Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

 Chuyện mẹ chồng nàng dâu của Nam Phương Hoàng Hậu

Tuy là một phụ nữ nết na và rất biết cách ăn ở, trong thời gian sống ở Hoàng thành Huế, bà hoàng hậu cuối cùng của nước Việt cũng gặp phải những vấn đề mẹ chồng nàng dâu như ai.
alt Hoàng hậu Nam Phương.

Hoàng hậu Nam Phương vẫn được đánh giá cao về trí thông minh và phẩm hạnh, là người kết hợp hài hòa nét đẹp truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Tuy không phải là nàng dâu mà hoàng tộc muốn lựa chọn nhưng khi vào sống trong kinh thành Huế, bà đã khéo léo giữ phận dâu con. Bà hoàng Tây học đầu tiên và duy nhất này ngoài việc dạy dỗ con cái còn cùng với bộ Lễ lo về lễ tiết, cúng kỵ, thăm hỏi mẹ chồng và các bà nội chồng… Thật sự người ta không tìm ra được điểm nào trong cách hành xử của bà để chê bai, ấy vậy mà xung đột mẹ chồng nàng dâu vẫn ngấm ngầm nảy nở.

Những mâu thuẫn xung quanh “hoàng tử bé”
Những năm đầu tiên trong cuộc hôn nhân với hoàng đế Bảo Đại, Nam Phương cực kỳ hạnh phúc, vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Nhà vua thường tự mình lái xe chở vợ đi chơi mỗi tuần, hết Nha Trang lại Đà Lạt, thậm chí cả lên Tây Nguyên săn bắn. Ái ân đằm thắm nên những đứa con cũng nối nhau ra đời, đầu tiên là hoàng tử Bảo Long, sinh vào đêm 4/1/1936.
Đêm ấy, nghe 7 phát súng thần công, người dân Huế biết hoàng hậu đã hạ sinh một hoàng tử, người sẽ kế vị ngai vàng. Với thái hậu Từ Cung mà nói, đây là một sự kiện không thể vui hơn. Nước Việt thời ấy, ngay cả trong gia đình thường dân, đứa cháu trai cũng còn thuộc quyền của ông bà nội nữa là gia đình vua chúa.
Thế nhưng trong gia đình Bảo Đại lại khác, bởi để cưới được Nam Phương, nhà vua đã cam kết để bà giữ đạo Thiên Chúa. Và để hoàng hậu không bị Vatican rút phép thông công vì lấy chồng ngoại đạo, ông cũng  chấp nhận điều kiện của Tòa thánh: các con sinh ra sẽ rửa tội theo đạo của mẹ.
Chính vì vậy, hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đã chịu phép rửa tội và đặt tên thánh là Phillipe, dĩ nhiên cái lễ “nhạy cảm” này được hoàng hậu tổ chức lặng lẽ và kín đáo.
Hoàng tử lớn hơn một chút, bà yêu cầu con trai mỗi tối đến phòng mình đọc kinh cầu nguyện. Hằng tuần, có một linh mục đến làm lễ riêng cho hoàng hậu và bà cũng để con trai tham gia.
Với sự “bồi dưỡng” của mẹ, hoàng tử Bảo Long từ khi còn ít tuổi đã rất chăm cầu nguyện và thuộc nhiều kinh.

alt Nam Phương hoàng hậu với hoàng tử Bảo Long và công chúa Phương Mai.

Là cháu đích tôn của hoàng tộc, dĩ nhiên Bảo Long vẫn được giáo dục theo tinh thần Phật giáo, thế nhưng Nam Phương đã cố gắng tránh cho con trai mình tham dự quá nhiều lễ nghi cổ truyền mang màu sắc đạo Phật. Điều này, bà Từ Cung hẳn cũng cảm nhận được tuy không có cớ bắt bẻ con dâu.
Tuy nhiên, thái hậu khó mà không tức giận khi bà bắt cháu đeo những đạo bùa cầu an, trừ tà ở cổ tay mà mẹ nó nhất quyết phản đối.
Một điều nữa khiến thái hậu Từ Cung khó chịu là hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp những khi ở nhà, khiến bà không thể hiểu con dâu và cháu nội nói gì.
Bà Từ Cung vốn xuất thân không cao sang, học vấn lại khá “khiêm tốn”, nên hẳn không thoải mái, dễ chịu  gì trước việc nàng dâu hiểu nhiều biết rộng, tiếng Pháp nói như gió, có thể qua mặt bà trong việc dạy dỗ đứa cháu đích tôn.
Bà cũng biết rằng Bảo Long không thích dự các nghi lễ Phật giáo mà bà sùng mộ, chỉ thích các lễ nghi Tây phương và Thiên Chúa giáo.
Cậu bé thích nói tiếng Pháp nên giao tiếp nhiều với các quan Tây, các quan trong triều muốn nói chuyện với hoàng tử và hoàng hậu thường hay phải dùng tiếng Pháp.
Là một bà mẹ chồng, một thái hậu, có toàn quyền trong hậu cung nhưng bà Từ Cung lại bất lực nhìn kẻ nối ngôi được giáo dục theo một đường hướng mà bà không mong muốn. Vì thế, tuy không công khai đả kích Nam Phương nhưng tình cảm mẹ chồng nàng dâu không thể nói là tốt đẹp, mâu thuẫn cứ ngấm ngầm phát triển.

Không thích hoàng hậu, thái hậu mở lòng với các “thứ phi”

Thực ra, mối bất hòa giữa thái hậu và hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn cũng khó mà không xảy ra, cho dù hai bên có giỏi kiềm chế tới đâu chăng nữa.
Trước hết, hai con người này quá khác nhau. Bà Từ Cung xuất thân nghèo khó, đến mức phải bán con làm hầu gái của một bà chúa, rồi sau đó được lấy sang hầu hạ bên dinh ông hoàng Bửu Đảo (sau là vua Khải Định), rồi vì may mắn có thai với ông chủ mà trở thành mẹ vua.
Trong khi đó Nam Phương hoàng hậu sinh ra trong nhung lụa, được học hành đến nơi đến chốn, ngay hôm lấy chồng đã được tấn phong hoàng hậu. Nếu người ta nói bà Từ Cung có chút mặc cảm với con dâu thì cũng chưa hẳn đã là đoán bừa.
Nam Phương là nàng dâu mà bà Từ Cung bị ép phải chấp nhận đã đành. Đã thế, cô dâu bất đắc dĩ này cũng không phải cúi đầu vào cung, mà đã đưa ra cả mớ điều kiện “ngông cuồng” mới chịu lấy hoàng đế: phải được tấn phong hoàng hậu, nhà vua phải giải tán tam cung lục viện, thực hiện chế độ một vợ một chồng, con trai nàng sinh ra phải được phong thái tử.
Thử hỏi từ trước đến nay, có người phụ nữ nào dám ra điều kiện với hoàng đế, mà lại những điều kiện “trời long đất lở” chưa từng có như vậy không? Vậy mà con trai bà lại vẫn răm rắp chấp nhận. Nghĩ đến mình ngày trước phải chịu bao tủi nhục, ngay cả lúc mang thai còn bị hai bà mẹ chồng (bà Thánh Cung và Tiên Cung, vợ vua Đồng Khánh, mẹ đích và mẹ đẻ của Khải Định) bắt nằm úp bụng xuống một cái hố để đánh đòn, nhằm tra khảo xem cái bào thai ấy có đúng của Khải Định hay không…, thái hậu chắc sẽ có chút chua chát, và sinh ra ác cảm với con dâu.
Đã thế, Nam Phương hoàng hậu vào cung còn mang theo số của hồi môn lớn, riêng tiền mặt mà cậu ruột mừng cưới đã là 1 triệu đồng, trong khi giá một tạ thóc hồi đó chỉ 5 đồng. Nếu tính cả tiền bạc, nữ trang và bất động sản mà bố mẹ đẻ cho thì không biết bao nhiêu mà kể.
Hoàng hậu lại chiếm trọn trái tim nhà vua nhờ nhan sắc và sự quyến rũ của mình, cộng thêm sự ủng hộ của người Pháp, nên quyền lực của Nam Phương trong hoàng cung không phải nhỏ. Hoàng hậu lại có tư tưởng tự do do ảnh hưởng Tây phương, nên không thể nói một câu, làm một việc nhỏ cũng phải đón ý mẹ chồng. Tất cả những yếu tố đó khiến cho thái hậu Từ Cung đối với con dâu mình có thể bằng mặt nhưng khó mà bằng lòng.
Có lẽ vì vậy mà bà Từ Cung rất dễ dàng chấp nhận bà Mộng Điệp, tình nhân của Bảo Đại, coi Mộng Điệp như thứ phi, cho dù chế độ phi tần đã bị chính con trai bà bãi bỏ từ lâu. Ngoài việc Mộng Điệp trên thực tế là người luôn kề cận chăm sóc Bảo Đại, được ông sủng ái, sinh con cho nhà vua, có một điểm nữa khiến thái hậu hài lòng là “thứ phi” này theo đạo Phật. Cho dù đây là người vợ không cưới xin, không hôn thú, nhưng bà vẫn nghiễm nhiên coi Mộng Điệp là dâu, và tin tưởng giao cho việc thờ cúng tổ tiên nhà chồng.
Bà Mộng Điệp cũng tâm niệm mình suốt đời là vợ của Bảo Đại nên đã làm việc đó một cách thành tâm, chu đáo nhất. Tình cảm giữa bà Từ Cung và Mộng Điệp rất tốt đẹp. Thái hậu thậm chí còn ban mũ áo cho “thứ phi” để thay mặt hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc cúng tế, mà bà hoàng hậu theo Thiên Chúa giáo không muốn dính vào.
Tình vợ chồng giữa Bảo Đại và Nam Phương chỉ thắm thiết những năm đầu, sau đó ông vua mải chơi và trăng hoa mải miết đuổi theo những bóng hồng khác.
Nam Phương lại quá nề nếp và kiêu hãnh để cố gắng quyến rũ, giành giật chồng bằng những chiêu thức mà bà cho là không xứng với địa vị của mình, vì thế vợ chồng mỗi ngày một xa cách, hoàng đế ít khi về với hoàng hậu. Trong cảnh sống cô đơn ở hoàng cung, sự lạnh lẽo trong quan hệ với mẹ chồng càng khiến cho trái tim Nam Phương thêm tủi buồn, đúng như lời ông thầy bói từng phán về bà thời con gái: bà sẽ bước lên địa vị tôn quý nhất, nhưng cuộc đời lại không có mấy niềm vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét