữ và đem xử bắn. Tới giờ hành quyết, ông được giải thoát bởi chính 2 xạ thủ là cựu quân nhân thuộc quyền lúc trước (2 người này về sau hồi chánh và được phục vụ dưới quyền ông cho tới khi ông từ trần). Khi về tới Sài Gòn ông lại bị Pháp kỷ luật và giam giữ. Sau thời gian thọ phạt kỷ luật, ông được tái phục vụ trong quân đội Liên hiệp Pháp. Cuối năm, ông được thăng cấp Đại úy.
Quốc gia Việt Nam
Ngày 20-7-1948, ông được chuyển sang làm Chánh Võ phòng cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, Chính phủ Nam kỳ Việt Nam. Cùng thời điểm này, Trung úy Trần Tử Oai giữ chức vụ Phó Võ phòng, Trung úy Trần Văn Đôn giữ chức vụ Sĩ quan tùy viên trong Phủ Thủ tướng Nam kỳ. Đầu năm 1949, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Vệ binh Nam Việt kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vệ binh Danh dự.
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Năm 1950, khi quốc gia Việt Nam chính thức thành lập quân đội, ông được thăng cấp Trung tá giữ chức vụ Tham mưu trưởng Tham mưu Biệt bộ tại Bộ Quốc phòng và là sĩ quan người Việt có cấp bậc cao nhất ở quân đội Quốc gia lúc bấy giờ. Đầu tháng 6-1951, ông được cử làm Tổng chỉ huy cuộc Duyệt binh đầu tiên của quân đội Quốc gia tại Sài Gòn nhân ngày "Hưng Quốc khánh niệm" (Lễ kỷ niệm lần thứ 149 ngày Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Gia Long) dưới sự chứng kiến của Quốc trưởng Bảo Đại. Ngay sau đó, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm.
Ngày 12-4-1952, ông được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Liên quân Quân đội Quốc gia, đồng thời làm Chánh chủ khảo kỳ thi tốt nghiệp khóa 5 Hoàng Diệu của trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Ngày 1 tháng 7 cùng năm, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh đầu tiên Đệ nhất Quân khu Nam Việt, khi lãnh thổ Việt Nam được chia thành 4 Quân khu.
Năm 1954, chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước nắm quyền Thủ tướng. Đầu tháng 12 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tướng, nhận lệnh bàn giao chức vụ Tư lệnh Đệ nhất Quân khu Nam Việt lại cho Đại tá Trần Văn Minh "Lục quân" (nguyên Tham mưu trưởng Đệ nhất Quân khu). Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam thay thế Trung tướng Nguyễn Văn Hinh.
Việc này đã làm bùng nổ xung đột tranh giành quyền lực trong quân đội. Ngày 28-4-1955, Quốc trưởng Bảo Đại từ Cannes gửi điện về Sài Gòn báo cử Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia và yêu cầu Thủ tướng sang Pháp trình bày về tình hình. Tuy nhiên, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã từ chối thực hiện. Cộng với sự ủng hộ của các tướng lĩnh, ông được tín nhiệm lưu chức.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Ngày 26-10-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm. Ngày 8-12-1956, ông được thăng cấp Đại tướng tại nhiệm. Ngày 27-7-1959, ông được cử làm Trưởng đoàn, hướng dẫn phái đoàn Việt Nam Cộng hòa công du thăm viếng Tân Gia Ba (Singgapore) và Mã Lai (Malaysia).
Đầu tháng 7 năm 1963, ông lâm bệnh ung thư phổi, ngày 27 cuối tháng ông sang Hoa Kỳ để chữa trị. Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm Tham mưu trưởng Liên quân được cử tạm thời giữ chức vụ Quyền Tổng tham mưu trưởng. Sau đó, Trung tướng Trần Văn Đôn Tư lệnh Lục quân, được Tổng thống Ngô Đình Diệm cử giữ chức vụ Quyền Tổng Tham mưu trưởng thay tướng Khiêm (nổ ra cuộc đảo chính đầu tháng 11 năm 1963, lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa,chính tướng Trần Văn Đôn là một trong những tướng lĩnh chủ chốt trong cuộc đảo chính này).
Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 thành công, ông được cử làm cố vấn trong Chính phủ Lâm thời do ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, ông không tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự và chính trị nào nữa. Đầu tháng 2-1964, sau cuộc chỉnh lý nội bộ của tướng Nguyễn Khánh vào ngày 31-1-1964, ông lại được sang Hoa Kỳ để điều trị bệnh 1 thời gian ngắn.
Để tưởng thưởng công lao phục vụ quân đội của ông, ngày 21-7-1964 ông được thăng cấp Thống tướng vừa được đặt ra và được trao tặng Đệ nhất đẳng Bảo quốc Huân chương. Ông trở thành sĩ quan đầu tiên và duy nhất được phong cấp bậc cao nhất của Quân đội VNCH. Lễ phong cấp được tổ chức tại tư gia số 37 Cường Để, Sài Gòn (vị trí nầy ngày nay là tòa cao ốc Saigon Trade Center của công ty Luks, Hong Kong) do Trung tướng Nguyễn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng chủ trì.
Ngày 20-10-1964, ông từ trần tại Sài Gòn. Hưởng thọ 60 tuổi (trong khi thân mẫu của ông của ông vẫn còn sống và đã 83 tuổi). Lễ an táng của ông được cử hành trong thể với lễ nghi quân cách theo nghi thức Quốc gia.
Linh cữu được đặt trên một chiếc Thiết vận xa M.113 di chuyển theo đại lộ Cường Để, qua đường Thống Nhất rồi đường Mạc Đĩnh Chi và đến nghĩa trang Đô thành Sài Gòn (nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi). Sau đó, thi hài ông được an nghỉ tại đây.
Sau 30-4-1975, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bị giải tỏa. Hài cốt của ông được hỏa táng và đem về thờ tại chùa Đại Giác ở đường Công Lý, Sài Gòn. Năm 1988, di cốt về Vũng Tàu thờ ở nhà quý nam Lê Anh Tuấn. Sau đó đem di cốt rải xuống biển.
Huy chương cao cấp ngoại quốc
• Bắc đẩu Bội tinh Đệ tứ đẳng kèm Chiến công Bội tinh với nhành Dương liễu (Pháp)
• Danh dự Bội tinh Đệ nhị đẳng (Hoa Kỳ)
• Bắc đẩu Bội tinh Đệ nhất đẳng (Phi Luật Tân)
Gia đình
Thống tướng Lê Văn Tỵ có 3 người con gồm 1 trai, 2 gái:
1. Lê Thị Thu Hồng (phu quân: ông Nguyễn Tất Huệ, nguyên là Trung tá phục vụ ngành Quân cụ VNCH, hiện đang định cư tại Anh)
2. Lê Thị Thu Cúc (hiện đang định cư tại Pháp)
3. Lê Anh Tuấn (nguyên là Đại úy phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù của VNCH, cải tạo 13 năm, xuất cảnh theo diện H.O do chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh, hiện đang định cư ở Hoa Kỳ).
(nguồn Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét